Vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn: Không bao che, bảo kê

Ông Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã toàn quốc và quốc tế.
Ông Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã toàn quốc và quốc tế.
TP - “Có thể khẳng định, các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền không có hiện tượng bao che, bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh chạy trốn. Việc người này chạy thoát là ngoài ý muốn của chúng ta”,  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/10.

Khẩn trương nhưng cẩn trọng

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi, liệu có hay không việc bao che, tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh hiện dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước rất quan tâm. Qua vụ việc, trước hết có thể khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân, của người đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị về việc tuyên chiến với tham nhũng.

Theo người phát ngôn Chính phủ, những chỉ đạo của các cấp lãnh đạo với các cơ quan chức năng để kiểm tra, làm rõ các vi phạm của Trịnh Xuân Thanh đang được tiến hành tích cực, khẩn trương nhưng cũng rất cẩn trọng. Về việc chạy trốn của Trịnh Xuân Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, Bộ Công an cũng đã tiến hành truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với người này.

“Các doanh nghiệp phải lên sàn. Phải có tư vấn đấu thầu để xác định mức giá hợp lý, không để xảy ra lợi ích nhóm trong bán cổ phần hóa doanh nghiệp. Ai trả giá cao nhất người đó sẽ mua” 

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

“Có thể khẳng định các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền không có hiện tượng bao che, bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh chạy trốn. Còn việc người này chạy thoát là ngoài ý muốn của chúng ta. Chúng ta không nghĩ là người này có sự chạy trốn trước cơ quan pháp luật, tránh né khỏi cơ quan Đảng, tổ chức mà người này đang sinh hoạt ở đó”, ông Mai Tiến Dũng nói.  

Cũng liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, trả lời câu hỏi của phóng viên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã trao đổi về một trong số những lý do thu thẻ nhà báo ông Nguyễn Như Phong và đình bản tạm thời 3 tháng đối với báo Petrotimes, khi báo này đăng lại bài phỏng vấn Bùi Thanh Hiếu – đối tượng chuyên gây rối an ninh trật tự đã bị chính quyền xử lý, hiện đang sống ở nước ngoài. Theo ông Trương Minh Tuấn, việc đăng lại bài phỏng vấn Bùi Thanh Hiếu trên một website nước ngoài nói về Trịnh Xuân Thanh trên tờ báo của Hội Dầu khí, không những trái với tôn chỉ mục đích của tờ báo, mà vô hình chung còn gián tiếp tiếp tay cho hoạt động chống Nhà nước của ông này. Hơn nữa, ông Trịnh Xuân Thanh hiện đang bị truy nã, trong khi bài phỏng vấn đã đưa ra những thông tin bị cắt xén, không có căn cứ, kèm theo những thông tin sai lệch, dễ bị suy diễn là Trịnh Xuân Thanh không phạm tội.

“Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Hội Dầu khí, việc cho đăng tải bài báo nói trên còn gián tiếp lái dư luận hiểu sai lệch về vụ án này. Việc làm đó không chỉ gây nhiễu loạn thông tin mà còn gây cản trở cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tội phạm kinh tế, gây hoang mang dư luận và gây bất lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật khi đang thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật”, ông Tuấn cho biết.

Công khai để ngăn chặn những nhóm lợi ích

Trả lời báo chí về việc thoái vốn tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn và Hà Nội có nguy cơ chậm so với kế hoạch đề ra, ông Dũng cho biết, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là minh bạch công khai, bán cho doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp ngoài nước. Bán là phải đấu giá, không bán chỉ định cho một số nhà đầu tư. Ông Dũng cũng khẳng định, việc hai doanh nghiệp lên sàn chứng khoán chậm là lỗi của hai doanh nghiệp, vì đã cổ phần hóa lâu rồi. “Các doanh nghiệp phải lên sàn. Phải có tư vấn đấu thầu để xác định mức giá hợp lý, không để xảy ra lợi ích nhóm trong bán cổ phần hóa doanh nghiệp. Ai trả giá cao nhất người đó sẽ mua”, ông Dũng nói và khẳng định, việc Thủ tướng giao là cho hai doanh nghiệp trên phải niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2016. Nếu doanh nghiệp thực hiện chậm thì Bộ Công thương phải kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Dũng cho biết, mới đây Chính phủ đã lập một trang web để lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp (DN) với Chính phủ. Với những vụ việc doanh nghiệp phản ánh chỗ này chỗ kia có yêu cầu nộp phong bao, phong bì, ông Dũng cho biết, có những lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân khiến một số cán bộ công chức viên chức gây khó dễ cho doanh nghiệp trong quá trình làm hồ sơ thủ tục, thậm chí mặc cả với doanh nghiệp để đòi chia tỷ lệ phần trăm trong dự án. Để giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương trong công tác cán bộ, trang web sẽ công khai tất cả các phản ánh để ngăn chặn những nhóm lợi ích và hạn chế tối đa những tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính”.

MỚI - NÓNG