Đủ kiểu vi phạm của các ‘ông lớn’
Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ ông Nguyễn Văn Thanh vừa ký ban hành Thông báo kết luận Thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định số 123 của UBND TP Hà Nội (giai đoạn từ 2002 đến 2014).
Theo kết luận, hầu hết dự án ở giai đoạn này UBND TP Hà Nội xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, đưa vào một số khoản chi không đúng quy định pháp luật, như: chi phí dự phòng, thuế VAT, chi phí giải phóng mặt bằng… để giảm trừ.
Qua thanh tra cho thấy việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt (số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, nâng chiều cao tầng nhà…). Những vi phạm trên làm lợi cho chủ đầu tư vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do những điều chỉnh quy hoạch có lợi, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Điều này dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi, trong khi ngân sách nước bị thất thu ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong danh sách các dự án, khu đô thị được Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra với đủ kiểu sai phạm, vi phạm, với nhiều gương mặt của những ‘ông lớn’ trong giới BĐS hiện nay của Hà Nội. Đơn cử, dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ do Cty Vinaconex 2 (Vinaconex 2) hợp tác với Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.
Dự án Khu nhà ở tại số 628 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê và nhà chung cư cao cấp FLC Landmark Tower của Cty TNHH một thành viên FLC Land; Dự án thành phố Giao lưu do Cty CP Đầu tư xây dựng Quốc tế Vigeba làm chủ đầu tư; Khu đô thị Xa La của Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên; Dự án, khi xây dựng xong tòa nhà chung cư cao tầng có ký hiệu NO- 10 thuộc KĐT mới Dịch Vọng của Cty CP Tập đoàn Hà Đô; Cty CP Thanh Bình, chủ đầu tư dự án KĐT Dịch Vọng…
Buông lỏng quản lý trong thời gian dài
Theo Thanh tra Chính phủ do tốc độ đầu tư nóng, tăng trưởng nhanh, trong khi năng lực, trình độ quản lý kinh tế - xã hội chưa theo kịp, còn nhiều yếu kém; đặc biệt là công tác quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, quản lý tài chính về đất đai còn hạn chế; sai phạm phổ biến xảy ra ở các giai đoạn đầu tư, sai phạm về quy hoạch xây dựng, về xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; sai phạm về sử dụng nguồn lực đất đai…
Theo Thanh tra Chính phủ, do thiếu tinh thần trách nhiệm, biểu hiện sự buông lỏng quản lý trong thời gian dài. Cơ quan thẩm quyền không tiến hành hậu kiểm, để làm lợi cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến cộng đồng, trách nhiệm thuộc Thường trực UBND TP Hà Nội, các Sở; Quy hoạch - kiến trúc, Tài nguyên và MT, Xây dựng, Tài chính và chủ đầu tư.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, ngoài việc đề nghị lãnh đạo Hà Nội xử lý về kinh tế với việc thu hồi hàng trăm tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ đề nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý. “Chủ tịch UBND TP Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, trong quy hoạch; kiểm tra lại các dự án, chủ đầu tư vi phạm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, có biện pháp xử lý”, kết luận thanh tra nhấn mạnh.