Vụ thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền ở Vĩnh Phúc: Xử sơ thẩm sau nhiều lần hoãn

0:00 / 0:00
0:00
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh được dẫn giải trong một phiên tòa. Ảnh: P.V
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh được dẫn giải trong một phiên tòa. Ảnh: P.V
TP - Bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh, nguyên phó phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng - cùng các đồng phạm trong vụ chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phải hầu toà.

Chị trưởng đoàn, em thành viên

Sau nhiều lần hoãn, ngày 30/8, TAND tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên xử sơ thẩm 4 bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản” gồm: Nguyễn Thị Kim Anh - Phó phòng Phòng chống tham nhũng; Nguyễn Thị Kim Liên - cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3 (em ruột Kim Anh); Đặng Hải Anh - nhân viên Phòng Thanh tra xây dựng 2; Nguyễn Thùy Linh - nhân viên Phòng giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra.

Theo cáo trạng, tháng 3/2019, bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh được điều động, luân chuyển làm Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Bộ Xây dựng). Sau đó, Nguyễn Thị Kim Anh được giao làm Trưởng đoàn thanh tra tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

Mặc dù biết rõ đối tượng thanh tra theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt là UBND huyện Vĩnh Tường, không bao gồm các xã, thị trấn, không được thanh tra các dự án, công trình do UBND cấp xã làm chủ đầu tư, song với mục đích trục lợi, trước khi đến thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, bị can Kim Anh đã gọi điện cho một số cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng thuộc UBND huyện Vĩnh Tường yêu cầu tổng hợp, báo cáo toàn bộ các dự án công trình xây dựng do 29 xã, thị trấn làm chủ đầu tư từ 2013 - 2018.

Bị cáo cũng soạn quyết định thanh tra trình cấp trên ký nhưng không ghi rõ đối tượng thanh tra nhằm che giấu việc vượt thẩm quyền. Kim Anh không gửi quyết định thanh tra cho chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc để cùng phối hợp thực hiện… Các bị cáo sau đó ép buộc nhiều doanh nghiệp, đơn vị phải đưa tiền để được bỏ qua sai phạm.

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, khi nói chuyện về số tiền phải đưa, Kim Anh sẽ viết ra giấy hoặc gõ trên máy tính cho chủ đầu tư, doanh nghiệp xem rồi xóa đi nhằm không bị ghi âm. Bị cáo cũng thỏa thuận với Hải Anh về việc nếu nhà thầu xin giảm nhẹ lỗi, Hải Anh sẽ tự quyết định số tiền họ phải nộp. Với các lỗi về điều kiện năng lực thi công, Kim Anh và Nguyễn Thùy Linh thống nhất sẽ thu tiền theo tỷ lệ 5% trên giá trị hợp đồng với nhà đầu tư và 0,15% giá trị hợp đồng với nhà thầu thi công. Sau khi lấy tiền bên trong, các đối tượng xé nhỏ phong bì, cho vào bồn cầu xả nước.

Một tháng thu lợi bất chính hơn 2,1 tỷ đồng

Theo cáo trạng, từ tháng 5/2019 đến 12/6/2019, các bị cáo thu lợi bất chính hơn 2,1 tỷ đồng trong đó có hơn 823 triệu đồng không xác định được những bị hại nào đã đưa.

Triệu tập bị hại và người liên quan

Tại phiên toà lần này, TAND tỉnh Vĩnh Phúc triệu tập bị hại và nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Phiên toà dự kiến sẽ diễn ra trong 4 ngày.

Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Kim Liên đã ra ngân hàng rút 310 triệu đồng mang đi tẩu tán. Đây là số tiền Kim Anh chiếm đoạt được và đưa cho em gái đi gửi ngân hàng. Cơ quan tố tụng xác định bị cáo Liên không trực tiếp nhận tiền của doanh nghiệp, đơn vị ở Vĩnh Phúc nhưng đã giúp chị gái bằng cách nhận, gửi hồ sơ; bóc phong bì, đếm tiền… với mục đích cùng nhau ăn chia.

Trước đó, TAND tỉnh Vĩnh Phúc từng nhiều lần đưa vụ án gây rúng động dư luận này ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, các phiên xử đều phải hoãn vì nhiều lý do. Phiên xét xử gần nhất, Toà đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung với yêu cầu “cần xem xét lại tội danh” đối với các bị cáo.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.