Vụ tai nạn tàu LC1: 1.200 người thoát hiểm trong gang tấc

Vụ tai nạn tàu LC1: 1.200 người thoát hiểm trong gang tấc
TP - Khoảng 3h sáng 9/8, hơn 1.200 hành khách đi tàu LC1 từ Hà Nội lên Lào Cai được nghe một bản tin ngắn trên hệ thống loa nhà tàu phát ra: Tàu chưa thể tiếp tục hành trình, hành khách yên tâm ổn định chỗ ngồi...

>> Tàu khách Hà Nội - Lào Cai bị trật bánh 

Vụ tai nạn tàu LC1: 1.200 người thoát hiểm trong gang tấc ảnh 1
Đầu tàu bị lật  (Ảnh từ Internet)

Thật ra, khá nhiều hành khách còn đang ngủ say. Tất cả đều không biết họ đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm: cả đoàn tàu chìm sâu trong lũ, giữa một biển mênh mông; đầu máy bị đứt khỏi đoàn tàu và đổ nghiêng…

Chuyến tàu trong đêm mưa

Gần 1 tuần sau sự cố khủng khiếp, anh Vũ Ngọc Tú, trưởng tàu LC 1 đêm đó vẫn chưa thể bình thản.

Hơn 2h sáng ngày 9/8; tàu chạy chầm chậm trên địa bàn huyện Chấn Yên (Yên Bái). Bên ngoài trời mưa như trút. Gió, cành cây quất ràn rạt vào thân tàu. Anh Tú bảo lái tàu cho tàu di chuyển với tốc độ chậm như kinh nghiệm mà anh có từ tất cả các chuyến chạy tàu trong đêm. Bỗng nhiên, đoàn tàu đột ngột khựng lại. Có việc chẳng lành.

Anh Tú mở cửa nhào ra. Trước mắt anh, đoàn tàu ngập trong nước, nhiều toa nước mấp mé sàn tàu. Lột bỏ quần áo dài, quần đùi áo may ô, anh lội xuống nước nắm bắt tình hình.

Việc quan trọng nhất lúc đó là kiểm tra bánh tàu còn nắm trên đường ray hay không. Tất cả 24 nhân viên nhà tàu được huy động nhào xuống. Họ phải sục tay xuống nước, sờ nắn từng  bánh tàu, từng đoạn ray.

Tất cả được kiểm tra song song và kiểm tra chéo hai lần, theo kỷ luật trong nghề chạy tàu không khác gì quân đội. “Tất cả vẫn ổn” - anh em liên tiếp báo về. Trưởng tàu Vũ Ngọc Tú, lái tàu Nguyễn Ngọc Tâm và các cán bộ kỹ thuật bàn nhau và đưa ra ngay quyết định: lùi đoàn tàu lại phía sau.

Nhưng sự cố không lường trước nổi đã xẩy ra. Tàu lùi lại được vài chục mét thì đầu máy trật bánh, tách khỏi đoàn tàu nằm vật ngang giữa dòng lũ. Lái tàu Nguyễn Ngọc Tâm chao đảo trong buồng lái, bị cửa kính tàu vỡ cắm vào tay.

17 toa tàu phía sau vẫn tiếp tục trôi ngược chầm chậm theo quán tính. Nhân viên các toa liên tiếp báo tin cho nhau, lập tức dùng phanh tay trên các toa xe để dừng tàu khẩn cấp.

Vậy mà đoàn tàu vẫn trôi 200 mét mới dừng. May thay, vị trí tàu dừng đến bây giờ ngẫm lại vẫn thấy là “lý tưởng”: cả đoàn tàu nằm gọn giữa triền một quả núi; đầu và cuối đoàn tàu bị chắn bởi hai dòng lũ.

Nếu đoàn tàu nằm trúng một trong hai dòng lũ đó, chẳng mấy chốc sẽ trật  bánh và đổ. Lúc đó thảm họa sẽ cực kỳ khủng khiếp. Một người dân địa phương ở ngay đó về sau đã nói với anh Tú rằng: sống ở đây 40 năm nhưng chưa bao giờ thấy trận lũ nào ác liệt như trận lũ này, đoàn tàu vẫn bình yên trong lũ là một điều “vô cùng kỳ diệu”.

Vụ tai nạn tàu LC1: 1.200 người thoát hiểm trong gang tấc ảnh 2

Trưởng tàu Vũ Ngọc Tú - Ảnh: Hồ Thường

Bí mật được giữ đến phút cuối

Tất cả những đối phó căng thẳng, khẩn trương như thế đều diễn ra trong bí mật hoàn toàn với hành khách. Chỉ một bản tin ngắn được trưởng tàu phát ra với ngôn từ cũng như giọng nói tưởng như bình thản: Tàu chưa thể tiếp tục hành trình, hành khách yên tâm ổn định chỗ ngồi...

Mọi liên lạc giữa trưởng tàu và nhân viên đều bằng điện thoại di động. Các nhân viên được huy động lặng lẽ đứng chắn ở các cửa lên xuống, tránh trường hợp hành khách biết sự cố, hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau để tháo chạy.

Lúc đó thì không biết những gì kinh khủng nhất có thể xảy ra. Vì vậy, 1.203 hành khách vẫn yên trí ngồi trên tàu như các cuộc dừng tránh tàu thông thường. Nhiều người vẫn ngủ yên như chưa hề có chuyện gì.

Hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ đã “lập trình sẵn” được anh em trong tổ công tác trên tàu LC1 tiếp tục tiến hành. Thông tin được cấp báo về Chủ tịch Hội đồng cứu viện của Tổng công ty, về xí nghiệp.

Từ đây sẽ giải quyết những công việc tầm xa như: dừng các đoàn tàu phía trước và phía sau, huy động đội cứu trợ… anh em trong đội tàu chạy ngay vào nhà dân, liên lạc ngay với chính quyền để đề phòng biến cố bất ngờ.

Lúc này, nhân dân địa phương cũng đang đối phó với mưa bão nhưng vẫn rất nhiệt tình giúp đỡ. Mấy anh em trong đội tàu kể lại rằng, may mắn nhất trong đêm đó là nơi tàu bị nạn, giữa vùng đồi núi nhưng vẫn có sóng di động. Nếu không, ai đó phải chạy bộ hàng chục km để về ga kế cận báo tin và chưa biết điều gì sẽ xảy ra nếu cùng thời điểm lại có một đoàn tàu đi đến.

Trời hửng sáng, tất cả hành khách ùa ra hành lang. Những khuôn mặt ngỡ ngàng, thất thần khi biết mình ở giữa biển nước mênh mông. Mưa thì vẫn rơi một lúc một dày.

Họ càng sửng sốt hơn khi thấy hàng trăm người mặc quân phục đã chờ sẵn để đưa họ xuống tàu. Hơn một nghìn con người men theo đường dây căng, lội bì bõm trong nước để rời khỏi đoàn tàu.

Hành khách muốn đi lên Lào Cai tiếp tục được chuyển tải lên ga Văn Phú phía trước để đi tiếp; người nào muốn trở về thì được đưa về ga Đoan Thượng phía dưới rồi xuôi về Hà Nội.

Ở lại với đoàn tàu, 24 cán bộ nhân viên tiếp tục dọn rửa trên các toa tàu và trông giữ đầu tàu đang chìm trong nước. Đến chiều ngày 9-8, khi đường tàu phía sau đã được sửa xong, tất cả mọi người mới được đưa về ga gần đó và trở về Hà Nội, kết thúc một chuyến công tác không thể nào quên.

Nhấp chén trà, trưởng tàu Vũ Ngọc Tú đăm chiêu nhưng vẫn thoáng lộ chút bàng hoàng: “Hàng nghìn con người chơi vơi giữa biển nước; hơn gấp đôi số người trong vụ tai nạn tàu E1 ở Lăng Cô năm 2005. Chỉ cần tàu lật thì đến chết tôi cũng không đền được. Khi nhìn những cụ già lúi húi xách đồ, những đứa trẻ ngơ ngác đi thoát khỏi đường ray, tôi thấy thương họ quá. Và cũng mừng cho cả đội tàu”.

Chúng tôi điện thoại gọi anh Nguyễn Huy Giang, giám đốc Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội. Mấy ngày này anh vẫn đi chống lũ ở dọc tuyến. “Đường tàu vẫn chưa khắc phục xong, trời vẫn mưa lắm. Xí nghiệp thưởng nóng rồi. Chỉ được một triệu cho cả tổ công tác thôi. Tổng công ty sẽ tiếp tục thưởng. Thao tác nghiệp vụ của anh em là rất tốt…” - anh Giang nói vội vàng qua điện thoại.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.