Vụ sinh viên ngoan giỏi đồng loạt mất tích: Nạn nhân tiết lộ quá trình bị dụ dỗ, lừa tiền

HHT - V.C.M - sinh viên năm 3 Đại học Ngân hàng TP.HCM rùng mình nhớ lại hành trình bị nhóm kinh doanh đa cấp "đưa vào tròng", dụ đóng 360 triệu đồng để có chức vụ "doanh nhân vàng" hưởng lợi nhuận trọn đời.

Mạng lưới lừa đảo âm thầm vươn rễ suốt nhiều năm

Lợi dụng hoài bão và tinh thần nhiệt huyết của những sinh viên vừa chập chững vào đời, nhóm kinh doanh đa cấp "team khởi nghiệp 360" với nhiều trụ sở tại TP.HCM đã dụ dỗ thành công nhiều sinh viên năm 1 thuộc các trường Đại học trong khu vực để thực hiện hành vi lừa đảo.

Điều đáng nói là tổ chức này không chỉ mới xuất hiện mà chúng đã len lỏi trong cộng đồng sinh viên nhiều năm nay, vươn rễ đi khắp các quận huyện trên địa bàn thành phố với những thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Vụ sinh viên ngoan giỏi đồng loạt mất tích: Nạn nhân tiết lộ quá trình bị dụ dỗ, lừa tiền ảnh 1

Hình ảnh những bạn trẻ háo hức "học làm giàu" được nhóm kinh doanh đa cấp trưng trên website

Hậu quả là nhiều sinh viên ngoan giỏi đã lừa gia đình số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng rồi mất tích kèm theo đó là những xáo trộn nặng nề trong gia đình. Thậm chí, có trường hợp phụ huynh khi phát hiện ra chân tướng sự việc đã không chịu nổi cú sốc qua đời nhưng nạn nhân không dám quay về chịu tang vì "chưa khởi nghiệp thành công chưa quay về".

Để vạch rõ thủ đoạn lừa đảo "tinh vi" của "team khởi nghiệp 360" thực chất là nhóm kinh doanh đa cấp lừa đảo, phóng viên HHT Online kết nối với bạn V.C.M hiện là sinh viên năm 3, ĐH Ngân hàng, TP.HCM), từng là nạn nhân của tổ chức này cách đây 2 năm. Dưới đây là tường thuật chi tiết của bạn V.C.M về những gì mình đã trải qua trong suốt 3 tháng bị cuốn vào "vòi bạch tuộc" của tổ chức này:

Mất 8,4 triệu đồng sau 3 ngày "học việc"

Cách đây 2 năm, khi còn là sinh viên năm nhất, mình cũng lên mấy trang tìm việc làm thêm sinh viên tại quận Thủ Đức (TP.HCM) và quận 9 (TP.HCM). Khi đó, trụ sở của nhóm kinh doanh này đặt tại đường số 10, Phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9, TP.HCM.

Ban đầu, chúng sẽ đăng tuyển việc làm part-time sinh viên với mức lương 25 - 30K/ giờ và có thể xoay ca (đánh vào nhu cầu thời gian làm việc linh hoạt cho sinh viên với ca 4h hoặc 6h) ở các vị trí: Nhân viên tư vấn bán hàng, thu ngân, nhân viên kiểm kê sổ sách cho cửa hàng hoặc shop thời trang, nhân viên trưng bày hàng hóa, phụ trông coi cửa hàng...

Tới khi phỏng vấn xin việc, người tư vấn chỉ giới thiệu chung chung: Làm ca nào, lương bao nhiêu... Khi hai bên thỏa thuận xong thì mình được yêu cầu học việc 3 ngày và phải có tài liệu với mức phí 180K. Mình đồng ý đóng tiền mà không nghi ngờ vì thấy thái độ tư vấn thân thiện, nhiệt tình, lúc nào cũng có một người kè kè "chăm sóc". (Sau này mới biết vì mình chính là... con mồi nên lại chả nhiệt tình đi!!!)

Trong 2 ngày đầu học việc, mình phải học về sản phẩm của công ty, giao lưu với người trong công ty. rồi viết mấy tờ cam kết nội quy. Mình bắt đầu được nghe quảng cáo về nhân sự bộ phận kinh doanh với nhiều thành tích "khủng" như đạt doanh thu trăm triệu mỗi tháng là bình thường.

Song song, công ty "khoe" khéo các anh chị trong bộ phận kinh doanh được training nhiều kỹ năng, được tham gia nhiều sự kiện miễn phí, đồng thời quảng cáo nhiều chương trình hấp dẫn như tặng xe, tặng nhẫn, đi du lịch miễn phí... để kích thích ham muốn chuyển qua bộ phận kinh doanh của những sinh viên làm thêm như mình. 

Vụ sinh viên ngoan giỏi đồng loạt mất tích: Nạn nhân tiết lộ quá trình bị dụ dỗ, lừa tiền ảnh 2

Việc tuyển dụng sinh viên làm thêm thực chất là bình phong cho việc dẫn dắt các "khách hàng mới" bước vào vòng xoáy đa cấp.

Sau 3 ngày "tẩy não" dồn dập, bọn chúng chuyển sang đánh đòn tâm lí kiểu thách thức. Chúng khoan vào điểm yếu lớn nhất của sinh viên mới từ tỉnh lên Sài Gòn là tâm lý tự ti. Thậm chí, mọi cử chỉ đều được tính toán như khi nói chuyện cố tình chạm vào người mình để tạo cảm giác thân thiết, đồng thuận. Cuối cùng, chúng kể ra những tấm gương là người trong công ty có hoàn cảnh, xuất thân tương tự mình để tạo lòng tin.

Vậy là kết thúc 3 ngày, mình đã nộp cho chúng số tiền 8.386.000 đồng - tương đương 1 đơn hàng để được trở thành "người kinh doanh", cấp độ đầu tiên trong hệ thống. Nếu không có tiền, chúng sẵn sàng cho vay "nóng" bằng cách cầm cố laptop, cà vẹt xe và bán sản phẩm để trả nợ.

Vụ sinh viên ngoan giỏi đồng loạt mất tích: Nạn nhân tiết lộ quá trình bị dụ dỗ, lừa tiền ảnh 3

Quy trình "dẫn dắt" bao gồm tận 9 bước và chủ yếu và chủ yếu là đi gặp từ "quản lý" này đến "quản lý" khác để "tẩy não" nạn nhân.

Vụ sinh viên ngoan giỏi đồng loạt mất tích: Nạn nhân tiết lộ quá trình bị dụ dỗ, lừa tiền ảnh 4 Sau giai đoạn "cho niềm tin động lực, khơi lửa", bước kế tiếp đều "push" - chốt "con mồi"

Cầm cố xe máy, vay nóng để "thăng hạng"

Mục tiêu phấn đấu của những kẻ dẫn dắt đặt ra cho tụi mình là trở thành "Phó phòng kinh doanh" - tương đương với thành tích bán được 198 đơn hàng với tổng trị giá 1,6 tỷ đồng. Đạt được chức vụ này, tụi mình được hứa hẹn sẽ nhận được nhiều "đặc quyền", "sướng hết phần đời còn lại".

Và trên hành trình hướng tới mục tiêu đó, tụi mình được hướng dẫn phải lần lược vượt qua "tam giác vàng" bao gồm 3 cấp độ "doanh nhân" (vàng, bạc, đồng). Cụ thể, để được chứng nhận là "doanh nhân" hạng đồng, tụi mình cần lấy được của công ty tương ứng 13 đơn hàng (hơn 109 triệu đồng), hạng bạc tương ứng 23 đơn hàng (hơn 192 triệu đồng), và hạng vàng là 43 đơn hàng (tương đương 360 triệu đồng). Những trường hợp sinh viên đồng loạt làm giả hồ sơ du học để xin gia đình từ 200 - 400 triệu nộp cho công ty trong thời gian qua chính là để "một bước" đạt được những "vị trí" này.

Tất nhiên, không ai có thể bán hàng loạt đơn hàng là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có thương hiệu trên thị trường với giá trên trời như vậy cả nên chính "người dẫn dắt" bắt đầu bày cho mình đi vay bạn bè hoặc xin gia đình tiền học tiếng Anh hay Tin học vì sinh viên năm nhất còn đi học nên gia đình tin tưởng và hết sức tạo điều kiện. Để đạt hạng "tam giác" (25 triệu đồng), người dẫn dắt sẽ dụ cầm xe, cầm cà vẹt hoặc vay nóng, tư trang. Còn tới hạng "doanh nhân" thì như các bạn theo dõi báo chí thời gian qua rồi đấy, bọn chúng sẵn sàng hỗ trợ sinh viên làm giả hồ sơ du học Phần Lan một cách tinh vi để đánh lừa chính gia đình mình.

Mỗi lần dụ, mình đồng ý thì nó sẽ ra vẻ bất cần mình để mình càng muốn làm. Thủ thuật tâm lý này gọi là đẩy và đập, kích cầu và chốt. Người nhẹ dạ cả tin sẽ không thể phân biệt mà nói gì sẽ nghe nấy.

Cuối mỗi ngày, cả công ty đều họp để thông báo có những ai học việc, ai học đến giai đoạn nào, đạt thứ hạng nào, rồi phân chia ra ngày mai xem ai sẽ nói những gì. Mỗi giai đoạn đều có bài bản soạn sẵn, tất cả đều học thuộc và "vờ" diễn khiến "con mồi" cảm thấy mô hình thật chuyên nghiệp và có niềm tin làm việc một cách tự nguyện.

Đọc tiếp kỳ 2: Lừa tiền gia đình vì muốn... giúp gia đình

Vụ sinh viên ngoan giỏi đồng loạt mất tích: Nạn nhân tiết lộ quá trình bị dụ dỗ, lừa tiền ảnh 5
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm