Vụ phúc khảo 'rớt thành đậu': Con cháu cán bộ chiếm đa số

Các thí sinh từ “đậu thành rớt” phản ánh với PV về kết quả chấm phúc khảo của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Lữ Hồ.
Các thí sinh từ “đậu thành rớt” phản ánh với PV về kết quả chấm phúc khảo của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Lữ Hồ.
TP - Sau khi chấm phúc khảo, nhiều thí sinh tham gia kỳ thi công chức tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai bỗng nhiên từ “đậu thành rớt”, từ “rớt thành đậu”. Những thí sinh từ “rớt thành đậu” đa số là con cháu lcán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu ở hai tỉnh này.

6/8 người là con cháu lãnh đạo

Ngày 6/6, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định số 1249 phê duyệt danh sách 102 thí sinh trúng tuyển kỳ thi công chức tỉnh năm 2017. Trong đó, có 8 thí sinh sau khi chấm phúc khảo từ “rớt thành đậu”.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, có 6/8 thí sinh sau khi được chấm phúc khảo bài thi từ “rớt thành đậu” là con cháu của nhiều lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk gồm: Đ.X.T (trúng tuyển chuyên viên UBND huyện Ea Súp, người nhà lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Ea Súp), N.T.M.H (chuyên viên Sở Tài chính Đắk Lắk, cháu lãnh đạo Sở Tài chính Đắk Lắk), N.T.T.H (chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Ea Kar, con gái nguyên Phó bí thư Huyện ủy Ea Kar), P.T.L (chuyên viên UBND huyện Krông Ana, cháu lãnh đạo Huyện ủy Krông Ana), N.T.Đ.Q (chuyên viên Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, con gái một cán bộ là phó phòng của Công an tỉnh Đắk Lắk) và P.A.H (chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Ma Đ’rắk, cháu lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Ma Đ’rắk).

Trong 6 thí sinh này, thí sinh N.T.T.H có điểm phúc khảo môn trắc nghiệm tăng lên gần 67,5 điểm (điểm chấm ban đầu là 30 điểm, điểm chấm sau phúc khảo là 97,5 điểm). Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân sai sót là giám khảo chấm lần đầu đã lấy nhầm đáp án của mã đề 3 chấm cho bài mã đề 4. Hội đồng thi tuyển tỉnh này yêu cầu các giám khảo chấm thi lần đầu có báo cáo giải trình cụ thể và nghiêm túc kiểm điểm.

Cùng ngày, có 6 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển công chức tỉnh này sau chấm phúc khảo từ “đậu thành rớt” đã nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Họ cho biết, đã gửi đơn khiếu nại lên Bộ Nội vụ. “Chúng tôi đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, chấm lại tất cả các bài phúc khảo của các thí sinh từ “rớt thành đậu” vì chúng tôi nghi vấn các thí sinh đó được “nâng đỡ không trong sáng”. Nếu có sai sót, chúng tôi đề nghị phải hủy kết quả chấm phúc khảo!”, anh N.T.H. đề nghị.

Như Tiền Phong đã phản ánh, từ ngày 3 đến 4/3/2018, Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Đắk Lắk năm 2017 tổ chức kỳ thi tuyển với 1.046 thí sinh tham gia để chọn 112 chỉ tiêu. Sau khi có kết quả, có 96 đơn đề nghị chấm phúc khảo 182 bài. Sau chấm phúc khảo, có 49 bài giảm điểm, 69 bài không thay đổi điểm, 64 bài tăng điểm. Trong đó có 5 bài thi chênh lệch trên 10 điểm và 1 bài thi tăng điểm cao nhất là 67,5 điểm.

“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Câu chuyện “đậu thành rớt” từng xảy ra tại tỉnh Gia Lai.

Hội đồng thi tuyển công chức Gia Lai năm 2017 đã tham mưu để vận dụng văn bản kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” làm cho thí sinh từ “đậu thành rớt”, từ “rớt thành đậu”.

Tại vị trí dự tuyển Thanh tra huyện Đức Cơ (Gia Lai) năm 2017 có 13 thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển. Trong đó, thí sinh Trần Thị Hồng có tổng điểm lần đầu là 299 và Nguyễn Thị Nhàn là 290,4 điểm. Theo kết quả này, thí sinh Hồng đậu. Nhưng thí sinh Nhàn đã yêu cầu hội đồng thi tuyển công chức tỉnh chấm lại phúc khảo. Kết quả chấm phúc khảo, bài thi viết chuyên ngành hành chính của thí sinh Nhàn từ 69,3 điểm lên 74 điểm (tăng lên 4,7 điểm, điểm thi này được nhân hệ số 2 và tổng điểm tăng 9,4 điểm). Do vậy, tổng điểm của thí sinh Nhàn sau khi phúc khảo là 299,8 điểm (cao hơn thí sinh Hồng 0,8 điểm). Theo kết quả này, thí sinh Nhàn đậu.

Không chấp nhận kết quả phúc khảo, thí sinh Hồng lại khiếu nại. Hội đồng thi tuyển công chức đã họp và thống nhất đề xuất UBND tỉnh Gia Lai cho vận dụng Điều 30 của Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017 của Bộ GD&ĐT về “Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT” để tổ chức đối thoại giữa giám khảo chấm lần đầu với giám khảo phúc khảo. Theo đó, cuộc họp đối thoại vào ngày 6/4/2018 thống nhất kết quả bài thi viết chuyên ngành hành chính của thí sính Nhàn là 72,50 điểm (giảm 1,5 điểm so với kết quả phúc khảo đã được thông báo) và thí sinh Nhàn lại rớt.

Ngày 17/5/2018, Sở Nội vụ Gia Lai tiếp tục mời trưởng các ban và giám khảo chấm thi, giám khảo phúc khảo để giải quyết đơn khiếu nại bài thi viết chuyên ngành của thí sinh Nhàn. “Tại cuộc họp này, tôi đặt câu hỏi với hội đồng thi tuyển công chức vì sao lại áp dụng thông tư 04 về thi tốt nghiệp THPT vào tuyển dụng công chức, điều này có phù hợp hay không. Tuy nhiên, hội đồng lúng túng, chưa có câu trả lời thỏa đáng. Tôi cũng không hiểu vì sao kết quả điểm thi của mình lại thay đổi nhanh như vậy”, thí sinh Nhàn nói.

MỚI - NÓNG