Vụ nhiễu sóng ở Tân Sơn Nhất: Không có nguồn nhiễu từ bên ngoài

Trung tâm kiểm soát không lưu tại TPHCM. Ảnh: Bảo An
Trung tâm kiểm soát không lưu tại TPHCM. Ảnh: Bảo An
TP - Đó là khẳng định của ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông về sự cố nhiễu sóng không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 16/6.

Trao đổi với Tiền Phong chiều qua, ông Hoan cho biết, đến thời điểm này, kết quả kiểm soát tần số và phối hợp điều tra giữa Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, không có tín hiệu ngoài gây nhiễu chèn sóng cho các đài thông tin vô tuyến điện điều hành tại sân bay Tân Sơn Nhất. Việc điều tra nguyên nhân kỹ thuật khác đang được Cục Hàng không thực hiện. Cục Tần số vô tuyến điện đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị của ngành hàng không  trong quá trình điều tra.


Ngay sau khi nhận được thông báo qua đường dây nóng, Cục Tần số vô tuyến điện đã chỉ đạo Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực II làm việc với Công ty Quản lý bay Việt Nam. Hai bên đã phối hợp với nhau để tìm nguyên nhân sự cố. Cục Tần số vô tuyến điện cũng đã mời đại diện Cục Hàng không sang làm việc. Hai bên đã thống nhất là không có nguồn nhiễu sóng từ bên ngoài trong sự cố này.

Trước câu hỏi về nguy cơ can nhiễu sóng đến các đài thông tin vô tuyến điện hàng không có hay không, ông Hoan cho biết: Từ trước đến nay đã có nhiều vụ can nhiễu vô tuyến ảnh hưởng đến hệ thống thông tin di động hàng không và dẫn đường hàng không. Nguyên nhân là do các thiết bị vô tuyến điện, thiết bị điện - điện tử như đài phát thanh, truyền thanh không dây, thiết bị trong mạng truyền hình cáp, đầu thu truyền hình số, đèn neon không đảm bảo chất lượng.

Cục Tần số vô tuyến điện đã phát hiện và xử lý kịp thời các vụ can nhiễu này. Mặt khác, chúng tôi đã cấp các tần số dự phòng cho các hệ thống thông tin hàng không để sử dụng khi có can nhiễu tần số chính, không để xảy ra tình trạng uy hiếp an toàn hoạt động bay.

Vô tình hay cố ý?

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng: Cần xem cố ý hay vô tình phá sóng...

Ông Tống nói: Không lưu làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn của việc di chuyển, cất/hạ cánh của máy bay. Nếu mất liên lạc với không lưu, phi công phải tự xử lý mọi tình huống trên không.

Trong trường hợp này, thông tin vẫn được duy trì nhờ chuyển sang tần số phụ. May mắn là mật độ máy bay lúc xảy ra sự cố không lớn nên không thực sự nguy hiểm. Ở Tân Sơn Nhất, một giờ có trung bình 30 chuyến bay; nhiễu sóng liên lạc 18 phút làm cho 5 hoặc 6 lượt cất hạ cánh bị ảnh hưởng. Trên trời, máy bay phải bay chờ hoặc chuyển sang hạ cánh ở sân bay khác. Dưới đất, máy bay không được phép ra đường băng hoặc ra đường băng rồi phải chờ, không được lệnh cất cánh.

Về chuyên môn, Cục Tần số vô tuyến điện bước đầu khẳng định không có nguồn sóng lạ từ bên ngoài chèn vào. Như vậy, chỉ còn lại khả năng vô tình hay cố ý phá sóng trong nội bộ. Vì thế, nguyên nhân chủ quan ở đây cần được tập trung điều tra. Như Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, máy móc thiết bị trước khi nhập vào Việt Nam đều được đăng ký theo tần số nhất định; việc tự tạo ra một thiết bị có cùng tần số như không lưu không dễ. Vì thế, cần xem khả năng người trong ngành hàng không sử dụng một nguồn phát sóng nào đó tương tự như máy của không lưu.

“Sự việc này làm tôi liên tưởng đến vụ việc mất điện ở trung tâm điều hành không lưu Tân Sơn Nhất cách đây vài tháng cùng được cho là nguyên nhân từ trong nội bộ quản lý không lưu. Cần sớm tìm ra nguyên nhân”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đề nghị.

Ngày 19/6, trao đổi với Tiền Phong, ông Lại Xuân Thanh cho hay: Tuần tới mới có thể thông báo kết quả điều tra; bước đầu khẳng định không có hành vi cố ý phá hoại.

MỚI - NÓNG