Vụ Navibank: Phản biện quan điểm truy tố tội cố ý làm trái

Các bị cáo tại phiên toà vụ Navibank. Ảnh: Tân Châu.
Các bị cáo tại phiên toà vụ Navibank. Ảnh: Tân Châu.
TP - Hôm qua (13/3), phiên tòa của TAND TPHCM xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Navibank tiếp tục với phần các luật sư (LS) phản biện quan điểm của đại diện Viện kiểm sát (VKS).

Dòng tiền đã vào VietinBank

Bảo vệ cho bị cáo Lê Minh Trí (nguyên Tổng giám đốc Navibank), LS Nguyễn Minh Cảnh (Đoàn LS TPHCM) cho rằng, Lê Quang Trí và các bị cáo Navibank đã chọn VietinBank là ngân hàng của Nhà nước có uy tín để gửi tiền và thực tế là việc tất toán các khoản tiền gửi ở VietinBank Chi nhánh Nhà Bè là an toàn. Khi gửi tiền các nhân viên Navibank không hề biết Huyền Như nên việc này phù hợp với lời khai của Huyền Như.

LS Cảnh cho rằng, dòng tiền đã vào tài khoản của các nhân viên Navibank ở VietinBank an toàn nên việc mất mát 200 tỷ đồng thuộc về trách nhiệm của VietinBank. “Việc những người lãnh đạo và nhân viên Navibank đã bị mất tài sản của mình mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự là đáng tiếc” – LS Nguyễn Minh Cảnh than. Đề cập trách nhiệm của Lê Quang Trí và các bị cáo khác, ông Cảnh nói rằng tất cả họ không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả Navibank không thu hồi được 200 tỷ đồng, các bị cáo thực hiện hành vi vay và gửi tiền nhằm giúp ngân hàng của họ thoát khó khăn về doanh thu, không tư lợi, không hề đổ trách nhiệm cho nhau. Điều này thể hiện là Navibank chỉ yêu cầu Vietinbank hoàn trả 200 tỷ đồng chứ không phải các bị cáo.

Tự bào chữa, bị cáo Lê Quang Trí cho rằng, mình bị hàm oan. Dù thừa nhận trong quá trình điều hành ngân hàng thường không tránh khỏi thiếu sót, tuy nhiên việc thiếu sót không phải là hành vi cố ý làm trái và không gây ra hậu quả.

Người bị lừa thành bị cáo?

LS Nguyễn Minh Tâm ( Đoàn LS TPHCM, bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Thu Hiền) phân tích rằng, vụ án Navibank là một vụ án “hậu Huyền Như”, bởi vì vụ án được khởi tố theo kiến nghị của bản án phúc thẩm số 02/2015/HSPT ngày 7/01/2015 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM. Sau khi kết tội Huỳnh Như về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì đã chiếm đoạt số tiền 200 tỷ đồng của Navibank, bản án phúc thẩm này kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự của những người có thẩm quyền tại Navibank đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác hưởng lãi suất vượt trần.

Từ kiến nghị này, vụ án Navibank được khởi tố và 10 bị cáo phải đứng trước tòa hôm nay để bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bản án phúc thẩm đã chốt lại hậu quả là Navibank đã bị mất số tiền 200 tỷ đồng do Huyền Như chiếm đoạt, HĐXX không cần phải chứng minh hậu quả vụ án nữa, vì hậu quả đã được xác định trong bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật rồi. Điều này cũng có nghĩa là phiên tòa này đã bỏ qua một dấu hiệu cực kỳ quan trọng là phải chứng minh được hậu quả do hành vi của 10 bị cáo gây ra. Vì vậy, các bị cáo thực tế đã bị “tước” đi cái quyền quan trọng mà đã được pháp luật thừa nhận.

Đáp ứng yêu cầu của LS, thông qua HĐXX, VKS cung cấp tài liệu, chứng cứ là các bản sao kê tài khoản của 4 cá nhân để xác định tính chính xác của hậu quả thiệt hại. Tuy nhiên các tài liệu này chưa bảo đảm các thuộc tính của chứng cứ có giá trị chứng minh về thiệt hại. Vì các bản sao kê này là tài liệu chứa đựng dữ liệu điện tử nên phải tuân thủ quy định tại Điều 107 BLTTHS 2015 về “thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử”.

Đối đáp về tội danh mà VKS nêu, LS Nguyễn Minh Tâm cho rằng, Huyền Như bị tuyên tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, mà tội này bao giờ cũng được phát sinh từ một mối quan hệ xã hội. Đó là mối quan hệ giữa “Kẻ đi lừa” và “Người bị lừa”. Bản án phúc thẩm kết tội Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank. Vậy trong mối quan hệ này Huyền Như là “Kẻ đi lừa” và Navibank là “Người bị lừa”. Navibank là một pháp nhân, hoạt động phải thông qua các cá nhân với các chức vụ, quyền hạn nhất định theo Luật các Tổ chức tín dụng.

Chính vì thế mà pháp luật không truy tố hình sự đối với pháp nhân Navibank mà truy tố các cá nhân có chức vụ, quyền hạn của Navibank. “Vậy, nói Navibank “bị Huyền Như lừa” thì tức là xác định 10 cá nhân các bị cáo này “bị Huyền Như lừa”. Về mặt lô gích pháp luật và cả lô gích của đời thường, người bị lừa không biết mình bị lừa thì mới bị lừa. Tức là chỉ vì vô ý quá cẩu thả hay vô ý quá tự tin thì mới bị lừa, chứ tuyệt nhiên không bao giờ và không có ai cố ý để cho mình bị người khác lừa cả. Cả 10 cá nhân bị cáo hôm nay bị Huyền Như lừa thì rõ ràng là họ không có “Lỗi cố ý””- LS Tâm lý giải.

“ Bản án phúc thẩm đã chốt lại hậu quả là Navibank đã bị mất số tiền 200 tỷ đồng do Huyền Như chiếm đoạt, HĐXX không cần phải chứng minh hậu quả vụ án nữa, vì hậu quả đã được xác định trong bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật rồi. Điều này cũng có nghĩa là phiên tòa này đã bỏ qua một dấu hiệu cực kỳ quan trọng là phải chứng minh được hậu quả do hành vi của 10 bị cáo gây ra”. 

 Ls Nguyễn Minh Tâm

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.