Vụ một sở có 44 lãnh đạo: Hai cán bộ cấp cao nhận kỷ luật

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hải Dương Vũ Doãn Quang. Ảnh LD
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hải Dương Vũ Doãn Quang. Ảnh LD
TPO - Liên quan đến vụ sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Hải Dương có tới 44 lãnh đạo, hiện hai cán bộ cao cấp đã tự nhận hình thức kỷ luật cá nhân. Dự kiến hôm nay, Tỉnh uỷ sẽ bỏ phiếu để kết luận về hình thức xử lý kỷ luật. 

Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc sở LĐTB&XH Hải Dương, ông Vũ Doãn Quang cho biết, liên quan đến những sai phạm trong việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo ở sở này, hiện có 2 cán bộ cao cấp đã tự nhận hình thức kỷ luật cá nhân. Dự kiến hôm nay, Tỉnh uỷ Hải Dương sẽ bỏ phiếu để kết luận về hình thức xử lý kỷ luật.

+Sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ về việc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có tới 44 lãnh đạo từ cấp phòng trở lên, tính đến nay, Sở đã thực hiện kết luận thanh tra như thế nào?

- Ông Vũ Doãn Quang: Kết luận của thanh tra Bộ Nội vụ đã chỉ ra một số thiếu sót, tồn tại. Sau khi có ý kiến của đoàn thanh tra, UBND tỉnh đã chỉ đạo chúng tôi tập trung khắc phục. Đến nay, việc khắc phục về cơ bản đã hoàn thành.

Về việc bổ nhiệm thừa số lượng phó phòng, trong quá trình tiến hành thanh tra đã có 7 đồng chí tự nguyện xin rút, 1 đồng chí xin chuyển công tác. Hiện nay phòng nhiều lãnh đạo nhất ở Sở cũng chỉ có 3 phó phòng; có phòng chỉ có 2 phó, về cơ bản phù hợp với đề án vị trí việc làm.

Còn những trường hợp ký hợp đồng lao động nhưng lại làm nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi đã chấm dứt hợp đồng từ tháng 12/2016 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. 12 trong số 17 trường hợp này chấm dứt hợp đồng từ 11/12/2016; 5 trường hợp còn lại do đang nuôi con nhỏ nên phải chờ một thời gian sẽ chấm dứt hợp đồng.

+ Việc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Hiện Tỉnh ủy đang chỉ đạo triển khai kiểm điểm trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và các cá nhân.

Tập thể lãnh đạo Sở giai đoạn đó đã có kiểm điểm chung. Còn cá nhân các đồng chí lãnh đạo cũng có trách nhiệm liên quan đến những thiếu sót, tồn tại.

Hiện Thường vụ Tỉnh uỷ đang chỉ đạo xử lý kỷ luật đối với đồng chí Lưu Văn Bản – nguyên Giám đốc sở LĐ-TB&XH Hải Dương (nay là Bí thư thị xã Chí Linh). Về phần mình, ông Bản tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Bên cạnh đó, Giám đốc sở Nội vụ Phạm Văn Tỏ (người ký quyết định đặc cách cho con trai mình là ông Phạm Văn Kháng giữ chức vụ phó trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc sở LĐTB-XH Hải Dương mà không cần qua thi tuyển công chức), cũng tự nhận kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Dự kiến hôm nay (31/3), Tỉnh ủy sẽ họp. Tại đây, đoàn kiểm tra Tỉnh uỷ sẽ trình bày việc kiểm điểm, xử lý để Tỉnh ủy bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật theo quy định.

+ Quy trình tiếp nhận con trai Giám đốc sở Nội vụ Hải Dương được sở LĐ-TB&XH khi đó tiến hành ra sao, thưa ông?

- Vào thời điểm, sở LĐ-TB&XH Hải Dương tiếp nhận anh Khánh, tôi chưa về đây. Còn theo kết luận của Thanh tra, trường hợp anh Khánh theo quy định phải có văn bản xin ý kiến của Bộ Nội vụ. Thế nhưng quy trình tiếp nhận anh này lại không thực hiện bước kể trên. Tóm lại, việc tiếp nhận anh Khánh là chưa đúng quy định.

Hiện anh Kháng đã xin chuyển công tác về cơ quan cũ là Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi của huyện.

+ Mới về nhận nhiệm vụ Giám đốc sở LĐ-TB&XH Hải Dương khoảng một năm, ông có phải gánh chịu áp lực gửi gắm "con ông cháu cha" hay không?

- Tôi mới về đây và cũng chưa nhận một ai. Thế nên tôi không thấy áp lực. Tôi xác định công việc ở cơ quan nào cũng vậy, cái tốt thì cố gắng phát huy, cái tồn tại, hạn chế thì cùng mọi người tháo gỡ trên cơ sở quy định của pháp luật nói chung và chỉ đạo của cấp trên nói riêng. Về phía mỗi cơ quan, cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công việc.

+ Vụ việc vừa qua có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của sở LĐ-TB&XH Hải Dương hay không, thưa ông?

- Nói về mặt tâm tư tình cảm thì cũng ảnh hưởng. Một người đưa lên thì dễ nhưng đưa xuống thì khó, dù vì lý do gì. Với các trường hợp hợp đồng, giờ phải ra khỏi cơ quan, họ cũng tâm tư lắm.

Nhưng chúng tôi đã giải thích để mọi người thấy tình hình thực tế của các cơ quan và các quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận. Thế nên mọi người đều chấp nhận.

+ Từ những câu chuyện bổ nhiệm con, cháu, tuyển chọn người nhà vào công chức, theo ông chúng ta cần phải rút ra bài học kinh nghiệm gì?

- Tôi cho rằng cái chính là phải xây dựng được quy định về quản lý sử dụng, tuyển dụng công chức ở cơ sở, T.Ư một cách đầy đủ, chặt chẽ.

Tất cả những trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu đủ điều kiện thì mới nhận.

Nhân đây tôi cũng muốn nói về phản ánh có đơn vị tới trên 50% là lãnh đạo. Đây cũng là một thực tế. Biên chế hành chính trong cơ quan chuyên môn cấp sở không nhiều, bình quân biên chế chỉ 35-40 người, đông thì khoảng 45-46 người.

Lấy ví dụ sở LĐ-TB&XH Hải Dương có 8-9 phòng chuyên môn. Cứ tính 1 trưởng, 2 phó thì đã có 27 lãnh đạo, lại thêm 4 lãnh đạo Sở nữa đã thành 31. Như vậy lãnh đạo nhiều cũng đúng thôi, nhưng nó là do cơ cấu tổ chức bộ máy như thế, còn giờ nói chuyên viên phải nhiều hơn lãnh đạo thì khó.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG