Vụ máy bay Air France rơi: Vớt hộp đen - Cách nào?

Vụ máy bay Air France rơi: Vớt hộp đen - Cách nào?
TP - Ngày 4/6, tổng giám đốc hãng hàng không Air France Pierre Henri Gourgeon nói với thân nhân các hành khách trên chuyến bay AF 447 không nên hy vọng tìm được nạn nhân còn sống.
Vụ máy bay Air France rơi: Vớt hộp đen - Cách nào? ảnh 1
Hộp đen khoang lái. Ảnh từ Internet

Các hãng tin Reuters, AP nói rằng thông tin ban đầu cho thấy chiếc máy bay Airbus A-330-200 xấu số đã nổ tung. Đến nay người ta vẫn chưa rõ là máy bay nổ trên không trung rồi mới rơi xuống biển hay khi chạm nước mới nổ và vỡ thành nhiều mảnh.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Guillaume Denoix de Saint-Marc được cơ quan công tố Paris thuê đứng ra nói với gia đình các nạn nhân: Rõ ràng trong vụ tai nạn này, máy bay rơi xuống đại dương chứ không phải là chủ động  hạ cánh xuống nước nên không có cơ hội nào cho hành khách trượt ra ngoài bằng máng thoát hiểm.

Máy bay quân sự của Pháp và Brazil đang tìm cách thu hẹp vùng tìm kiếm các mảnh vỡ chính của chiếc máy bay gặp nạn trên Đại Tây Dương.

Vị trí hộp đen

Gọi là hộp đen nhưng trên thực tế hai hộp kỹ thuật trên máy bay đề cập ở đây lại thường là màu đỏ. Giữa Đại Tây Dương mênh mông, hai chiếc hộp đen máy bay cũng không khác mấy so với hai chiếc kim khâu dưới đáy Hồ Tây.

Lớn như tàu Titanic thế mà người ta cũng phải mất nhiều năm mới tìm thấy vị trí tàu nằm dưới đáy biển, lại còn được coi là may mắn mới thấy. Vậy nên việc xác định vị trí hai hộp đen dưới đáy Đại Tây Dương là vô cùng khó khăn.

Trên chiếc máy bay A-330-200 có nhiều hộp đen nhưng quan trọng nhất là hai chiếc hộp đen ghi tình trạng kỹ thuật và âm thanh trong khoang lái và hộp đen ghi âm thanh và kỹ thuật trong khoang hành khách.

Chỉ khi nào trục vớt được hai hộp đen này mới hy vọng biết được chính xác nguyên nhân nào gây ra tai nạn đối với chuyến bay AF-447. Nhưng do hộp đen được thiết kế chỉ lưu giữ được các số liệu trong thời gian tối đa 30 ngày nên, nếu hộp đen được thu hồi muộn hơn, cũng vô dụng.

Do tiến bộ của công nghệ chế tạo máy bay, kể từ những năm 1980 các hộp đen của máy bay Airbus được lắp thêm hệ thống đèn báo định vị. Trong trường hợp hộp đen rơi xuống nước, hệ thống tự kích hoạt để hộp đen phát ra ánh sáng nhấp nháy.

Mặc dù vậy, việc tìm kiếm hộp đen dưới nước cũng phải rất khẩn trương vì hệ thống này chạy bằng pin tuổi thọ có giới hạn. Trong trường hợp hộp đen của chiếc A-330-200 chuyến bay AF-447 hệ thống sonar (radar dưới nước) gắn trên tàu ngầm phải dò tìm ở đáy biển sâu từ 4.000 m đến 7.000 m nên khả năng tìm thấy là rất ít.

Cách nào thu hồi?

Pháp đã điều đến vùng biển máy bay rơi hai tàu lặn biển sâu, có thể làm việc ở độ sâu tối đa 6.000 m. Đây thực chất là hai robot được điều khiển từ xa, chuyên phục vụ các công trình khai thác dầu khí ở vùng biển sâu.

Nhưng liệu hai thiết bị lặn sâu này có thu hồi được hai hộp đen quan trọng nhất của chiếc Airbus A-330-200 hay không lại là chuyện khác.

Trên thế giới, ngoài Pháp, các nước Mỹ, Na Uy, Nga, Nhật Bản, Anh cũng có những thiết bị lặn sâu tương tự nhưng làm việc được ở những độ sâu khác nhau.

Năm 2000 trong vụ tai nạn tàu ngầm nguyên tử Kursk đắm ở độ sâu 100 m tại đáy biển Barrents , Nga sử dụng hai thiết bị lặn sâu có người lái AS-32 và AS-34 để tiếp cận con tàu đắm.

Năm 1986, Mỹ sử dụng thiết bị lặn Alvin của hải quân để tìm thấy xác con tàu Titanic bị đắm ở độ sâu 4.000 m cũng tại đáy Đại Tây Dương. Hải quân Mỹ cho rằng hoàn toàn có thể sử dụng thiết bị lặn sâu Alvin để thu hồi hai hộp đen máy bay ở độ sâu 6.000 m.

Trên thực tế một số trường hợp hộp đen máy bay rơi xuống biển đã được thu hồi. Năm 1985 máy bay của hãng hàng không Ấn Độ Air India thực hiện chuyến bay 182 bị nổ tung trên bầu trời ngoài khơi Ireland. Hai hộp đen máy bay được thu hồi ở độ sâu 2.000 m trong thời gian chưa đầy ba tuần.

Năm 1987 máy bay của hãng hàng không Nam Phi chuyến bay 295 rơi xuống Ấn Độ Dương. Hai hộp đen của máy bay này được thu hồi từ độ sâu 4.200 m sau hơn ba tháng tìm kiếm. Từ kinh nghiệm nói trên, Air France tin rằng cuối cùng thế nào hai hộp đen máy bay cũng phải được tìm thấy.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.