Vụ mất hơn 10.500 ha rừng: Chỉ cảnh cáo rồi 'hạ cánh' an toàn?

Dự án trồng keo tại tiểu khu 289, xã Cư M’lan hiệu quả rất thấp.
Dự án trồng keo tại tiểu khu 289, xã Cư M’lan hiệu quả rất thấp.
TP - Tỉnh Đắk Lắk giao hơn 14.700 ha rừng và đất lâm nghiệp, nhưng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lan đã làm mất hơn 10.500 ha. Các lãnh đạo công ty chỉ bị cảnh cáo về mặt Đảng, còn lại đều “hạ cánh an toàn”.

“Bảo kê bán rừng” đã thành... phong trào!

Tại Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk, nhiều công ty lâm nghiệp, lâm trường sau khi được giao đất, giao rừng đều buông lỏng quản lý, dẫn đến hàng trăm nghìn héc-ta rừng bị tàn phá không thương tiếc. Ngoài lý do bị dân lấn chiếm, lâm tặc lấy gỗ, còn có nguyên nhân do cán bộ tiếp tay.

Theo thống kê năm 2017, Ea Súp là huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk với số hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 53%. Cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, giao thông khó khăn nhưng có diện tích rừng đặc dụng và nguồn đất lâm nghiệp rất lớn. Nhiều năm nay, một số tập đoàn kinh tế lớn muốn “bơm” tiền để đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án triệu đô gặp trở ngại trước diện tích rừng và đất rừng bị mất, bị lấn chiếm. “Dự án không triển khai được do đúng vào thời điểm Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng, cấm chuyển đổi đất rừng. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là đất để thực hiện dự án đã bị người dân lấn chiếm, nên dự án không thực hiện được”, đại diện một chủ đầu tư nói.

Như Tiền Phong đã thông tin, Cty Cư M’lan ngoài việc để mất hơn 10.500 ha rừng và đất rừng; lập 2.643 biên bản vi phạm với diện tích bị phá hơn 4.000 ha, nhưng không có giá trị pháp lý; không chuyển hồ sơ các vụ vi phạm hình sự cho công an xử lý; chiếm dụng 1,5 tỷ đồng kinh phí quản lý vào bảo vệ rừng sản xuất nghèo kiệt năm 2013, năm 2014; nợ 16 tháng lương cán bộ, công nhân viên… Cùng với việc thi hành kỷ luật ông Nguyễn Hữu Thu – nguyên giám đốc công ty , UBKT Huyện uỷ Ea Súp đã ra quyết định cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Quyến, phó giám đốc công ty.

PV hỏi ông Thu: Việc công ty để mất hơn 10.500 ha rừng và đất lâm nghiệp, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ai? “Trách nhiệm thuộc về ai thì mình cũng chịu. Vì cả xã hội nó cũng vậy chứ có phải bọn mình tự làm nên đâu. Bây giờ phong trào bảo kê bán rừng, bán đất rừng như thế thì làm sao bọn mình giữ được… Đây là việc làm rất khó khăn cho người giữ rừng”, ông Thu nói.

Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, công an tỉnh đang khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan vụ để mất hơn 10.500 ha rừng và đất lâm nghiệp xảy ra tại Cty Cư M’lan. “Chúng tôi đã điều tra mấy tháng nay. Hướng điều tra của chúng tôi là sẽ quy vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện giờ vẫn chưa kết thúc điều tra, do phải xác minh nhiều nơi. Nếu đủ điều kiện, chúng tôi sẽ khởi tố vụ án”, thiếu tướng Rơi nói.

Cán bộ thi nhau làm nhà lấn đường

Đầu năm 2018, UBND thị trấn Ea Súp phát hiện nhà của ông Nguyễn Văn Quyến-Phó giám đốc phụ trách Công ty Cư M’lan lấn chiếm hành lang giao thông. Cụ thể, ông Quyến đã cho xây dựng tường rào lấn chiếm hành lang giao thông, nhưng không thông báo cho chính quyền địa phương. Ông Quyến thừa nhận việc xây dựng nhà lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, đồng thời viết giấy cam kết tháo dỡ toàn bộ diện tích lấn chiếm trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, đến nay, công trình gỗ ‘khủng” của ông vẫn không bị xử lý.

Một cán bộ UBND thị trấn Ea Súp cho biết, UBND thị trấn đã nhiều lần liên hệ, nhưng ông Quyến không nghe máy, không chịu hợp tác. “Chúng tôi đã gửi giấy mời đến cơ quan ông Quyến công tác và cả nơi làm việc của vợ ông ấy. Nếu ông Quyến không thực hiện như cam kết, chúng tôi sẽ thành lập đoàn cưỡng chế xử lý theo quy định của pháp luật”, vị cán bộ thị trấn cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Quyến hỏi vặn: Dọc tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi có rất nhiều hộ làm nhà lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, kể cả nhà của ông chủ tịch thị trấn (ông Trần Hải Long – Chủ tịch UBND thị trấn Ea Súp - PV) cũng lấn chiếm, sao không xử?

Hệ luỵ của vụ việc này là tranh chấp đất trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp vào đầu tư nhưng khi vào hiện trường mới biết đất được UBND tỉnh Đắk Lắk giao thực hiện dự án đã bị người dân trồng cây canh tác, lấn chiếm từ lâu.

Tỉnh chưa thể trả lời ngay được

Tại buổi giao ban báo chí ngày 3/5, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, PV Tiền Phong nêu các câu hỏi xung quanh việc xử lý ông Trần Ngọc Quang (nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp) sử dụng 135,696 m3  gỗ không có hồ sơ chứng minh hợp pháp, vì sao tỉnh không chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh điều tra, xử lý. Ông Hà trả lời: Hiện tỉnh chưa thể trả lời ngay được và sẽ có báo cáo cụ thể trong buổi họp báo tháng 5/2018.

Phóng viên lại phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn tại Gia Lai

Vụ mất hơn 10.500 ha rừng: Chỉ cảnh cáo rồi 'hạ cánh' an toàn? ảnh 1 Những lóng gỗ nằm rải rác trên đồi Chư Jú.

Phóng viên các báo đài thường trú tại Gia Lai vừa phát hiện, ghi nhận thêm một vụ phá rừng lớn xảy ra tại đồi Chư Jú, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, Gia Lai và cấp báo cho các cơ quan chức năng. Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo sở, ngành liên quan điều tra, xử lý vụ việc. Ngày 4/5, theo báo cáo nhanh của UBND thị xã Ayun Pa về vụ việc phá rừng mà phóng viên báo đài phản ánh, tại hiện trường thuộc tiểu khu 1297 (thuộc đồi Chư Jú), lực lượng chức năng thống kê được 35,263 m3 gỗ lâm tặc khai thác trái phép (trong đó gỗ tròn 3,490 m3, chủng loại gỗ vẫn chưa xác định được, gỗ xẻ 75 hộp, tổng cộng 31,773 m3, chủng loại: dổi, khảo, trâm, xoan, dẻ, gòn và một số chưa xác định được chủng loại). Tổng cộng có 69 gốc cây bị chặt hạ, đường kính 34-250 cm.

Theo ông Tống Hoài Long - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, đơn vị đang tiếp tục vận chuyển số gỗ vi phạm về trụ sở để xử lý.       

Tiền Lê

MỚI - NÓNG