Sáng 21/12, tại Đắk Lắk diễn ra Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh và nông dân SXKD giỏi, chủ thể sản phẩm OCOP, năm 2022.
Tại đây, nhiều nông dân đã nêu những vấn đề quan tâm trong sản xuất, kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, như: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; khó khăn, vướng mắc trong sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng; chính sách về ứng dụng nông nghiệp 4.0, chuyển đổi số trong nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tiếp cận thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP…
Ông Phạm Đình Cảnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Ea Kar - ý kiến, hiện nay trên địa bàn tỉnh có ít địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn giống. Nhiều nguồn giống “trôi nổi” không rõ nguồn gốc đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Ông Cảnh đặt câu hỏi, UBND tỉnh có giải pháp gì để quản lý chặt hơn và có nhiều địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn cây, con giống chất lượng; có chính sách gì để hỗ trợ, khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất giống tại chỗ?
Ông Phạm Đình Cảnh bày tỏ lo lắng trước thực trạng nguồn giống "trôi nổi" |
Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Chủ tịch HND xã Phú Lộc, huyện Krông Năng - bày tỏ sự quan tâm đến việc cấp mã vùng trồng, bởi thời gian qua có vụ “lùm xùm” mã vùng trồng được cấp cho doanh nghiệp.
Ông Quỳnh nêu những bất cập nếu cấp mã số vùng trồng cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp ngừng hoạt động thì mã số sẽ bị thu hồi. Theo đó sản phẩm của người dân trực tiếp không xuất khẩu được vì không có mã số. Nếu cấp cho HTX hoặc hộ dân thì sản phẩm cũng không xuất khẩu được vì không có mã số cơ sở đóng gói.
Khi doanh nghiệp hoặc HTX đã được cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói, liệu có tình trạng độc quyền hoặc tranh chấp mã vùng trồng hay không? Vậy nên, ông Quỳnh đề xuất có thể xem xét cấp mã vùng trồng cho tổ chức HND quản lý và bảo vệ quyền lợi của hội viên.
Ông Quỳnh nêu ý kiến về mã vùng trồng |
Ông Mai Trọng Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - thông tin, thời gian qua, UBND tỉnh đã có chính sách, khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất giống tại chỗ; ưu tiên phát triển cây đầu dòng. Về việc kiểm soát nguồn giống, hằng năm, đều có các cuộc thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất giống và công khai các cơ sở vi phạm… Do đó, ông Dũng khuyến cáo người dân nên đến các cơ sở uy tín mua giống.
Về vấn đề cấp mã vùng trồng, ông Dũng cho biết, theo quy định, đại diện mã số vùng trồng có thể là doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác hoặc hộ nông dân. Mỗi mã số đều gắn liền với với 1 diện tích vùng trồng, trên cơ sở đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Mã số vùng trồng chỉ thuộc về người nông dân khi người nông dân đứng tên đại diện cho vùng trồng đó và đảm bảo diện tích vùng trồng tối thiểu 10ha, nếu không đủ diện tích, người dân có thể liên kết với các tổ chức, cá nhân khác để xây dựng mã số vùng trồng, trường hợp này mã số vùng trồng sẽ thuộc về tổ chức hoặc cá nhân đứng ra đại diện đăng ký mã số.
Như vậy, HND có thể làm đơn vị đại diện mã số vùng trồng và quản lý vùng trồng do Hội đại diện đứng tên nếu đảm bảo các quy định. Tuy nhiên để sản phẩm tại vùng trồng được xuất khẩu chính ngạch thì Hội nông dân cần liên kết với các cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.