Liên quan đến việc ông Chung có dấu hiệu “can thiệp” vụ án doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (địa chỉ ở TP Pleiku, Gia Lai) yêu cầu một ngân hàng chi nhánh ở Gia Lai phải bồi thường khoảng 117 tỷ đồng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện kiểm tra việc giải quyết đơn tố cáo và xem xét việc thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đối với ông Đặng Phan Chung. Bởi thời điểm ông Chung bị doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi phản ánh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã vào cuộc giải quyết và “đa số thống nhất không kỷ luật”.
Trong khi chờ kết quả xử lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mới đây, phóng viên Tiền Phong tiếp tục nhận thêm một công văn số 546 do chính ông Chung ký gửi lãnh đạo Viện KSND tỉnh Gia Lai với nội dung yêu cầu cung cấp hồ sơ vụ án trên để “phục vụ việc giải trình”.
Cụ thể, công văn số 546 do ông Đặng Phan Chung với tư cách Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Gia Lai ký ngày 25/5/2018 gửi lãnh đạo VKSND tỉnh Gia Lai về việc yêu cầu cung cấp hồ sơ.
Công văn trên dẫn lý do rằng, một ngân hàng chi nhánh ở Gia Lai đã phản ánh về bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP Pleiku. Để phục vụ “phiên giải trình” thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đề nghị lãnh đạo VKSND tỉnh Gia Lai cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình giải quyết Bản án dân sự sơ thẩm (số 12/2018/DS-ST ngày 3/4/2018 do thẩm phán Ngô Thanh Quảng làm chủ toạ phiên toà); Uỷ ban Kiểm sát VKSND tỉnh Gia Lai và lãnh đạo VKSND TP Pleiku báo cáo về quan điểm giải quyết vụ án. Yêu cầu kiểm sát viên Phạm Thị Thanh Trúc viết bản giải trình.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về công văn số 546 do ông Đặng Phan Chung ký, một lãnh đạo Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai nhận định: “Đây là văn bản trái pháp luật can thiệp vào hoạt động tư pháp, bởi HĐND không có chức năng hay quyền hạn gì trong việc yêu cầu lãnh đạo VKSND tỉnh Gia Lai báo cáo quan điểm. Tôi được biết ông Chung từng là Chánh án TAND tỉnh Gia Lai nhưng không hiểu sao lại không biết chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Việc can thiệp vào hoạt động tư pháp là trái pháp luật".
Vị lãnh đạo Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai phân tích thêm, nếu căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thì Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai có thẩm quyền giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, việc giám sát phải thực hiện theo chương trình giám sát hàng năm, hoạt động giám sát được thực hiện đối với các báo cáo công tác của tòa án, hoặc giám sát theo chuyên đề, kế hoạch. Mục đích của việc giám sát này nhằm theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của tòa án trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật (về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án…), chứ không phải đối với một vụ án dân sự cụ thể.
Từ đây, vị lãnh đạo Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai cho biết thêm, Hiến pháp và pháp luật đã quy định, không có chuyện thẩm phán phải báo cáo “quan điểm” giải quyết một vụ án cho thường trực HĐND tỉnh Gia Lai. Bởi vì về nguyên tắc xét xử, quyết định của Hội đồng xét xử là tối thượng.
“Trường hợp ngân hàng chi nhánh ở Gia Lai khiếu nại đến HĐND tỉnh Gia Lai về bản án sơ thẩm trong vụ việc trên, với tư cách Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai, ông Chung cần có văn bản với trả lời nội dung đúng thẩm quyền. Ví như văn bản trả lời rằng đây là tranh chấp về mặt dân sự, các bên liên quan có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho toà án; nếu bản án sơ thẩm các bên không đồng ý, có quyền kháng cáo gửi toà án giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. HĐND tỉnh Gia Lai không có quyền yêu cầu lãnh đạo VKSND tỉnh Gia Lai báo cáo quan điểm vụ án cụ thể.”, vị lãnh đạo Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai nói.
Trong một lần trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vụ việc này, ông Đặng Phan Chung nói “Nôm na là cũng có một số không ưa mình. Do ngày xưa, tôi làm Chánh án TAND tỉnh Gia Lai mà. Trong quá trình làm, đôi khi có va chạm này nọ nên họ không ưa. Sẵn việc này họ xúi bên kia (Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi kiện - PV) vậy thôi”.