Vũ khí chống “chặt chém” du khách

Hàng rong chèo kéo du khách tại khu vực Hồ Tây.
Hàng rong chèo kéo du khách tại khu vực Hồ Tây.
TP - Hà Nội thu hút du khách một phần hơn 5.000 di tích và nhiều khu danh thắng, thế nhưng hàng loạt vụ “chặt chém”, chèo kéo du khách  khiến ngành du lịch Thủ đô mất điểm.

Du khách nước ngoài - tâm điểm “chặt chém”

Sau một thời gian im ắng, nạn hàng rong chèo kéo, “chặt chém” du khách lại xuất hiện ở vài tụ điểm tập trung đông du khách. Theo ghi nhận của PV, khác với những người hàng rong bình thường, những đối tượng chèo kéo du khách rất ít đồ bày bán trên quang gánh. Thông thường chỉ có vài bọc túi dứa, ổi… chủ yếu chỉ chờ du khách để chèo kéo.

Tại ngã 3 Hàng Bạc - Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), một người bán rong chạy theo du khách lớn tuổi người nước ngoài để chào mời. Người bán rong ban đầu tỏ ra rất thân thiện, đưa nón và quang gánh của mình cho du khách chụp ảnh. Sau đó, đưa cho du khách túi dứa và chìa 2 ngón tay để ra dấu về giá tiền. Khi 2 du khách còn đang loay hoay xoè tiền ra hỏi giá thì người phụ nữ đã nhanh tay rút tờ 20 đô la từ tay họ. Quá bức xúc về hành động trên, chủ quán café cạnh đó đã yêu cầu người phụ nữ bán rong trả lại tiền cho du khách.

Đây là một trong những trường hợp điển hình mà nhóm PV đã ghi lại được tại trung tâm khu phố cổ, tuy nhiên không phải du khách nào cũng may mắn được trả lại tiền như đôi vợ chồng châu Âu kia. Trước đó, trong tháng 6/2017, trên mạng xã hội đặc biệt “nóng” với câu chuyện khách nước ngoài phải mua một túi bánh rán với giá 700.000 đồng. Tại cơ quan công an, vị khách này kể lại: “Họ cứ dí cái bánh lại sát tôi, tôi còn không biết phải trả bao nhiêu tiền cho chỗ đó. Tôi mở ví ra thế này và họ lấy của tôi một tờ 500.000 và một tờ 200.000 sau đó bỏ đi”.

Ngoài khu vực phố cổ, hàng rong đeo bám khách còn xuất hiện tại khu vực Hồ Tây (vườn hoa Mai Xuân Thưởng, dọc đường Thanh Niên), khu vực gần Văn Miếu…

Người dân cùng cơ quan chức năng giám sát

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thiên Thảo Nguyên đề xuất: “Nên sớm thành lập đội Cảnh sát du lịch để đảm bảo an toàn cho du khách, xây dựng thương hiệu du lịch Hà Nội”. Theo ông Tùng, các nước có nền du lịch phát triển như Singapore, Thái Lan… đều đã có Cảnh sát du lịch. Lực lượng này cần có trang phục riêng, thông thạo ngoại ngữ, là lực lượng đầu tiên tiếp xúc, tạo cảm giác thân thiện với khách du lịch. “Mỗi điểm du lịch chỉ cần 2 - 3 cảnh sát du lịch, xử lý nghiêm các hiện tượng chèo kéo khách. Tôi tin rằng, chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu du lịch Hà Nội sẽ tốt hơn”, ông Tùng nói.

Ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng, vấn nạn này xuất phát từ sự thiếu ý thức và hiểu biết về kinh doanh cũng như đạo đức của những người bán hàng. Do đó, mấu chốt vẫn phải tuyên truyền giáo dục đúng cách, thực hiện kiên trì, trong một thời gian đủ dài mới mong thay đổi được nhận thức của người bán hàng.

Trao đổi với Tiền Phong, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội Vũ Công Huy cho biết, Sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo, từng bước hạn chế được tình trạng người bán hàng rong chèo kéo, “chặt chém” du khách. Tuy nhiên do lực lượng mỏng, “văn hóa hàng rong” ăn sâu nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Như vụ mua bánh rán giá 700 nghìn đồng trên phố Lý Quốc Sư, Thanh tra Sở đã xuống kiểm tra, theo dõi một số đối tượng bán hàng rong ở đây. Tuy nhiên, những lúc đó lại không có điều gì bất thường. Thanh tra phải theo dõi họ vài ngày, quay phim, chụp ảnh lại mới tìm ra chứng cứ giao công an xử lý.

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tính riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, từ cuối năm 2016 đến nay, Công an quận Hoàn Kiếm đã kiểm tra xử lý 130 trường hợp bán hàng rong, đánh giầy chéo kéo khách du lịch trên địa bàn quận trong đó xử lý 30 trường hợp có hành vi đeo bám du khách người nước ngoài, phạt với tổng số tiền là gần 20 triệu đồng. Theo ông Huy, vẫn còn tồn tại một số ít đối tượng chèo kéo, hàng rong gây bức xúc cho du khách, đặc biệt xuất hiện người nước ngoài có những hành vi phản cảm, người nước ngoài xin tiền ngay tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Dự báo, lượng khách du lịch năm 2017 trong nước và quốc tế đến Hà Nội sẽ tăng cao, tiềm ẩn tình trạng bán hàng rong, ăn xin, đeo bám, chèo kéo khách du lịch có nguy cơ tái diễn. Đối với những đối tượng tái phạm, kiên quyết xử lý tận gốc, áp dụng biện pháp đưa đối tượng vi phạm vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng khuyến khích người dân khi phát hiện đối tượng chèo kéo du khách thì có thể quay phim, chụp ảnh gửi cho công an phường hoặc Thanh tra du lịch để phối hợp xử lý nghiêm.

MỚI - NÓNG