Vũ khí bí mật nhằm vào đường mòn Hồ Chí Minh

Xe tải chở hàng theo đường mòn Hồ Chí Minh tiếp tế cho miền Nam. Ảnh: Tư liệu.
Xe tải chở hàng theo đường mòn Hồ Chí Minh tiếp tế cho miền Nam. Ảnh: Tư liệu.
TP - Ngoài chất độc da cam/dioxin và hàng rào điện tử McNamara, quân đội Mỹ còn bí mật áp dụng vũ khí thời tiết nhằm ngăn chặn Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho miền Nam. Nhưng họ đã thất bại như chính Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ ghi nhận: Đường Trường Sơn là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”.

Vũ khí hóa thời tiết

Tháng 2/2015, GS Alan Robock, nhà nghiên cứu thời tiết hàng đầu của Mỹ, kể rằng, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang xem xét khả năng sử dụng công cụ biến đổi thời tiết như một loại vũ khí. Báo Anh The Independent viết, một nhà nghiên cứu thời tiết cấp cao của Mỹ đã bày tỏ sợ hãi khi cơ quan tình báo Mỹ đề nghị ông giải thích về khả năng vũ khí hóa thời tiết trong báo cáo mới về địa kỹ thuật sắp xuất bản. Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học tại thành phố San Jose, GS Robock cho biết, cách đây 3 năm, hai người đàn ông tự giới thiệu đang làm việc cho CIA gọi điện cho ông hỏi rằng liệu, các chuyên gia có thể phát hiện nếu thế lực thù địch thao túng thời tiết nước Mỹ hay không. GS Robock cho rằng, mục đích thực sự của cuộc gọi là để tìm hiểu xem lực lượng Mỹ có thể điều khiển thời tiết của nước khác hay không.

“Sau khi nghĩ một chút, tôi nói với họ rằng, nếu anh đưa chất gì đó vào không khí đủ để phản chiếu ánh sáng mặt trời, chúng tôi có thể phát hiện và biết thiết bị gì đang được sử dụng”. Từng nghiên cứu về những nguy cơ và lợi ích của việc sử dụng hạt bình lưu để mô phỏng hiệu ứng thay đổi thời tiết của các vụ núi lửa phun trào, GS Robock nói rằng, ông cảm thấy sợ khi phương pháp này có thể được sử dụng vào mục đích chiến tranh. “Tôi biết nhiều thứ khác CIA từng làm mà không cần tuân thủ các quy tắc, và tôi nghĩ đó không phải là cách mà tôi muốn tiền thuế của mình được sử dụng. Tôi nghĩ nghiên cứu này cần được công khai trên phạm vi quốc tế để mọi người hiểu nó có thể bị sử dụng cho những mục đích thù địch”, GS Robock nói.

Vũ khí bí mật nhằm vào đường mòn Hồ Chí Minh ảnh 1

Máy bay WC-130A Hercules thuộc lực lượng làm mưa nhân tạo mà quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Gizmodo.

Dự án Popeye

GS Robock nói rằng, đã có bằng chứng chính phủ Mỹ sử dụng thời tiết vào mục đích thù địch, như phun mây tạo mưa trong Chiến tranh Việt Nam để làm lầy lội, chia cắt đường mòn Hồ Chí Minh. Báo Anh Guardian từng viết, trong Chiến tranh Việt Nam, Mỹ thực hiện dự án Popeye bí mật nhằm tạo những đám mây gây mưa để tăng lượng mưa, kéo dài mùa mưa nhằm làm xói mòn đường mòn Hồ Chí Minh.

Những nỗ lực thay đổi thời tiết trong Chiến tranh Việt Nam từng được đề cập trong báo cáo của Lầu Năm góc. Báo Mỹ Washington Post dẫn báo cáo này ngày 2/7/1972: “Đông Dương, bằng chứng của một đoạn dài bị phớt lờ quá lâu trong các báo cáo của Lầu Năm Góc, đã trở thành chiến trường thử nghiệm, trở thành địa điểm để làm mưa có chủ đích dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Thượng nghị sĩ Claiborne Pell là chính trị gia nổi bật trong Quốc hội Mỹ tin rằng, điều đó đã trở thành hiện thực. “Có rất ít hoài nghi trong đầu tôi”, ông Pell nói. Hạ nghị sĩ Gilbert Gude cũng khẳng định: “Tôi không hoài nghi việc đó đang xảy ra ở Việt Nam”.

Tháng 2/1967, tài liệu này tiết lộ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã chuẩn bị một danh sách “các chiến lược thay thế” cho Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson. Phần mang tựa đề “Các chiến dịch ở Lào” viết: “Tiếp tục chiến dịch Popeye để giảm khả năng đi lại dọc các tuyến đường xâm nhập… cần có sự cho phép để triển khai giai đoạn cải tạo thời tiết từng được thử nghiệm thành công trước đó và đánh giá trên cùng khu vực… Năm 1967, theo cây viết chuyên mục Jack Anderson - người đã đăng tải cáo buộc đầu tiên về việc làm mưa ở Đông Dương, các lực lượng Mỹ khởi động Dự án Intermediary Compatriot bí mật để cản trở hoạt động hậu cần của kẻ thù… sau thành công trong việc tăng lượng mưa và kéo dài mùa mưa dọc đường mòn Hồ Chí Minh, khiến những tuyến đường này không thể đi được”.

Vũ khí bí mật nhằm vào đường mòn Hồ Chí Minh ảnh 2

Trực thăng chiến đấu của Sư đoàn kị binh bay số 1 của Mỹ trong chiến dịch Pershing (diễn ra từ tháng 2/1967 đến tháng 1/1968 tại Bình Định, Quảng Ngãi). Ảnh: Getty Images.

Hiện đại vẫn thất bại

Với khẩu hiệu “tạo ra bùn, không tạo ra chiến tranh”, Phi đội trinh sát thời tiết 54 đã phun những đám mây i-ốt bạc và i-ốt chì vào các khu vực xác định trước nhằm kéo dài mùa mưa thêm trung bình 30-45 ngày. Khoảng 2.000 chuyến bay như vậy đã được thực hiện trong 5 năm của chương trình với chi phí hơn 3 triệu USD/năm. Phun mây là kỹ thuật không còn mới vào cuối những năm 1960. Có nhiều thí nghiệm từng được Mỹ thực hiện sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nhưng chiến dịch Popeye đánh dấu lần đầu tiên sử dụng thành công công nghệ kiểm soát thời tiết trên chiến trường. Đến năm 1972, chiến dịch Popeye mới chấm dứt khi nhà báo Jack Anderson của tờ Washington Post phơi bày dự án và gây phẫn nộ đến mức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hồi đó phải thông qua một hiệp ước cấm chiến tranh môi trường.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara hiểu rằng, chương trình này có thể vấp phải sự phản đối của cộng đồng khoa học quốc tế. Nhưng trong tài liệu gửi Tổng thống Mỹ, ông McNamara viết rằng, sự phản đối trước đây cũng không phải cơ sở để ngừng những hành động quân sự vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Chương trình biến đổi thời tiết trên bán đảo Đông Dương được cho là do Ngoại trưởng Henry Kissinger và CIA bảo trợ mà không có sự cho phép của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi đó là ông Melvin Laird. Ông Laird từng khẳng định với Quốc hội Mỹ rằng, việc sử dụng chương trình can thiệp thời tiết làm vũ khí chiến thuật không tồn tại.

James Rodger Fleming, tác giả cuốn sách “Fixing the Sky: The Checkered History of Weather and Climate Control”, viết rằng, không rõ dự án Popeye thành công đến mức nào trên khía cạnh chiến thuật. Nhưng một điều mà mọi người đều đồng ý là chính dự án Popeye đã khiến quân đội Mỹ khó sử dụng lại chiến thuật này trong tương lai.

Một điều hiển nhiên là dù quân đội Mỹ sử dụng công nghệ cao như gây mưa nhân tạo hay lắp đặt hàng rào điện tử McNamara, thậm chí rải cả chất độc màu da cam để làm trụi lá cây nhưng cũng không chặn được miền bắc chi viện binh lực, vũ khí, khí tài, lương thực cho miền nam trong suốt 16 năm (1959-1975). Văn bản chính thức của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ ghi nhận đường Trường Sơn là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”. 

Lo ngại khủng bố môi trường

Phun mây nhân tạo gây mưa không chỉ xảy ra ở Chiến tranh Việt Nam. GS Alan Robock cho biết, CIA từng phun mây ở Cuba để “làm mưa và hủy hoại vụ thu hoạch mía”. Báo Anh Guardian năm 2001 đưa tin, các nhà hoạch định của không quân Mỹ đã đưa ra những đề xuất mới về việc sử dụng vũ khí thời tiết. Ý tưởng của họ là thay vì phun i-ốt bạc, sẽ phun những hạt carbon hấp thụ nhiệt dạng mịn trên các đám mây để gây mưa lũ cục bộ nhằm vào các toán quân đối phương và vũ khí của họ. Ngoài ra, từ trên máy bay, có thể bắn các chùm tia laser vào sương mù để dọn đường nhắm vào mục tiêu của đối phương dưới mặt đất. Tại hội nghị về chủ nghĩa khủng bố diễn ra tháng 4/1997, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen phát biểu: Có những kẻ đang tham gia vào một kiểu khủng bố môi trường khi chúng có thể thay đổi thời tiết, gây ra động đất, núi lửa bằng cách dùng sóng điện từ điều khiển từ xa… 

MỚI - NÓNG