Vụ 'ỉm' thông tin nước tương nhiễm 3-MCPD : Liệu có dấu hiệu phạm pháp hình sự ?

Vụ 'ỉm' thông tin nước tương nhiễm 3-MCPD : Liệu có dấu hiệu phạm pháp hình sự ?
Vì sao Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Lê Trường Giang cố tình... "ỉm" thông tin nước tương nhiễm 3-MCPD. Động cơ gì khiến ông Giang đặt lợi ích của một số DN lên trên tính mạng, sức khoẻ hàng triệu người dân?
Vụ 'ỉm' thông tin nước tương nhiễm 3-MCPD : Liệu có dấu hiệu phạm pháp hình sự ? ảnh 1
Nước tương hiệu Mêkông được thu hồi. ảnh: Thế Anh-TTXVN

Căn cứ bản báo cáo muộn màng số 3002/QYT-Ttra, do ông Giang ký ngày 28.5.2007, gửi thường trực Thành uỷ, thường trực HĐND, thường trực UBND TPHCM, cho thấy: Ngay từ năm 2001, Sở Y tế đã phát hiện các mẫu nước tương sản xuất trong nước có hàm lượng 3-MCPD rất cao, vì thế đã yêu cầu các cơ sở sản xuất phải thay đổi công nghệ.

Đến ngày 3.12.2004, Cục VSATTP có gửi Sở Y tế thông báo số 658/QLTP-TC, về việc nước tương của Foocosa xuất khẩu vào Czech bị thu hồi do hàm lượng 3-MCPD quá cao và đề nghị Sở Y tế TP tăng cường kiểm tra quá trình sản xuất nước tương.

Đầu năm 2005, Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế) lại đề nghị Sở Y tế TPHCM phối hợp thanh tra Xí nghiệp Nosafood vì được cảnh báo của Uỷ ban Liên minh Châu Âu về hàm lượng 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn.

Sau khi Bộ Y tế ban hành QĐ về quy định hàm lượng 3-MCPD trong nước tương không quá 1mg/kg, trong các tháng 4 - 7 - 8.2005, Sở Y tế liên tục có các công văn yêu cầu các cơ sở sản xuất phải công bố hàm lượng 3-MCPD; thậm chí Sở Y tế còn tổ chức hẳn một đoàn thanh tra các cơ sở sản xuất để lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện 19/29 mẫu nhiễm 3-MCPD rất cao. Tuy nhiên, Thanh tra y tế chỉ xử phạt 4-5 triệu đồng/cơ sở rồi vụ việc được... "ỉm" đi(?!).

Tháng 1.2007, Thanh tra y tế tiếp tục thanh tra, lấy mẫu xét nghiệm từ 21 cơ sở sản xuất, phát hiện 17 mẫu vi phạm lượng 3-MCPD và đã phạt tiền, buộc thu hồi, tiêu huỷ...

Từ các dẫn chứng trên cho thấy, ông Lê Trường Giang biết rất rõ tình trạng nước tương sản xuất trong nước có chất gây ung thư. Thế nhưng, trong báo cáo tổng kết hoạt động Chương trình đảm bảo VSATTP của TPHCM năm 2006 (tổ chức ngày 14.4.2007, do ông Giang - với tư cách Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP - ký) gồm 19 trang, chỉ thấy vẻn vẹn 20 chữ phê bình nước tương mua ở chợ có... độ đạm quá thấp (< 5g/l)!

Chưa hết, trong kế hoạch hành động đảm bảo VSATTP năm 2007 (gồm 8 trang, cũng do ông Giang ký), không hề có chữ nào đề cập cần phải giải quyết ngay tình trạng nước tương nhiễm 3-MCPD!

Được biết, trước đó vào ngày 28.12.2006, Trung tâm Y tế dự phòng có công văn số 1574/YTDP/VSATTP, báo cáo ông Giang về kết quả khảo sát ở 33/75 cơ sở sản xuất và kiểm nghiệm 20 mẫu, phát hiện 14 mẫu có chứa 3-MCPD, trong đó 8 mẫu vượt mức cho phép...  

Vậy, động cơ gì khiến ông Lê Trường Giang đặt lợi ích một số DN lên trên tính mạng, sức khoẻ hàng triệu người dân? Nếu không phải nhằm điều kiện cho các DN thu lợi bất chính?

Theo Dương Minh Đức
Lao Động

MỚI - NÓNG