Vụ hơn 1.600 giáo viên Huế bị ‘nợ’ lương sau sáp nhập: 'Thần tốc' giao 56 con dấu

0:00 / 0:00
0:00
Phòng GD&ĐT TP Huế khẩn trương các thủ tục bàn giao con dấu về cho các trường sáp nhập từ chiều muộn 22 và sáng 23/7
Phòng GD&ĐT TP Huế khẩn trương các thủ tục bàn giao con dấu về cho các trường sáp nhập từ chiều muộn 22 và sáng 23/7
TPO - Sau thông tin hàng loạt trường học tại Huế khi sáp nhập vào thành phố phải hoạt động không có con dấu, kéo theo hơn 1.600 giáo viên bị chậm lương, ảnh hưởng lớn đến đời sống giữa mùa dịch COVID-19, Phòng GD&ĐT TP Huế tức tốc chỉ đạo bộ phận chức năng tiếp nhận con dấu mới từ cơ quan công an để giao ngay về cho 56 trường học.

Thông tin từ cơ quan chức năng TP Huế vào sáng 23/7, từ chiều muộn 22 đến sáng nay, toàn bộ 56 con dấu mới của các trường mầm non, tiểu học, THCS vừa sáp nhập vào TP Huế đã được chuyển giao về cho các trường quản lý, sử dụng theo đúng chức năng, thẩm quyền.

Trước đó, kể từ ngày 1 đến ngày 22 và 23/7, hàng chục trường học tại Huế đã hoạt động trong tình trạng không có con dấu sau sáp nhập vào TP Huế, dẫn đến những hệ lụy về xử lý công tác hành chính, giải quyết chi trả lương cho hơn 1.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học.

Ngoài ra, việc nhà trường hoạt động không có con dấu gây khó khăn, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của học sinh về học tập khi các cháu có nhu cầu rút hồ sơ học bạ, chuyển trường, chuyển địa bàn học tập, xuất cảnh.

Vụ hơn 1.600 giáo viên Huế bị ‘nợ’ lương sau sáp nhập: 'Thần tốc' giao 56 con dấu ảnh 1

Ông Nguyễn Thuận- Trưởng phòng GD&ĐT TP Huế cho rằng, việc chậm thực hiện thủ tục xin cấp lại con dấu cho các trường dẫn đến chậm lương giáo viên có phần trách nhiệm của cơ quan ông

Liên quan việc nhà trường hoạt động không có con dấu và chậm trả lương cho giáo viên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thuận- Trưởng phòng GD&ĐT TP Huế, cho rằng, do thiếu thủ tục về quyết định tiếp nhận trường học của thành phố, nên các đơn vị sáp nhập khi làm thủ tục xin cấp lại con dấu mới cần phải có thời gian để bổ sung hồ sơ, dẫn đến chậm được cấp đổi con dấu mới.

Trong khi, theo tìm hiểu của PV, ngay trước thời điểm các đơn vị, địa phương thực hiện sáp nhập vào TP Huế (1/7/2021), Phòng GD&ĐT huyện Phú Vang và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà đã sớm thực hiện xong các thủ tục bàn giao.

Thậm chí có đơn vị phòng giáo dục còn soạn văn bản đề nghị và hướng dẫn cụ thể gửi các cơ sở giáo dục trước khi sáp nhập vào TP Huế về việc chủ động thay đổi con dấu mới.

Việc cơ quan chức năng TP Huế chậm ban hành quyết định tiếp nhận các trường học, dẫn đến chậm trễ tiến trình xin cấp đổi con dấu mới của các cơ sở giáo dục sau sáp nhập cho thấy sự chủ quan, tắc trách, thiếu sót trong công tác nắm bắt tình hình, tham mưu từ Phòng GD&ĐT TP Huế cũng như phòng, ban liên quan.

Đến ngày 14/7, TP Huế mới ban hành quyết định tiếp nhận các trường học diện sáp nhập, dù các huyện, thị xã đã có biên bản bàn giao từ sớm, trước ngày 1/7/2021.

Đến quá giữa tháng 7/2021, cơ quan chức năng tỉnh TT-Huế mới có thể tiếp nhận, thụ lý đầy đủ các thủ tục xin cấp lại con dấu của 56 trường học sáp nhập vào TP Huế.

Sau thời gian xử lý hồ sơ, đến ngày 21/7, việc cấp lại con dấu cho các trường sáp nhập mới hoàn tất. Con dấu đã được chuyển về Phòng GD&ĐT TP Huế để khẩn trương giao cho các trường kể từ chiều muộn 22/7, sau khi báo chí đặt vấn đề giáo viên bị chậm lương kéo dài.

Về việc chậm trả lương giáo viên do các trường học tại Huế hoạt động không có con dấu trong nhiều ngày qua, ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế, cho biết, sẽ chỉ đạo làm rõ và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan nếu để xảy ra vi phạm, thiếu sót.

Thậm chí sẽ xem xét cả về năng lực quản lý, điều hành của các cá nhân liên quan. Từ đó, rút kinh nghiệm diện rộng đối với các cơ quan, đơn vị, lĩnh vực khác có liên quan công tác sáp nhập ở TP Huế.

Còn ông Nguyễn Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT TP Huế cho rằng, việc chậm thực hiện thủ tục xin cấp lại con dấu cho các trường dẫn đến chậm lương giáo viên có phần trách nhiệm của cơ quan ông...

Trước đó, như tin đã đưa, gần 1 tháng qua, tất cả 56 trường học sau khi sáp nhập từ các huyện, thị xã về TP Huế đã hoạt động trong tình trạng không có con dấu, khiến hơn 1.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học bị chậm trả lương giữa lúc dịch bệnh COVID-19 gây ra không ít khó khăn về đời sống cho nhiều gia đình.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.