Vụ học sinh Hải Phòng đội nắng: Người lớn mải mê đúng sai, đừng bỏ quên trẻ?

TPO - Vụ một cháu bé tiểu học ở Hải Phòng vẫn gây xôn xao dư luận khi mới đây đã xuất hiện Clip tố mẹ cháu bé dàn cảnh để 'dọa' cô giáo. Đưa ra quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, người lớn đang mải mê chỉ ra đúng- sai mà bỏ quên đứa trẻ.

Lòng tốt có cần chỉ đạo?

Liên quan đến vụ việc, PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong vụ việc này, đặt ra vấn đề an toàn trường học, rồi phân tích đúng sai của gia đình, thầy cô, nhà trường thậm chí về vai trò của sao đỏ trong nhà trường có cần không? 

PGS.TS Nam cho rằng, mặc dầu lắng nghe người lớn tranh luận, thấy nhiều ý kiến nhân danh là vì quan tâm em, yêu thương em nên mới làm thế nhưng trong lòng em học sinh có thể chẳng có chút cảm nhận về quan tâm hay yêu thương gì. Thậm chí còn cảm thấy sửng sốt sao mẹ, sao cô lại nói điều không chính xác, sợ hãi người lớn sẽ xem mình chính là nguyên nhân gây ra vụ rắc rối này.

PGS Nam đặt câu hỏi: Tại thời điểm hiện tại, em có lo lắng điều gì? Có ai có thể giúp em làm điều gì đó để em thấy khá hơn không? Chúng ta đừng mải chiến đấu với nhau mà bỏ quên trẻ. Hay lòng tốt của chúng ta lại đang chờ chỉ đạo?

Vụ học sinh Hải Phòng đội nắng: Người lớn mải mê đúng sai, đừng bỏ quên trẻ? ảnh 1

PGS.TS Trần Thành Nam

Chỉ vì bà mẹ và cô giáo "ghét cái thái độ của nhau"?

Trước đó, bà Đào Thị Cẩm Ly - hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền - cho biết chiều 19/ 5, cháu M.T.T.Th., học sinh lớp 1A1, được mẹ đưa đến trường lúc 13h15, sớm 15 phút so với thời gian quy định.

Khi đến trường sớm, cháu Th. cùng một số bạn khác trong lớp có nô đùa ngoài sân làm ảnh hưởng đến các bạn học bán trú đang nghỉ ngơi nên cô Lê Thị Kim Lan - chủ nhiệm lớp - đã nhắc nhở phê bình. Ngoài ra, cô giáo còn chụp ảnh gửi lên nhóm Zalo chung của lớp để thông báo tới phụ huynh.

"Cái sai của cô giáo chủ nhiệm là đã phê bình các em học sinh trước lớp, chụp ảnh đưa vào nhóm Zalo chỉ vì việc đi học sớm và vui đùa làm ảnh hưởng các bạn học bán trú. Điều này vô hình chung khiến các em tự ti, mặc cảm. Cô giáo chủ nhiệm sau đó đã nghiêm túc nhận lỗi và gia đình cũng chia sẻ với nhà trường" - bà Ly nói.

PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, ông nhận thấy ở đây bà mẹ và cô giáo "ghét cái thái độ của nhau" dẫn đến sự việc này. Và vô hình chung, đứa trẻ lại bị chính mẹ mình và nhà trường bỏ mặc thêm một lần nữa.

Theo ông Nam, chính sự ghét cái thái độ của hai người lớn mà làm cho con dính vào vụ việc không đáng có này. Học sinh lớp 1, đến trường đã yếm thế, sợ hãi rồi. Đáng ra phụ huynh và nhà trường là hai nơi cần dạy trẻ sự tử tế thì lại không tử tế, chưa làm tấm gương. Họ chiến đấu với nhau vì sự sĩ diện, nhân danh yêu thương con nên mới làm thế.

“Nhưng thử hỏi họ đã vì con bao nhiêu % và vì sĩ diện bao nhiêu %. Trong sự việc này, tôi thấy ai cũng là quan tòa cả. Hình ảnh đám đông ồn ã, gân cổ cãi nhau anh đúng, tôi sai đối lập với đứa trẻ nhỏ bé, cô đơn, không ai ở bên”- ông Nam chia sẻ.

Ông Nam cho rằng, những lý do đưa ra biện minh càng to tát, đứa trẻ nghe càng cảm thấy giả dối. Nó chẳng cảm thấy chút yêu thương nào hết. Chỉ là giả dối. Và nó sẽ nghĩ, mẹ của mình, cô của mình giả dối. Thế nó còn đến trường tập trung học được không? nó còn thoải mái với cô không?

“Chúng ta nói đến trường học hạnh phúc. Muốn có trường học hạnh phúc thì môi trường, các mối quan hệ phải được cải thiện. Những vụ việc như thế này, cách xử lý này thì trường học hạnh phúc sẽ chậm và đội vốn như đường sắt Cát Linh thôi”- ông Nam nêu quan điểm.

Hãy dừng việc đổ lỗi cho nhau để xem lại mình?

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM cho rằng, ở sự việc này, khách qua mà nói, hai bên hiện nay đang đổ lỗi, trách nhau. Nhưng thật sự ở góc độ giáo dục, tôi  thấy vấn đề này nên để trường học xem xét lại mình.
Việc học sinh đi học sớm hay muộn thì chuyện đó rất đỗi bình thường. Vì các em còn phụ thuộc vào gia đình, điều kiện kinh tế khác nhau nên dù sao cũng phải cân nhắc. Học sinh đã đến, không phải là sai hay đúng mà nó còn là tính nhân văn trong mỗi con người. Dù gì thì nhà trường cần cho học sinh vào trong chứ không thể để để đứng ở cổng trường như vậy. Trong kỷ luật, trật tự vẫn còn tình thương và trách nhiệm. Đây cũng là bài học chung cho các trường, các cô và gia đình. Việc chụp hình rồi đưa hình ảnh con lên như vậy đã sai trong cách giáo dục con rồi.

Trước đó, một nữ phụ huynh đã đăng tải ảnh con gái đứng ngoài cổng trường nắng với nội dung bức xúc vì việc cô giáo cấm học sinh đến sớm. Vụ việc đã khiến cư dân mạng bức xúc, chỉ trích cả nhà trường và giáo viên phụ trách lớp không quan tâm đến học sinh.

Tới sáng 24/5, trên trang Facebook cá nhân, bà M.M - phụ huynh nữ sinh M.T.T.T. (lớp 1A1, trường Tiểu học Quang Trung) lại thừa nhận đưa con ra cổng trường rồi chụp ảnh. Bà M.M đã viết: “Ngày 20/5, tôi có chở con đến trường học vào đến sân trường. Cháu nói, mẹ ơi không được đứng đây đâu. Con có nói mẹ cho con ra ngoài đứng chờ nên tôi cho cháu ra cổng trường đứng chờ để chờ giờ vào lớp.

Phụ huynh này cho rằng, bà vẫn hay có thói quen chụp ảnh cháu mỗi khi đi học. Khi cháu đứng vào đó đợi, trong lòng tôi bức xúc và thấy ngày nào con cũng đứng đây để chờ giờ vào lớp sẽ không ổn nên tôi đã cho cháu về nhờ người để chở cháu đi đúng quy định của nhà trường. Còn về phía nhà trường không hề biết sự việc này và cô giáo chủ nhiệm không đuổi con ra cổng như những lời mọi người đã bình luận. Cô chỉ nghiêm cấm không được vào lớp trước 1 giờ 30 mà thôi…”.

Bà M. sau đó cũng “cúi xin cộng đồng mạng đừng chia sẻ việc này và xin chấm dứt ở đây để mẹ con cháu bình yên sống qua ngày”.

MỚI - NÓNG