Vụ duyệt chi 3 tỷ đồng phá dỡ cầu bỏ hoang: Phản ứng bất ngờ từ người dân

TPO - Người dân cho rằng, việc phá dỡ cầu Quảng Phú (nối 2 huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk và huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là không cần thiết, lãng phí tiền của, bức xúc trong dư luận.

Ngày 22/2, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, UBND xã Quảng Phú vừa có văn bản gửi UBND huyện Krông Nô, Đắk Nông đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư cầu Quảng Phú nằm trên địa phận 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Cầu Quảng Phú bỏ hoang dang dở 2 thập kỷ

Cụ thể, sau khi nắm bắt thông tin UBND tỉnh Đắk Lắk có chủ trương chi 3 tỷ đồng phá dỡ mố trụ cầu Quảng Phú, người dân địa phương đã có nhiều ý kiến phản ánh đến UBND xã Quảng Phú, đề nghị giữ nguyên cầu để tiếp tục đầu tư thêm.

Theo UBND xã Quảng Phú, người dân cho rằng, việc phá dỡ cầu này là không cần thiết, gây lãng phí tiền của nhà nước, gây bức xúc trong dư luận. "Người dân còn đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đầu tư hoàn thành cầu Quảng Phú để phục vụ nhu cầu giao thương của người dân và phát triển kinh tế-xã hội địa phương", một lãnh đạo UBND xã Quảng Phú cho hay.

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa thống nhất duyệt chi 3 tỷ đồng để phá dỡ cầu Quảng Phú

“Từ tình hình thực tế trên, UBND xã Quảng Phú kính đề nghị UBND huyện Krông Nô xem xét đề xuất lên cấp trên có giải pháp, tiếp tục khôi phục cầu Quảng Phú để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương”, trích văn bản của UBND xã Quảng Phú.

Ở động thái liên quan, một doanh nghiệp xây dựng cầu đường ở huyện Lắk cho rằng, việc phá dỡ cầu là không cần thiết, ngoài việc lãng phí tiền của, dư luận còn không đồng tình. “Thông thường, khi làm đường có những dự án, chủ đầu tư phải tận dụng cầu cũ, để giảm tối đa chi phí. Tất nhiên, phải có kiểm định để đánh giá lại chất lượng cầu. Như dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh, khi làm cầu bắc qua sông Sêrêpốk, chủ đầu tư làm thêm cầu mới, bên cạnh cầu cũ chứ không phá dỡ để làm mới hoàn toàn”, đại diện doanh nghiệp ở huyện Lắk cho hay.

Như Tiền Phong đã đưa tin, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà vừa ký kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ hệ thống tỉnh lộ năm 2022, trong đó có chủ trương phá dỡ cầu Quảng Phú, huyện Krông Nô với tổng kinh phí 3 tỷ đồng.

Cầu Quảng Phú (nối liền xã Ea R'Bin, huyện Lắk, Đắk Lắk và xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông) được khởi công vào năm 1998, do Sở GTVT Đắk Lắk làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 4,7 tỷ đồng (giá thời điểm đó).

Đến năm 2004, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo dừng thi công vĩnh viễn. Thời điểm này, đơn vị thi công đã hoàn thành 2 mố cầu, 4 trụ, 4 dầm nhịp 18m, lắp xong 2 nhịp dẫn dài 18m và 70% khối lượng đường hai đầu cầu phía Quảng Phú. Tổng giá trị hoàn thành, được phê duyệt quyết toán hơn 6 tỷ đồng. Từ đó đến nay cầu này bỏ hoang.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, việc chi 3 tỷ đồng để phá dỡ cầu Quảng Phú là để "dọn đường" cho việc triển khai cầu mới (gần cầu Quảng Phú), quy mô hơn, nhiều tiền hơn.

Từng đề nghị chi hàng trăm triệu đồng kiểm đếm gỗ mục nát

Năm 2021, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, Đắk Lắk Nguyễn Văn Nhiệm ký văn bản trình Thường trực Huyện ủy và Thường trực HĐND huyện Ea Súp về việc chi ngân sách để kiểm đếm lại hơn 1.000m3 gỗ công sản (trục vớt từ lòng hồ Ea Súp Hạ) đã bị mục nát, do phơi nắng mưa. Mục đích của việc làm này là để đánh giá lại chất lượng của số lượng gỗ hiện có đang cất giữ tại nhà của một hộ dân ở thị trấn Ea Súp.

Hiện trạng gần 1.000m3 gỗ đã bị mục nát do không được bảo quản

Theo hồ sơ, năm 2011 DNTN Phước Lợi (tại thôn 7, thị trấn Ea Súp) có tờ trình UBND huyện Ea Súp xin trục vớt, tận thu gỗ cành ngọn còn sót lại ở hồ Ea Súp hạ và được chính quyền đồng ý. Tổng khối lượng được trục vớt hơn 1.000m3 gỗ, từ nhóm II đến nhóm VIII. Tổng giá trị tài sản gần 1,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số gỗ khi được vớt lên không được bảo quản ở các kho bãi, mà để tại vườn nhà dân phơi nắng mưa. Cùng với yếu tố tác động của môi trường, lượng lớn gỗ đã bị hao hụt và cách quản lý của chính quyền địa phương theo kiểu “cha chung không ai khóc” khiến hơn 1.000m3 gỗ trên mục nát gần hết.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát số 6 (HĐND huyện Ea Súp), hiện toàn bộ số gỗ trục vớt này còn khoảng 350m3. “Do tài sản không còn nguyên trạng, đa phần bị mục nát… nên việc tổ chức kiểm đếm, đánh giá lại chất lượng gỗ còn lại gặp nhiều khó khăn”- báo cáo nêu.