> Đang điều tra người báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn
> Tuần này, xét xử em trai ông Dương Chí Dũng
Chiều qua (16/12), HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên tử hình các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc; tám bị cáo còn lại trong vụ tiêu cực tại Vinalines lĩnh từ 4 đến 22 năm tù, về các hành vi tham ô và cố ý làm trái.
Hai án cao nhất cho cựu lãnh đạo Vinalines
Theo đó, bị cáo Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines) và Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines) cùng bị tuyên tử hình về hành vi tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt chung tử hình.
Lĩnh án thấp nhất về hành vi cố ý làm trái (4 năm tù) là bị cáo Bùi Thị Bích Loan (SN 1963, cựu Kế toán trưởng Vinalines). Bị cáo Trần Hải Sơn (SN 1960, nguyên Tổng GĐ Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) lĩnh 22 năm tù (14 năm về hành vi tham ô, 8 năm về tội cố ý làm trái) - cao nhất trong nhóm bị cáo lĩnh án tù có thời hạn.
Nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa gồm Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, cựu Chi cục trưởng), Lê Văn Lừng (SN 1959, cán bộ) và Lê Ngọc Triện (SN 1964, cựu Đội trưởng Đội nghiệp vụ) cùng bị tuyên 8 năm tù về hành vi cố ý làm trái.
Ngoài số tiền tham ô bị tuyên sung công quỹ, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc còn bị tuyên phải liên đới cùng các bị cáo khác bồi thường số tiền thiệt hại hơn 366 tỷ đồng do hành vi cố ý làm trái. |
Hai bị cáo Lê Văn Dương (SN 1970, cựu đăng kiểm viên) và Mai Văn Khang (SN 1958, cựu Phó Tổng GĐ Cty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin, thuộc Vinalines) cùng mức án 7 năm tù. Cuối cùng, bị cáo Trần Hữu Chiều (SN 1952, cựu Phó Tổng GĐ Vinalines) 10 năm tù về hành vi tham ô, 9 năm tù về hành vi cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 19 năm tù.
HĐXX nhận định, những sai phạm tại Vinalines gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, làm mất lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của nền kinh tế. Về căn bản, Tòa nhận định, nhiều bị cáo khai nhận không thành khẩn.
Đồng tình với luận tội của đại diện Viện kiểm sát, HĐXX kết luận bị cáo Dương Chí Dũng đóng vai trò chủ mưu trong các dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và thương vụ mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng. Về hành vi tham ô, bị cáo Dũng, Phúc bị kết luận đút túi mỗi người 10 tỷ đồng. Chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Ngô Thị Ánh cũng bác nội dung bào chữa của các luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội, bác đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Ụ nổi 83M |
Kiến nghị xử lý nhiều bộ, ngành
Tại bản án, TAND TP Hà Nội cũng chính thức kiến nghị xử lý các sai phạm ở nhiều bộ ngành, như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Ngân hàng Citibank...
Theo HĐXX, trong quá trình triển khai dự án Nhà máy Sửa chữa tàu biển phía Nam (mua ụ nổi 83M là một trong những nội dung để triển khai dự án), lãnh đạo Vinalines đã báo cáo Bộ GTVT để lãnh đạo Bộ này trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Về mặt nguyên tắc, Chính phủ đã đồng ý triển khai dự án và giao cho Bộ GTVT cập nhật dự án vào quy hoạch phát triển ngành, trình Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT đã “không chịu” cập nhật thông tin, để xảy ra những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, HĐXX kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cũng như phía Bộ GTVT cần nghiêm túc kiểm điểm và xử lý những cá nhân sai phạm.
Về phía Bộ Tài chính, tòa sơ thẩm cũng cho rằng, lãnh đạo bộ này không làm đúng chức trách khi không kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của Vinalines, gây ra những thất thoát lớn. Ở Tổng cục Hải quan, HĐXX nhận định đơn vị này chưa làm thật tốt nhiệm vụ của mình, bằng chứng trong vụ án có tới 3 cán bộ, trong đó có nhiều cán bộ có chức sắc trong ngành “nhúng chàm”. Do vậy, Tòa kiến nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động về hải quan.
Cuối cùng, Tòa hướng những kiến nghị “mạnh” về phía Ngân hàng Citibank. HĐXX kiến nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ những sai phạm, thậm chí là có dấu hiệu hình sự trong việc giải ngân 9 triệu USD cho Vinalines trong thương vụ mua ụ nổi 83M...