Vụ 'đất tặc' đe dọa nhà báo: Vật liệu không đảm bảo buộc phải bóc đi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại diện Bộ GTVT cho biết, nhà thầu sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng, không đúng với phương án được duyệt buộc phải bóc đi làm lại. Trách nhiệm để xảy ra trường hợp này trước hết thuộc về chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát.

Phía nhà thầu nói gì?

Liên quan vụ “đất tặc” đe doạ phóng viên báo Tiền Phong, ngày 1/6, Công an huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đã mời người tố giác là nhà báo Tuấn Nguyễn (Phụ trách Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên) xuống làm việc để xác minh nội dung phản ánh. Ngoài các thông tin đã cung cấp trước đó, nhà báo Tuấn Nguyễn cung cấp thêm nhiều tình tiết trong quá trình tác nghiệp.

Dự án đường Hồ Chí Minh tránh Đông TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, mục tiêu hoàn thành trong năm nay. Trong báo cáo mới đây, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tới cuối tháng 3/2023, tiến độ 2 gói thầu xây lắp chậm 40% so với kế hoạch, nguy cơ không hoàn thành trong năm nay. Dù chủ đầu tư đã thay thế nhà thầu là Cty CP Licogi 166 và điều chuyển khối lượng trong nội bộ liên danh nhà thầu, nhưng tiến độ vẫn không cải thiện.

Theo nhà báo Tuấn Nguyễn, trước khi xảy ra việc bị đe doạ “giết cả nhà”, anh có liên hệ Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, một số nhà thầu đang thi công Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP.Buôn Ma Thuột (đường tránh Đông) để xác minh thông tin. Đáng chú ý, trong số này có một người tên Tân (SĐT: 03546275XX) gọi điện đến cho nhà báo, xin hẹn lên Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên làm việc vào sáng 9/5, nhưng rồi không đến.

Trước đó, nhà báo Tuấn Nguyễn cũng liên hệ với đại diện Tổng Cty Xây dựng T.S - nơi theo ghi nhận có các xe tải chở đất từ vườn nhà ông Hương (thôn 8, xã Ea Ktur) ra san lấp. Đại diện doanh nghiệp này cho biết đã phân công người tên Tân, số điện thoại như trên (liên hệ với Tiền Phong).

Vụ 'đất tặc' đe dọa nhà báo: Vật liệu không đảm bảo buộc phải bóc đi ảnh 1

Công trường Dự án đường Hồ Chí Minh tránh Đông TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang ngổn ngang. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Ngày 31/5, trả lời Tiền Phong về nghi vấn nhà thầu mua đất của hộ dân ở thôn 8 (xã Ea Ktur) qua trung gian để thi công đường tránh Đông (đoạn từ Km9 đến Km11), một đại diện Tổng Cty Xây dựng T.S cho biết đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ thông tin. “Đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định người gọi điện doạ giết nhà báo không phải của công ty. Chúng tôi là doanh nghiệp quân đội, không thể có chuyện cán bộ, nhân viên đi đe doạ nhà báo như vậy. Còn về nghi vấn mua đất của dân để thi công, chúng tôi đang xác minh lại, khi có kết quả sẽ cung cấp cho báo Tiền Phong”, người này nói.

Rà soát, xử lý trách nhiệm các bên liên quan

Liên quan chất lượng vật liệu đất dùng để san lấp nền dự án đường tránh Đông, theo quy định, vật liệu đất làm nền đường phải lấy từ các mỏ đất đã được phê duyệt trong hồ sơ dự án, chất lượng đất được kiểm soát chặt chẽ tại chân công trình. Dự án giao thông này được Bộ GTVT ủy quyền cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Sáng 1/6, trả lời PV Tiền Phong về nghi vấn nguồn gốc và chất lượng đất sử dụng làm nền đường giao thông không đảm bảo (đặc biệt với các dự án được ủy quyền cho địa phương làm chủ đầu tư), ông Lê Quyết Tiến-Cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết: Trước tiên, trách nhiệm thuộc về đơn vị được giao vai trò chủ đầu tư dự án. Chủ đầu tư phải kiểm soát chất lượng vật tư, vật liệu nhà thầu đưa vào công trường. Tiếp đó là Tư vấn giám sát - đơn vị được chủ đầu tư thuê để giám sát nhà thầu thi công. “Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra, giám sát, đưa ra khuyến cáo, nhắc nhở chủ đầu tư, các đơn vị tham gia dự án về đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình. Còn xử lý cụ thể với từng chủ thể sai phạm nếu có trong dự án là trách nhiệm của chủ đầu tư”, ông Tiến nói.

Về kiểm soát chất lượng, tiến độ dự án, ông Tiến thông tin, theo quy định, cơ quan chấp thuận chủ trương và chủ đầu tư là người quản lý, theo dõi, chỉ đạo trực tiếp về tiến độ, chất lượng. Bộ GTVT với vai trò quản lý ngành thường xuyên phối hợp với Bộ Xây dựng hỗ trợ địa phương về kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý dự án.

Thực tế, trước sức ép tiến độ của dự án, trong khi thủ tục về khai thác mỏ kéo dài, có thể dẫn tới nhà thầu sử dụng nguồn đất chưa được kiểm định, mỏ chưa được cấp phép để đưa vào dự án, nguy cơ ảnh hưởng chất lượng công trình. Điều này từng xảy ra tại một số gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Để ngăn chặn điều này, theo đại diện Bộ GTVT, rất cần sự vào cuộc tích cực của địa phương có dự án. “Chất lượng vật tư, vật liệu đưa vào dự án phải đảm bảo. Nếu phát hiện nhà thầu đưa vật tư, vật liệu không đảm bảo vào công trình, chắc chắn phải xử lý, cào bóc phần không đảm bảo và làm lại. Nguồn gốc vật liệu, vật tư đưa vào dự án giao thông phải có sự rà soát, kiểm tra, đánh giá cụ thể”, ông Tiến nói.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.