Vụ đánh bom ở sân bay Kabul là kịch bản ác mộng với Tổng thống Biden

0:00 / 0:00
0:00
Một người bị thương trong đợt tấn công ở sân bay Kabul được đưa đến bệnh viện. (Ảnh: Reuters)
Một người bị thương trong đợt tấn công ở sân bay Kabul được đưa đến bệnh viện. (Ảnh: Reuters)
TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải chứng kiến kịch bản ác mộng xảy ra ở Afghanistan, khi những vụ đánh bom tự sát ở sân bay Kabul khiến ít nhất 12 lính Mỹ thiệt mạng và 15 người khác bị thương.

Ngày 26/8, ông Biden triệu tập các cố vấn quân sự và ngoại giao hàng đầu ở Phòng Tình huống để nhận báo cáo cập nhật hằng ngày về tình hình sơ tán trong hỗn loạn ở Kabul, sau khi các vụ nổ xảy ra ngoài cửa sân bay ở đó. Một số người trong nhóm cố vấn của ông Biden phải mất 2 giờ đồng hồ mới có mặt sau khi nhận yêu cầu triệu tập. Một số người chỉ biết về tình hình lính Mỹ thương vong qua bản tin truyền hình.

“Chúng tôi rất phẫn nộ và đau lòng”, ông Biden nói trong bài phát biểu công khai. Ông tuyên bố sẽ “truy tìm” những kẻ tấn công và gọi những lính Mỹ thiệt mạng là “anh hùng”.

IS nhận trách nhiệm thực hiện cuộc tấn công, khiến cả hàng chục dân thường thiệt mạng.

Khi đang đối mặt với nhiều chỉ trích về cách rút quân quân khỏi cuộc chiến tranh kéo dài 2 thập kỷ, ông Biden cố gắng nhấn mạnh một thông điệp đến dư luận trong nước rằng việc Mỹ rời khỏi Afghanistan là để cứu mạng binh lính Mỹ.

Khoảng 2.500 binh lính Mỹ đã chết ở Afghanistan kể từ năm 2001.

Ông nói rằng càng ở lại lâu hơn, người Mỹ sẽ tiếp tục phải “gửi con trai, con gái, như con trai của tôi đến Iraq, nơi chúng có thể chết. Và điều đó để làm gì?” ông nói với báo chí hôm 20/8.

Phe chỉ trích ông Biden cho rằng tình hình rối loạn hiện nay là do việc rút quân vội vã, khiến những người Mỹ vẫn phải ở lại Afghanistan bị đe doạ. Đợt này 5.200 lính Mỹ được điều động bảo vệ an ninh cho sân bay Kabul để khép lại sự can dự của Mỹ sau 20 năm. Giới chức Mỹ hôm qua cho biết khoảng 1.000 lính Mỹ vẫn ở lại Afghanistan.

“Đây là cơn ác mộng mà chúng tôi lo sợ, và đó lý do vì sao trong nhiều tuần qua, các lãnh đạo quân đội, tình báo và quốc hội của cả hai đảng khẩn cầu tổng thống chống lại Taliban và đẩy họ ra khỏi phạm vi sân bay”, Thượng nghị sĩ Ben Sasse nói.

“Khi chúng ta chờ thêm thông tin chi tiết, một điều đã rõ là chúng ta không thể tin tưởng Taliban để bảo đảm an ninh cho Mỹ”, Thượng nghị sĩ Bob Menendez, chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, chỉ trích chiến lược của ông Biden.

Ông Biden đang triển khai kế hoạch rút hết quân vào ngày 31/8 mà người tiền nhiệm Donald Trump đặt ra. Nhưng khi giới chức Lầu Năm góc cảnh báo những phần tử Hồi giáo cực đoan đang gây nguy cơ an ninh cao ở sân bay, ông Biden từ chối thay đổi thời hạn chót, bất chấp sức ép từ các quốc gia đồng minh.

Một cố vấn giấu tên của ông Biden nói rằng cái chết của các lính Mỹ ở sân bay Kabul vừa qua nhấn mạnh lý do vì sao Tổng thống phải quyết định rút quân và những rủi ro khi Mỹ phải đối mặt nếu tiếp tục ở lại thêm.

Cố vấn cho biết ông Biden còn đối mặt với nhiều rủi ro khác, trong đó có vấn đề chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân chủ.

Là người vốn hoài nghi về sự hiện diện quân sự suốt 20 năm qua của Mỹ ở Afghanistan, ông Biden nói rằng Mỹ từ lâu đã đạt được mục tiêu ban đầu khi tấn công quốc gia này năm 2001: nhổ tận gốc al Qaeda và ngăn chặn một cuộc tấn công khác vào Mỹ giống như sự kiện 11/9/2001.

Trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt trong chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan năm 2011. Chính quyền Taliban hồi đó đã dung túng cho al Qaeda trước khi bị Mỹ lật đổ bằng cuộc tấn công năm 2001.

Sau khi ông Trump dàn xếp một thoả thuận hoà bình với Taliban trước khi hết nhiệm kỳ, ông Biden và nhóm trợ lý vẫn duy trì tiếp xúc với lực lượng này để bảo đảm việc sơ tán của Mỹ diễn ra suôn sẻ.

Những diễn biến mới nhất khiến ông Biden buộc phải hoãn cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng Israel Naftali Bennett và huỷ cuộc họp với một nhóm thống đốc của cả hai đảng về việc cung cấp nơi ở và giúp những người tị nạn Afghanistan định cư.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG