Vụ công an dùng nhục hình: Rõ dấu hiệu “bắt giữ người trái pháp luật”

Chị Ngô Thị Tuyết khóc khi kể về việc em mình bị bắt và đánh chết
Chị Ngô Thị Tuyết khóc khi kể về việc em mình bị bắt và đánh chết
TPO - Tiếp tục phiên tòa xử công an nghi dùng nhục hình làm chết anh Ngô Thanh Kiều, quá trình thẩm vấn tại Tòa đã cho thấy nhiều dấu hiệu của tội “bắt giữ người trái pháp luật”.

Chị Trần Thị Tâm, vợ bị hại Ngô Thanh Kiều nói, chiều ngày 12/5/2012 có nhận được giấy mời anh Kiều về Công an huyện Tây Hòa làm việc, vào lúc 7 giờ sáng ngày 13/5/2012. Lúc nhận giấy, anh Kiều không có ở nhà.

Đến tối, anh Kiều về nhà và bị công an bắt lúc 3 giờ sáng ngày 13/5. “Đến sáng, tôi mới điện thoại cho anh Cường, hỏi vì sao chồng tôi bị bắt, rồi sau đó anh Cường mới đi đầu thú, chứ không phải chồng tôi bị bắt theo lời khai của anh Cường, như cáo trạng ghi”, chị Tâm nói.

Vụ công an dùng nhục hình: Rõ dấu hiệu “bắt giữ người trái pháp luật” ảnh 1

LS Nguyễn Văn Thắng cho chị Tuyết xem ảnh chụp thương tích trên đầu anh Kiều

Cũng như chị Tâm, chị Ngô Thị Tuyết - (chị gái anh Kiều) không đồng ý với nội dung cáo trạng, theo đó anh Kiều bị bắt do đã có lời khai của Trần Minh Cường và Ngô Thanh Sơn về việc anh Kiều tham gia một số vụ trộm cắp. Anh Kiều bị bắt rồi, Cường mới đầu thú, làm sao có lời khai của Cường để bắt Kiều?

Chị Tuyết cũng cho rằng, anh Kiều không bỏ trốn. Theo chị Tuyết, ngày 12/3/2012, anh Kiều ở nhà cha mẹ anh Kiều, đến tối về nhà. Theo giấy mời của công an, lúc 7 giờ sáng ngày 13/5/2012 anh Kiều phải đến Công an huyện Tây Hòa (Phú Yên) để làm việc, tại sao lúc 3 giờ sáng ngày 13/5/2012, công an đã vào nhà anh Kiều để bắt anh Kiều?

“Giấy mời em tôi về Công an huyện Tây Hòa làm việc, nhưng lại do ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng công an xã Hòa Đồng ký, có gì không bình thường không?” Chị Tuyết thắc mắc. Theo chị Tuyết, đã có dấu hiệu rất rõ của tội “bắt giữ người trái pháp luật”.

“Em tôi không có tiền án, không phạm pháp quả tang, không có văn bản nào kết tội em tôi, vậy họ bắt em tôi có đúng không?” Chị Tuyết nói.

Khi kiểm sát viên Phạm Duy Tân nói, Ngô Thanh Sơn đã bị bắt ngày 12/5 và khai việc anh Kiều cùng Sơn và Cường đi ăn trộm, chị Tuyết nhắc lại, Cường đầu thú sau khi biết tin Kiều bị bắt, không phải Kiều bị bắt vì Cường khai Kiều cùng đi ăn trộm, như cáo trạng viết.

Chị Tuyết nhắc lại, bị cáo Lê Đức Hoàn khai, không ra lệnh bắt anh Kiều, mà chỉ đạo mời anh Kiều lên cơ quan công an làm việc, việc bắt giữ anh Kiều lúc 3 giờ sáng ngày 13/5/2012 là ngoài chỉ đạo của ông Hoàn.

Tuy nhiên, chị Tuyết cũng chất vấn, nếu thấy việc bắt anh Kiều chưa đúng, tại sao ngày 13/5/2012 ông Hoàn không ra lệnh bắt anh Kiều, để VKSND phê chuẩn?

Vụ công an dùng nhục hình: Rõ dấu hiệu “bắt giữ người trái pháp luật” ảnh 2

Phạm nhân Trần Minh Cường (trước) và phạm nhân Ngô Thanh Sơn 

Trước đó, ngày 20/3/2013, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt Trần Minh Cường 15 năm tù, Ngô Thanh Sơn 13 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”. Được gọi ra tòa với tư cách nhân chứng, phạm nhân Trần Minh Cường, khai, đã rủ Sơn và Kiều đi trộm cắp khoảng 9 – 10 vụ.

Theo phạm nhân Cường, ngày 11/3/2012 Cường rủ Sơn, Kiều đi thị xã Sông Cầu để dạy Kiều lái xe. Khoảng 1 giờ sáng ngày 12/5/2012, Cường lái xe ô tô thuê đến ngã ba đầu thị xã Sông Cầu, nói có cái nhà kia mở cửa, để Cường vào xem có tiền không, Sơn và Kiều cứ ở trong xe.

Khoảng 3 giờ sáng cùng ngày, Cường lấy được ở nhà bà Thuẫn một số tiền (Cường không biết là bao nhiêu) và 4 – 5 cái ĐTDĐ, Cường mang ra ô tô, Sơn và Kiều vẫn ngủ. Lúc đó, Cường thấy có nhiều công an, liền đưa túi đựng đồ ăn trộm cho Sơn, rồi lái xe chạy về thành phố Tuy Hòa.

Đến sau trường Cao đẳng Nghề Phú Yên ở đường Trường Chính, Cường bảo Sơn, Kiều gọi xe taxi mà đi, còn Cường về nhà. Trước khi chia tay, Cường dặn Sơn, Kiều cứ ở yên, để ngày 13/5 Cường sẽ đi đầu thú về tội vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Nhưng đến khoảng 4 giờ sáng ngày 13/5, khi nghe chị Tâm gọi điện thoại báo tin Kiều bị bắt, Cường rất bất ngờ. Đến 7 giờ 30 ngày 13/5, Cường đến Công an thành phố Tuy Hòa đầu thú. Lúc đầu, Cường chỉ khai nhận tội vi phạm quy định về an toàn giao thông. Đến đầu giờ chiều ngày 13/5/2012, khi cán bộ công an cho xem lời khai của Sơn về việc ăn trộm, Cường mới khai nhận việc ăn trộm.

Yêu cầu giám định lại


“Mẫu phủ tạng em tôi được lấy, bảo quản đúng quy trình, tại sao ruột non và tinh hoàn lại hoại tử”? Chị Tuyết bức xúc nói. Trong buổi sáng ngày 9/4, chị Tuyết đã trình bày khá rành mạch về việc khám nghiệm tử thi em trai mình. Theo chị, trên đầu anh Kiều có nhiều hơn 3 vết thương, trên người anh Kiều có tổng cộng 72 vết thương, không phải 63 vết như cáo trạng ghi.

Với trình độ trung cấp y, chị Tuyết thấy việc khám nghiệm ban đầu khá sơ sài, nên yêu cầu mở da đầu và mổ tử thi, từ đó mới phát hiện thêm nhiều dấu vết thương tích. “Ngay khi thấy tinh hoàn em tôi bị bầm dập, tôi đã nghĩ đến khả tình huống em tôi mình bị đánh dập dái đến chết". Chị Tuyết nói.

Theo chị Tuyết, chị chứng kiến toàn bộ quá trình cơ quan giám định lấy các mô nội tạng anh Kiều, chính chị đã mang bình đựng các mô này tới nơingâm foóc-môn, bao giấy niêm phong bình và chị ký tên vào giấy niêm phong. Tuy nhiên, việc có biên bản mở niêm phong hay không, chị không biết.

Theo chị, việc ruột non và tinh hoàn anh Kiều bị hoại tử là điều rất đáng ngờ, đề nghị HĐXX làm rõ và tổ chức giám định lại, để làm rõ sự thật vụ án, làm rõ em trai chị bị chết do nguyên nhân gì. “Cần làm rõ có ai nữa đánh em tôi không, có ai bị thông cung đổ tội không, có lọt tội không?” Chị Tuyết đề nghị.

Chị Tuyết nói thêm, từ sau khi vụ án xảy ra và chị lên tiếng quyết liệt, chị và gia đình đã bị đe dọa bằng nhiều hình thức, khiến cuộc sống bất an. Các bị cáo và ngời nhà họ có đến nhà chị đưa một số tiền và yêu cầu gia đình bãi nại. Nhưng chị không đồng ý bãi nại, vì thấy họ chưa thực sự ăn năn hối cải.

“Họ bị đình chỉ, nhận 50% lương, đi du lịch Đà Lạt, Đại Nam rồi đăng ảnh lên facebook, có phải là ăn năn hối cải không? “ Chị Tuyết nói. Chị đề nghị xem xét khởi tố tội danh “Cố ý gây thương tích” và “giết người” đối với các bị cáo.

MỚI - NÓNG