Vụ công an đánh chết người: Đề nghị triệu tập Phó công an Tuy Hòa

Bị cáo Đỗ Như Huy cúi đầu xin lỗi gia đình nạn nhân
Bị cáo Đỗ Như Huy cúi đầu xin lỗi gia đình nạn nhân
TP - Ngày 27/3, tiếp tục xét xử vụ công an đánh chết nghi phạm, bị cáo chính Nguyễn Thân Thảo Thành bác bỏ kết luận của cáo trạng, trong khi lời khai của các bị cáo và nhân chứng bộc lộ nhiều mâu thuẫn.

“Van xin nên không đánh”

Buổi sáng mở đầu với phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên cán bộ Công an TP Tuy Hòa - bị cáo duy nhất trong vụ án này bị tạm giam). Theo cáo trạng, Thành là người cầm gậy bổ lên đầu, làm chấn thương sọ não, gây ra cái chết cho anh Ngô Thanh Kiều, bị truy tố khung hình phạt cao nhất trong số các bị cáo, mức án 5-12 năm tù (khoản 3 Điều 298 BLHS).

Trước tòa, bị cáo Thành không đồng tình với cáo trạng, phủ nhận mọi cáo buộc của cơ quan điều tra: “Hôm đó, tôi không biết Ngô Thanh Kiều là ai, có sai phạm gì hay không vì tôi không biết vụ án đó, tôi không có nhiệm vụ xét hỏi mà chỉ có nhiệm vụ canh giữ Kiều theo sự phân công của lãnh đạo Công an thành phố”. Đồng thời, bị cáo này tố các đồng đội của mình đã thay phiên đánh đập anh Kiều.

Bị cáo Thành khai: “Khi vào phòng tạm giữ thì thấy trong đóng cửa, không bật quạt, người anh Kiều ướt đẫm mồ hôi, ngồi gục xuống ghế. Hai tay Kiều bị còng ra sau dính vào ghế, hai chân cũng bị còng. Tôi thấy Nguyễn Tấn Quang dùng chân đạp vào anh Kiều, còn một người khác dùng tay đập vào tay Kiều đang bị còng. Ăn cơm xong, tôi vào thì thấy Nguyễn Minh Quyền và Phạm Ngọc Mẫn tiếp tục đánh anh Kiều. Quyền cầm gậy cao su quật liên tục vào người anh Kiều nên tôi bỏ ra ngoài”.

Tại tòa, các bị cáo đều cho rằng việc đánh vào chân, đùi anh Kiều không gây ra thương tích dẫn đến cái chết, phủ nhận việc gây ra các vết thương ở vùng đầu, bụng nạn nhân. Riêng bị cáo Huy cho rằng chỉ “gõ nhẹ” vào đùi Kiều một cái để người này tập trung trả lời. Đồng thời, các bị cáo đã cúi đầu, xin lỗi người nhà nạn nhân.

“Khi anh Nguyễn Trần Nguyên Phúc phân công tôi vào canh giữ Kiều, tôi hỏi vài câu nhưng anh Kiều không nói. Tôi cầm gậy cao su để trên bàn định đánh thì anh Kiều van xin, nói: “Xin anh đừng đánh em. Sáng giờ em bị đánh bầm dập lắm rồi” nên tôi không đánh. Lần thứ ba tôi vào, thấy môi anh Kiều bị chảy máu.

Lúc này, Nguyễn Tấn Quang dùng gậy cao su đánh rất nhiều cái vào người anh Kiều chứ không phải vài cái như bị cáo này khai. Khi tôi được anh Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, chỉ định dẫn giải Kiều đến Công an tỉnh thì anh Kiều đã gục lên gục xuống” - bị cáo Thành khai tiếp.

Đề nghị triệu tập phó công an TP Tuy Hòa

Trả lời các câu hỏi của HĐXX và của đại diện Viện KSND TP Tuy Hòa, bị cáo Thành cũng phủ nhận các biên bản ghi lời khai đối chất trước đây của điều tra viên. “Khoảng 14 giờ, tôi trở lại phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp thì thấy Mẫn đứng sau lưng Kiều, Quang đứng đối diện, còn Kiều nằm dưới đất, đầu ngả về hướng tây bắc, chân ở hướng đông nam. Quang cúi xuống mở còng cho anh Kiều. Tôi khẳng định lời khai của các bị cáo khác trong ngày hôm qua đều không đúng sự thật”.

Để làm rõ lời khai của các bị cáo, thẩm phán Lý Thơ Hiền, chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo Nguyễn Minh Quyền, Nguyễn Tấn Quang đối chất với bị cáo Thành về thời gian ra vào phòng giữ anh Kiều, vị trí anh Kiều ngồi. Các bị cáo thừa nhận “lời khai ngày hôm qua là nhầm, hôm nay khai mới đúng”.

Trong khi đó, nhân chứng Hà Văn Đại (Công an TP Tuy Hòa) tiếp tục khẳng định tận mắt nhìn thấy Thành dùng dùi cui đánh anh Kiều 2-3 cái từ trên xuống, có nghe anh Kiều kêu la. Nhưng khi nghe luật sư bào chữa cho bị cáo Thành hỏi tại sao trước đây, anh không nhìn thấy ai đánh anh Kiều, bây giờ anh lại khai thấy Thành đánh anh Kiều, ông Đại trả lời: “Những lời khai trước đây do nôn nóng, bất ngờ. Với lại vụ án xảy ra quá lâu nên nay tôi nhớ lại nên khai mới chính xác!”.

Còn nhân chứng Trần Khải Hoàn (Công an TP Tuy Hòa) khai: “Lúc đó, gần 12 giờ, khi đang ăn cơm tôi có nghe một tiếng kêu nhưng không biết của anh Kiều hay của cán bộ đang làm việc. Sau khi ăn cơm xong, tôi vào phòng điều tra tổng hợp để lấy giấy tờ”. Nhưng khi tòa hỏi vì sao thời gian trong lời khai này khác lời khai với Viện KSND Tối cao trong giai đoạn điều tra, ông Hoàn giải thích: “Trước đây khai với Viện KSND Tối cao không chính xác”.

Cuối buổi sáng, luật sư Võ An Đôn, đại diện gia đình bị hại, tiếp tục đề nghị tòa ra quyết định dẫn giải ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, đến tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng, song chủ tọa phiên tòa Lý Thơ Hiền nói: “Đã hết giờ làm việc buổi sáng. Để chiều ý kiến”.

Buổi chiều tòa cho các nhân chứng và bị cáo tập trung đối chất nhau, nhằm làm rõ hành vi của các bị cáo, đồng thời làm rõ việc cơ quan điều tra có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hay không?

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.