Qua theo dõi vụ việc cô giáo ở trường tiểu học Bình Chánh (Long An) bị phụ huynh ép quỳ 40 phút, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, dư luận có lý do để phẫn nộ, giận dữ hướng đến cách hành xử của một số phụ huynh. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chủ quản cũng đã lên tiếng, chỉ đạo xử lý vụ việc nhưng dường như câu chuyện đau lòng này vẫn chưa lắng xuống.
Dư luận phần lớn bức xúc theo hướng lên án đối với hành vi ép cô giáo quỳ gối như một cách trả thù, thỏa mãn tâm lý giận dữ của một số vị phụ huynh vì thương con, xót con. Không ít ý kiến của người lớn đồng thuận, chấp nhận việc giáo viên có quyền sử dụng các hình phạt với con em mình ở lớp học, miễn là với mục đích giáo dục bọn trẻ nên người.
“Sự việc vừa rồi, cá nhân tôi lại nhìn nhận theo hướng soi chiếu pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, quyền con người trong bối cảnh của nền giáo dục ở nước ta hiện nay. Tôi cứ nghĩ đến những em học sinh phải chịu hình phạt của cô giáo. Tôi quan tâm đến ánh mắt, suy nghĩ của những đứa trẻ khi chứng kiến cảnh cô giáo mình phải quỳ gối trong lớp học hôm ấy. Nó chẳng khác nào cả cô lẫn trò đang phải cùng gánh chịu một hình phạt còn ghê gớm hơn đòn roi, đó là bạo hành về tinh thần, ngược đãi về thể xác.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, cho dù là ai, người lớn hay trẻ em, giáo viên hay học sinh phải quỳ gối trước bao nhiêu cặp mắt, tự nguyện hay ép buộc cũng là một hành động không thể chấp nhận được”, Phó giám đốc Sở Lao động tỉnh Phú Yên, phụ trách lĩnh vực trẻ em, bình đẳng giới và công tác xã hội về trẻ em nêu quan điểm.
Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi: Tại sao giáo viên sai và bị ép quỳ được xem là hạ nhục, vi phạm quyền con người, còn học sinh sai bị phạt quỳ trước mặt các bạn mình lại được dễ dàng chấp nhận? Cùng một hành vi nhưng một cái được gọi là trừng phạt, một cái thì gọi là xử phạt, một bên được xem là nạn nhân, một bên thì không.
“Tôi cho rằng, cần phân định rạch ròi và công tâm giữa hình thức xử phạt tích cực với trừng phạt tiêu cực. Nếu không khéo sẽ dẫn đến sự xung đột về quyền con người trong lĩnh vực giáo dục và cả những lĩnh vực khác có liên quan đến trẻ em.”, đại biểu Hiền nói.
Thứ nữa, nếu như giáo viên kia là một thầy giáo, liệu có bị phụ huynh tạo sức ép phải quỳ gối 40 phút như vậy không?
“Tôi thật sự xót xa khi được biết rằng, cô giáo ấy vừa đi làm lại sau kỳ nghỉ chế độ thai sản. Tôi khẳng định rằng, đó không phải là một câu hỏi thừa. Những sự việc xảy ra gần đây cho thấy rằng, ở đâu đó trong xã hội này, sự vô cảm, phân biệt đối xử về giới vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu trong ngành giáo dục vẫn tồn tại việc nữ giới vẫn mặc nhiên là đối tượng yếu thế.
Một nền giáo dục nhân bản văn minh, một xã hội hiện đại thượng tôn pháp luật mà vẫn ngang nhiên tồn tại phương cách giáo dục nhiều nghịch lý, giữa hiểu biết pháp luật và hành xử, giữa nhận thức và hành động, không lấy con người làm trung tâm thì chắc chắn sẽ tạo ra những sản phẩm giáo dục vô cùng tồi tệ”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho hay.