Vụ chở cây 'khủng': Ai chịu trách nhiệm xác nhận nguồn gốc cây?

Người xác nhận về nguồn gốc cây phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của cây "khủng" trước pháp luật
Người xác nhận về nguồn gốc cây phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của cây "khủng" trước pháp luật
TPO - Người đại diện cơ quan nhà nước xác nhận nguồn gốc cây “khủng”... phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác và nguồn gốc hợp pháp khi xác nhận.

Liên quan đến những cây "kỳ quái" nghêng ngang trên quốc lộ đang được tạm giữ tại Thừa Thiên-Huế, theo Cục Kiểm lâm, việc xác nhận nguồn gốc ban đầu của cây phải tuân thủ theo Quyết định 39 (ngày 5/10/2012) của Thủ tướng về Ban hành Quy chế Quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ.

Quy chế này quy định về quản lý vận chuyển, cất giữ, kinh doanh; xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập - tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ.

Theo đó, cây cảnh, cây bóng mát được quy định cụ thể gồm những cây thân gỗ có cả rễ, thân, cành, có hoặc không có lá, đường kính thân cây tại vị trí sát gốc (vị trí vết mặt đất cây mọc tự nhiên) từ 25 cm trở lên và chiều dài thân cây từ vị trí sát gốc đến vị trí phân cành từ 1 mét trở lên.

Cây cổ thụ gồm những cây thân gỗ có cả rễ, thân, cành, có hoặc không có lá; có độ tuổi trên 50 năm hoặc đường kính thân cây tại vị trí 1,3 m từ 50 cm trở lên.

Quy chế  trên cũng phân cấp việc xác định nguồn gốc của các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ cho từng cơ quan thẩm quyền.

“Nếu phát hiện cá nhân nào thuộc lực lượng kiểm lâm sai phạm, tiếp tay cho vụ việc này, thì phải xử lý ngay. Nếu người vi phạm không thuộc lực lượng kiểm lâm thì báo cáo cơ quan chức năng xử lý”-Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.

Theo đó, Hạt Kiểm lâm cấp huyện hoặc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ở những địa phương không có Hạt Kiểm lâm cấp huyện xác nhận trong trường hợp: Cây có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên, rừng trồng tập trung trong nước của tổ chức xuất ra; cây có nguồn gốc nhập khẩu được gây trồng của tổ chức, cá nhân xuất ra và cây sau xử lý tịch thu của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra.

Hạt Kiểm lâm khu rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm khu rừng phòng hộ xác nhận cây xuất ra có nguồn gốc khai thác hợp pháp trong khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ và cây sau xử lý tịch thu theo thẩm quyền xử lý của mình.

UBND xã, phường, thị trấn xác nhận trong các trường hợp: Cây có nguồn gốc khai thác từ vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán của tổ chức xuất ra; cây có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, rừng trồng tập trung, vườn nhà, trang trại, trồng phân tán của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra.

Vụ chở cây 'khủng': Ai chịu trách nhiệm xác nhận nguồn gốc cây? ảnh 1 Lực lượng kiểm lâm tiếp tục xác minh chủ hàng và nguồn ngốc của 3 cây khủng

Cũng theo Quy chế này, trong trường hợp cần phải xác minh về nguồn gốc của cây trước khi xác nhận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho chủ cây biết và tiến hành xác minh những vấn đề chưa rõ về hồ sơ, nguồn gốc, số lượng, khối lượng, loài cây. Kết thúc xác minh phải lập biên bản. Sau khi xác minh, nếu không có vi phạm thì tiến hành ngay việc xác nhận.

Trường hợp xác minh phát hiện có vi phạm thì phải lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Quy chế trên cũng quy định rõ, người đại diện cơ quan nhà nước xác nhận phải ghi ý kiến xác nhận của mình về các nội dung do chủ cây đã ghi trong hồ sơ, kể cả số, ngày, tháng, năm ghi trong hoá đơn kèm theo, biển kiểm soát của phương tiện vận chuyển (nếu có).

Người xác nhận cũng ghi rõ ngày, tháng, năm xác nhận; ký, ghi rõ họ tên, chức vụ, đóng dấu của cơ quan tại bảng kê, chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác và nguồn gốc cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ hợp pháp khi xác nhận.

Trường hợp xác nhận nguồn gốc cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ của UBND xã (đối với xã có kiểm lâm địa bàn), còn phải có thêm chữ ký của Kiểm lâm địa bàn tại bảng kê. Kiểm lâm địa bàn cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác và nguồn gốc hợp pháp của cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ.

MỚI - NÓNG