Vụ cháy lớn trên đường La Thành: Nhiều người thuê trọ bơ vơ

Vụ cháy đã thiêu rụi hàng chục phòng trọ của người nhà và bệnh nhân Bệnh viện Nhi T.Ư thuê cùng khoảng 8 ngôi nhà mặt đường La Thành
Vụ cháy đã thiêu rụi hàng chục phòng trọ của người nhà và bệnh nhân Bệnh viện Nhi T.Ư thuê cùng khoảng 8 ngôi nhà mặt đường La Thành
TP - Vụ cháy lớn tối 17/9 đã thiêu rụi hàng chục phòng trọ của người nhà và bệnh nhân Bệnh viện Nhi T.Ư thuê cùng khoảng 8 ngôi nhà mặt đường La Thành (phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) khiến nhiều người mất nơi trú ngụ, phải ngủ trong ghế đá bệnh viện, nhà văn hóa của phường hay đi ở nhờ người thân…

Lực lượng chữa cháy đến chậm?

Ngày 18/9, phóng viên Tiền Phong trở lại nơi xảy ra vụ cháy lớn trên đường La Thành (quận Ba Đình, Hà Nội). Nhiều người dân phản ánh công tác chữa cháy chậm dẫn đến thiệt hại lớn về tài sản. Ông Hân, một người dân cho biết, thời điểm xảy ra cháy ngọn lửa bùng phát từ khu nhà trọ và lan sang dãy nhà cao tầng ngoài đường La Thành. “Lúc này ngọn lửa bén vào tầng thượng được sử dụng làm kho chứa hàng hóa nên đã bốc lên dữ dội khiến 6 người trong gia đình tôi chỉ kịp chạy ra ngoài thoát thân mà không cứu được tài sản”, ông Hân cho biết.

Theo ông Hân, điều đáng nói từ khi gia đình ông chạy thoát ra ngoài thì khoảng 30 phút sau mới có 1 xe chữa cháy đến dập lửa nhưng chỉ phun được một lúc thì hết nước, sau đó một số xe khác mới đến hiện trường. Ngoài ra người dân cũng phản ánh, trụ nước chữa cháy trên vỉa hè tại khu vực trên cũng không có nước và lực lượng PCCC phải dùng máy bơm công suất lớn hút nước từ hồ Ngọc Khánh lên dập lửa. Anh Vũ Văn Hệ cũng phản ánh việc xe chữa cháy đến rất chậm. Khi mọi người trong khu trọ phát hiện ra cháy và hô hoán nhau chạy ra ngoài thì gần 1 tiếng sau chỉ có một chiếc xe chữa cháy ở khu vực đường La Thành và phía trong dãy nhà trọ lối vào cổng Viện Nhi không có chiếc xe nào tới.

Liên quan đến vụ việc trên, một đại điện Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) công an quận Ba Đình, đơn vị phụ trách địa bàn trên cho biết, ngay khi nhận được tin báo cháy lúc 17h58 xe chữa cháy của Đội cảnh sát PCCC quận Đống Đa gần vị trí đám cháy nhất đã đến hiện trường dập lửa nên không có việc xe chữa cháy đến chậm. “Tuy nhiên, đám cháy bùng phát vào thời điểm giờ tan tầm nên các phương tiện lưu thông qua đường La Thành rất đông, do đó các phương tiện chữa cháy như xe cứu hỏa di chuyển rất khó khăn tiếp cận hiện trường”, vị cán bộ Đội PCCC Ba Đình nói.

Vị này cũng cho biết, khu vực xảy ra cháy có nhiều hộ kinh doanh buôn bán rèm, đệm mút, gỗ trên mặt đường La Thành cùng với đó khu nhà trọ chứa nhiều vật liệu dễ cháy khiến lửa bùng lên nhanh chóng gây khó khăn công tác chữa cháy. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau khi đám cháy xảy ra lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế và sau đó đám cháy có bùng phát trở lại và đến 2h sáng thì đám cháy được dập tắt hoàn toàn. “Thời điểm đó đã có 16 xe chữa cháy, xe tiếp nước, xe cứu nạn cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an Hà Nội) cùng các Đội PCCC&CNCH thuộc quận Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ,… được huy động đến hiện trường dập lửa. Cùng với đó là khoảng 200 cán bộ chiến sĩ PCCC&CNCH và các lực lượng quân đội, công an… hỗ trợ chữa cháy”, vị cán bộ Đội PCCC Ba Đình cho hay.

Đang điều tra nguyên nhân

Trao đổi tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 18/9, ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, 17h58 phút ngày 17/9, tại khu vực sau số nhà 889 đường La Thành xảy ra cháy, sau đó lan ra 8 nhà liền kề mặt đường La Thành từ số nhà 891 đến 907 và khu vực dốc Bệnh viện Nhi T.Ư. Sau khi nhận được tin báo, Đội cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn công an quận Ba Đình đã huy động 2 xe chữa cháy và nhiều cán bộ phòng cảnh sát PCCC công an quận. Ban chỉ đạo PCCC quận Ba Đình do ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận đã chỉ đạo huy động lực lượng đội CSGT số 2, Ban chỉ huy quân sự quận, công an và lực lượng dân phòng các phường Cống Vị, Liễu Giai, Thành Công, Giảng Võ và các phường lân cận phân luồng giao thông tham gia chữa cháy và bố trí lực lượng y tế tham gia sẵn sàng cứu chữa người bị thương. Đồng thời bố trí các lực lượng bảo vệ hiện trường, hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc.

Theo ông Dũng, sau đó, UBND quận đã báo cáo khẩn cấp với công an thành phố Hà Nội và đại tá Nguyễn Tuấn Anh, PGĐ công an thành phố trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị hỗ trợ gồm Bộ Tư lệnh Thủ đô, công an các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm tăng cường lực lượng khoảng 13 xe chuyên dụng tham gia chữa cháy với gần 200 cán bộ, chiến sĩ.

Đến 20h30 phút, đám cháy lớn cơ bản được khống chế còn một số vị trí có nguy cơ bùng cháy trở lại các lực lượng tiếp tục ứng trực tại hiện trường xử lý các khu vực này. Trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí về công tác 4 tại chỗ, ông Dũng khẳng định, các lực lượng đã phối hợp xử lý chữa cháy ban đầu. Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến, các lực lượng này tham gia hỗ trợ, phối hợp chữa cháy cùng. “Đáng chú ý là phải sử dụng nguồn nước đấu nối tận hồ Ngọc Khánh. Rất may hồ Ngọc Khánh gần nên có lượng nước rất lớn”, ông Dũng nói. 

Bơ vơ người thuê trọ

Theo ông Dũng, ngay sau khi vụ cháy được khống chế, UBND quận đã chỉ đạo công an quận, Ban chỉ huy quân sự quận, UBND phường Ngọc Khánh và các đơn vị liên quan tổ chức thông báo, bố trí cho các hộ dân ảnh hưởng bởi vụ cháy đến tạm trú tại nhà văn hóa phường trên phố Phạm Như Thông và cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết. Tối 17/9 đã có 26 người gồm 19 người lớn và 7 trẻ em được bố trí kịp thời. Thống kê sơ bộ, 19 căn nhà bị cháy gồm 31 hộ và 99 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Ghi nhận tại hiện trường ngày 18/9, nhiều người thuê trọ chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện và một số hộ dân trên đường La Thành ảnh hưởng của vụ cháy vẫn chưa được về nhà. Toàn bộ khu vực xảy ra cháy được cơ quan chức năng phong tỏa khám nghiệm.

Gương mặt chưa hết hoảng loạn, anh Nguyễn Duy Hoàng (quê Quảng Nam) cho biết, gia đình từ Quảng Nam ra Hà Nội thuê trọ để điều trị cho con gái bị rối loạn đông máu tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Theo anh Hoàng, tối qua gia đình anh phải ngủ lại trong Bệnh viện Nhi T.Ư do không còn nơi nào khác để đi. “Tôi để cháu nằm ngủ trên ghế đá còn hai vợ chồng ngồi trông. Cả đêm hai vợ chồng không ngủ được và chưa biết tối nay ở đâu vì không thể về Quảng Nam được do cháu bị rối loạn đông máu bác sĩ không cho về”, anh Hoàng rơm rớm chia sẻ.

Còn anh Vũ Văn Anh Hệ (35 tuổi, quê Nghệ An) đang thuê trọ để trông con điều trị tại bệnh viện cũng trắng tay sau vụ cháy. Anh cho biết, lúc xảy ra cháy anh đang tắm thấy mọi người hô hoán nên chạy ra ngoài kiểm tra. “Lúc đó ngọn lửa bén nhanh quá nên tôi chỉ kịp lấy tập hồ sơ bệnh của con và chạy ra ngoài thoát thân. Khi lấy bình cứu hỏa quay lại chữa cháy thì lửa bùng lên dữ dội không làm gì được”, anh Hệ nói. Người đàn ông này cũng cho biết đã 4 năm ở Hà Nội thuê trọ tại khu vực trên để điều trị bệnh cho con. “Hiện tại tôi chẳng còn gì, toàn bộ máy thở oxy, máy hút đờm, máy xông, bỉm, sữa,… được mua bằng tiền đi vay mượn đã bị cháy rụi”, anh Hệ rơm rớm nước mắt kể. Cũng giống những người thuê trọ, một số hộ dân sống trên đường La Thành phải sơ tán đi nơi khác ở do bị ảnh hưởng vụ cháy. Đến chiều 18/9 họ vẫn chưa được vào trong nhà thu dọn, hầu hết tài sản bên trong bị lửa làm hư hỏng. Cách khu vực xảy ra cháy không xa, nhiều người mang các vật dụng cá nhân, đồ ăn như quần áo, bánh mỳ, sữa,… giúp đỡ những người thuê trọ bị ảnh hưởng trong vụ cháy.

Một đại điện Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ công an quận Ba Đình, đơn vị phụ trách địa bàn trên cho biết, ngay khi nhận được tin báo cháy lúc 17h58 xe chữa cháy của Đội cảnh sát PCCC quận Đống Đa gần vị trí đám cháy nhất đã đến hiện trường dập lửa, nên không có việc xe chữa cháy đến chậm.

MỚI - NÓNG