Vụ "chạy chức" ở Cà Mau: Không báo ngay cho cơ quan pháp luật là sai

Vụ "chạy chức" ở Cà Mau: Không báo ngay cho cơ quan pháp luật là sai
Xung quanh vụ bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nộp 100 triệu đồng tiền "chạy chức", luật sư Trương Xuân Tám , Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nói như vậy.

Dưới góc độ pháp lý, việc "chạy chức, chạy quyền" thực chất chính là hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Tuy nhiên, việc tìm ra được các chứng cứ của những vụ việc này cực kỳ khó khăn, vì cả người đưa lẫn người nhận đều chẳng dại gì để lộ ra bên ngoài, vừa mất tiền vừa phải chịu tù tội.

Trong vụ "chạy chức" 100 triệu đồng đối với bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ rất rõ. Người đưa tiền cho bí thư nhằm mục đích đạt được chức vụ gì đó đã đầy đủ yếu tố cấu thành hành vi "đưa hối lộ", việc đưa tiền đã xong nên có thể coi tội phạm đã hoàn thành. Về phía bí thư Tỉnh ủy Cà Mau thì chính chức vụ của ông đã khiến ông được người ta đưa tiền, bởi bình thường giữa người dân với nhau hiếm có ai được người khác tặng cho chục triệu đồng chứ đừng nói là hàng trăm triệu đồng.

Pháp luật có qui định: khi việc đưa, nhận hối lộ chưa bị phát giác mà người nào chủ động báo cho cơ quan pháp luật thì có thể được xem là không có tội hoặc trường hợp có tội thì được miễn trách nhiệm hình sự.

Việc gia đình ông bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã nhận 100 triệu đồng "quà biếu" của một đối tượng chạy chức, nhưng ông bí thư không báo ngay cho cơ quan pháp luật xử lý mà sau đó mới báo là không đúng qui định của pháp luật.

Hơn nữa khi báo cáo, ông bí thư lại không công khai ngay tên người "chạy chức" cho chính cấp ủy của mình là không minh bạch. Việc này dễ khiến dư luận hoài nghi, phải chăng người đưa tiền có ghi âm, gài độ gì thì ông bí thư mới mang nộp tiền cho cơ quan? Và liệu đó có phải là trường hợp duy nhất có người biếu tiền chạy chức tới bí thư hay không?

Việc "chạy chức" này lùm xùm đã lâu nhưng các cơ quan pháp luật chưa vào cuộc để xác minh có hay không hành vi đưa, nhận hối lộ, mà còn đợi các cán bộ nhận tiền tường trình, báo cáo, rồi đợi cơ quan Đảng, chính quyền xem xét là thể hiện việc làm chậm trễ.

Không được lấy tiền biếu xén để làm từ thiện

Việc chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhận tiền, quà biếu rồi dùng số tiền nhận được để làm từ thiện này nọ cũng không ổn về mặt pháp luật. Từ trước đến nay, không có qui định nào cho phép việc lập "quĩ” từ tiền biếu xén dưới bất cứ hình thức nào.

Có thể thấy khi biếu xén, quà cáp người đưa đã nhắm đến người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích làm người đó đáp ứng nhu cầu, lợi ích cho mình, người đưa đã hoàn thành tội đưa hối lộ. Mà khi người có chức vụ quyền hạn đã nhận, tức cũng đã hoàn thành xong tội nhận hối lộ thì dù sau khi nhận tiền có sử dụng số tiền đó vào mục đích nhân đạo nào cũng là trái pháp luật. Không thể lấy việc làm từ thiện để hợp pháp hóa cho hành vi đưa, nhận hối lộ trước đó.

Nếu cán bộ liêm khiết thì phải từ chối thẳng thừng mọi khoản quà cáp, biếu xén "trên mức tình cảm". Không thể cứ ung dung nhận rồi đưa vào một quĩ nào đó, vì chẳng có ai kiểm soát được cái "quĩ” từ thiện kiểu này. Nếu thấy người nào đưa tiền có dấu hiệu đưa hối lộ thì phải báo cáo ngay với cơ quan pháp luật lập biên bản. Khi đó, số tiền tang vật đưa hối lộ cũng sẽ bị tịch thu và sung công quĩ nhà nước.

Theo Chi Mai
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG