Vụ án Vườn điều: Huỷ án sơ thẩm (lần 2), đề nghị Bộ CA điều tra

Vụ án Vườn điều: Huỷ án sơ thẩm (lần 2), đề nghị Bộ CA điều tra
Trước Toà, chồng nạn nhân Dương Thị Mỹ là ông Huỳnh Ngọc Bửu và các con đều khai “không nhớ, không biết” hoặc khai mâu thuẫn với lời khai của họ trong các bút lục được lập ngay sau ngày bà Mỹ bị giết 21/5/1993.

Vợ chồng Hoàng - Bảo, những người đầu tiên nói rằng bà Mỹ bị giết do đánh ghen cũng phủ nhận lời khai của gia đình bà Mỹ về điều này.

Tuy nhiên, nhân chứng được quan tâm nhiều nhất là Trần Thị Kim Yến, người nhận là đã viết “lá thư định mệnh”. Yến khai sinh đứa con thứ ba ngày 26/3/1993, viết thư giùm bà Mỹ 20 ngày sau  ngày này. Thời điểm này rất không phù hợp với thời điểm bà Mỹ bị giết là đêm 18/5/1993.

Kiểm sát viên Võ Văn Thêm giữ quyền công tố tại Toà sửa thay cô Yến, rằng cô tính ngày theo âm lịch. Yến nói rõ hơn, ngày cô sinh con là 26 tháng Ba (nhuận) âm lịch 1993 và khẳng định lời khai này là đúng.

Các LS xác minh qua tổng đài 1080 TP Hồ Chí Minh, ngày 26/3 (nhuận) là ngày 17/5/1993, 20 ngày sau là ngày 6/6/1993, sau khi bà Mỹ bị chết 3 tuần! Đây là cơ sở rõ ràng nhất trong nhiều cơ sở để các LS khẳng định Yến là nhân chứng giả, “lá thư định mệnh” là sản phẩm bịa đặt.

Nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng - Người bị tố cáo dùng các biện pháp bức cung nhục hình với các bị cáo - ra trước toà với thái độ có phần ngạo mạn. Ông Hùng còn lớn tiếng “tôi lưu ý LS” khi bị LS hỏi, khiến thẩm phán Phạm Hùng Việt phải nghiêm khắc nhắc nhở về tư cách tại Toà.

Thái độ của ông Hùng trước hàng trăm người có mặt tại Toà khiến người ta phải nghĩ, việc các bị can bị cáo tố cáo ông ta đánh đập là có cơ sở…

Trong phần tranh luận, Kiểm sát viên Võ Văn Thêm cho rằng vật chứng vụ án chưa rõ, lời khai của các bị cáo và các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn, một số người có thể liên quan tới vụ án đã đi khỏi địa phương, cần làm rõ lời khai của nhân chứng Kim Yến… Do vậy ông đề nghị HĐXX phúc thẩm huỷ toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại.

Các LS nêu nhiều điều bất bình thường trong vụ án này (vật chứng không xác định được, nhân chứng giả, ngay từ đầu đã áp đặt gia đình bà Lâm phạm tội từ lời khai thiếu căn cứ về quan hệ của Trần Văn Sáng với bà Mỹ, bỏ ngoài hồ sơ những chứng cứ có lợi cho các bị cáo…). Dấu hiệu vi phạm quy định về tố tụng trong quá trình điều tra vụ án này cũng khá rõ ràng.

Họ đồng ý với việc phải huỷ án sơ thẩm, nhưng đề nghị tuyên các bị cáo vô tội (LS Trần Vũ Hải) hoặc trả tự do cho các bị cáo ngay tại toà (các LS Phạm Hồng Hải, Bùi Đức Trường, Hoàng Văn Dũng). Họ cũng đề nghị phải thay đỏi toàn bộ cơ quan điều tra, tốt nhất là giao cho Cục Điều tra, VKSND Tối cao thụ lý điều tra vụ này….

Sau khi các bị cáo nói lời cuối cùng, HĐXX nghị án trong hơn 1 giờ. Lúc 18 giò 35 phút ngày 11/3, thẩm phán Phạm Hùng Việt tuyên đọc bản án phúc thẩm. Theo đó, toàn bộ bản án sơ thẩm (lần 2) bị huỷ, giao toàn bộ hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại từ đầu, kiến nghị Bộ Công an thụ lý điều tra.

Bị cáo Nguyễn Thị Tiến đến ngày 14/3/2005 sẽ được trả tự do (vừa hết thời gian 5 năm tù giam theo án sơ thẩm), bị cáo Nguyễn Thị Lâm sẽ được xem xét sau. Riêng bị cáo Huỳnh Văn Nén đang thụ án chung thân từ vụ án khác, tiếp tục bị giam giữ.

MỚI - NÓNG