Vụ án Hương Cảng: Kỳ cuối - Cuộc vượt biên thần kỳ!

Vụ án Hương Cảng: Kỳ cuối - Cuộc vượt biên thần kỳ!
Ai cũng biết, Hương Cảng là một hòn đảo bốn bề là biển cả. Lúc đó, ai ai đi khỏi đảo này đều phải dùng tàu thủy hay thuyền, xuồng, ngoài ra không còn đường nào khác.

Hơn nữa, tàu, thuyền dù cập bến hay rời bến, đều phải chịu sự quy định, giám sát của chính quyền địa phương.

Tại các bến ấy, cảnh sát, mật thám chìm nổi suốt ngày trà trộn theo dõi để phát hiện, bắt giữ những “phần tử”  có tên trong “sổ đen”.

 Bởi thế, không thể nào đảm bảo được tính mạng, nếu ông Tống lên tàu tại bến chính quy. Ông bà luật sư  Lô-dơ-bi và ông Tống đều biết rất rõ điều đó.

Chính vì vậy, ba người đã vắt óc và cuối cùng ông Tống đã đề ra một kế hoạch mà ông bà luật sư rất tán đồng, cho là một kế hoạch táo bạo và thần kỳ, trong đó, “diễn viên chính” là ông Thống đốc Hương Cảng Uy - li - am Pin (William Peel).

Dạo ông Tống còn nằm trong bệnh viện, vào một buổi chiều thu khi mùa sen đã gần hết, bà Lô-dơ-bi, trước khi vào thăm ông Tống, đã ra chợ, đi hết hàng này, hàng khác cố tình mua cho được mấy bông hoa sen.

Bà đang tìm hỏi những người bán hoa thì gặp một bà bạn. Thấy bà Lô-dơ-bi lật đật lùng mua hoa sen thì lấy làm lạ, liền rảo bước tới gần gặng hỏi bà mua hoa sen để làm gì.

Không trả lời bạn, bà Lô-dơ-bi hỏi lại xem bà ấy có biết ở đâu còn hoa sen. Bà kia càng thấy lạ càng gặng hỏi vì người Âu châu nói chung không thích hoa sen lắm.

Bà Lô-dơ-bi  đành phải vắn tắt rằng mua sen để tặng một người bạn An Nam tuyệt vời, thông minh tài giỏi và lịch lãm, hiện đang nằm điều trị trong bệnh viện.

Người bạn gái kia tên thật là Xten-la Ben-xơn (Stella Benson), phu nhân của quan Phó thống đốc Hương Cảng, ngài Tô-ma Xac-thơn (Sir Thomas Sactherns); đồng thời là một văn sĩ nổi tiếng Anh quốc lúc đó với bút danh là Vớc-gi-ni-a U-ôn-phơ (Virginia Woolf).

“Linh cảm” nghề nghiệp mách bảo bà Ben-xơn về một nhân vật cho một đề tài hấp dẫn, vậy nên, nữ văn sĩ nằng nặc đòi bà Lô-dơ-bi tạo điều kiện cho tiếp xúc với ông Tống.

Thấy đây cũng là dịp tạo thêm tiếng nói ủng hộ ông Tống, bà Lô-dơ-bi đã dẫn nữ sĩ U-ôn-phơ tới thăm ông Tống tại bệnh viện. Buổi gặp mặt tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại những cảm xúc mạnh mẽ trong tâm hồn nữ văn sĩ này.

Ngay tối hôm đó, trở về nhà riêng, nữ văn sĩ đã thực sự nổi giận với chồng - ông Phó thống đốc Xac-thơn.

Thoạt đầu, ông Phó thống đốc hết sức ngạc nhiên trước sự căm giận của vợ đối với chính quyền Hương Cảng trong việc hãm hại một con người tuyệt vời khiến cho ông ta ốm yếu đến thế.

Sau đó, bà vợ đã kể cho ông phó thống đốc nghe rằng bà vừa đi thăm và chuyện trò với ông Tống và hết lời ngợi ca người cách mạng An Nam này.

Mấy hôm sau, ông Phó thống đốc bảo vợ dẫn mình đi thăm ông Tống. Và bây giờ, đến lượt ông Phó thống đốc đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác: trước mắt ông là một người Á châu mảnh dẻ, xanh xao, nhưng ở ông ta toát lên một điều gì đó khiến cho ông Phó thống đốc vô cùng khâm phục, từ giọng nói tiếng Anh rất chuẩn, tới phong thái bình dị mà không yếu hèn.

Kể từ buổi đó, hai ông bà Phó thống đốc và luật sư Lô-dơ-bi cùng vợ thường xuyên tới thăm ông Tống. Càng ngày, cả bốn người đều quý trọng và coi ông Tống như người thân trong gia đình…

Trở lại “kế hoạch không tưởng” mà Tống Văn Sơ và vợ chồng luật sư Lô-dơ-bi đặt ra. Sau khi đã thống nhất với Tống Văn Sơ, luật sư Lô-dơ-bi liền tìm đến nhà ông Phó thống đốc Xac-thơn và trình bày toàn bộ kế hoạch đó với vợ chồng ông Xac-thơn.

Nữ văn sĩ U-ôn-phơ vỗ tay tán thưởng còn ông Phó thống đốc thì cho đây là “đại diệu kế” và bản thân ông hứa sẽ lãnh nhiệm thuyết phục ông thống đốc tham gia vào “đại diệu kế” này.

Không để phí thời gian, ông Xac-thơn đã tới gặp Thống đốc Pin và dùng hết lời lẽ phác họa chân dung chân chính của ông Tống Văn Sơ, đồng thời, đem danh dự và uy tín của một Phó thống đốc để đảm bảo cho ông Tống trước ông Thống đốc Pin.

Kết quả, ông Thống đốc Pin đã vui lòng cho mượn chiếc ca-nô của riêng mình chuyên dùng vào công vụ của thống đốc.

Cuối tháng 1/1933, có một chiếc tàu thủy cập bến Hương Cảng sau đó sẽ đi Áo Môn- Thượng Hải rồi sang Nhật Bản.

Luật sư Lô-dơ-bi đã mua 2 vé hạng nhất. Vào đêm 30 Tết năm Nhâm Thân, tức hạ tuần tháng 1/1933, chiếc tàu thuỷ đó nhổ neo rời Hương Cảng.

Ông Tống không lên tàu ở bến chính quy để cắt đứt tất cả những “cái đuôi” mật thám tại bến. Trước đó, Thống đốc Hương Cảng đã lệnh cho đội cận vệ lái chiếc ca-nô của riêng mình đến bến Tây Hoàng đón một “vị khách quý” của thống đốc và phải hộ tống vị đó lên con tàu thủy đang chạy, một cách tuyệt đối an toàn.

Vụ án Hương Cảng: Kỳ cuối - Cuộc vượt biên thần kỳ! ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gia đình Luật sư Lô - dơ - bi trước nhà sàn trong phủ Chủ tịch, tháng 1/1960

Đêm đó, tại nhà ông bà Lô-dơ-bi mọi người hầu như không ngủ ngoài cháu bé Pa-tơ-ri-xia. “Chú Tống” đến bên cạnh giường cháu bé, đứng lặng hồi lâu rồi hôn lên trán cháu và nhẹ nhàng quay ra phòng khách. Ông Tống xiết chặt tay ông bà Lô-dơ-bi hai ân nhân đã hết lòng, hết sức vì ông trong lúc lâm nguy; ông bà cũng quyến luyến không muốn rời xa “người em trai” của gia đình.

Cuối cùng, ông Tống trao lại cho ông bà một cuốn nhật ký ghi lại đầu đuôi vụ việc này, và hẹn khi nào trở lại thì sẽ xin được lấy lại. Ông bà nhận cuốn sách và cẩn thận cho vào két sắt. Rồi mọi người cùng ra bến Tây Hoàng, ở đó, chiếc ca-nô của ông thống đốc đang chờ sẵn.

Người ta thấy đi đầu là một người Trung Quốc trang phục hết sức sang trọng, tư thế đĩnh đạc. Đó chính là ông Tống. Bên cạnh là ông bà Lô-dơ-bi, tiếp theo là Long, cũng là một người Trung Quốc, trong vai thư ký riêng của vị “thương gia” giàu có. Sau cùng là một đoàn gia nhân tay xách va ly, đồ đạc.

Mấy bữa qua, bà Lô-dơ-bi đã cho sắm sửa đủ quần áo lễ phục, thường phục, y phục thể thao, mùa đông, mùa hè cho Tống Văn Sơ.

Trước khi xuống ca-nô, vị khách dừng lại chào từ biệt ông bà Lô-dơ-bi và không quên nhờ ông bà chuyển lời cảm ơn tới quan thống đốc Hương Cảng.

Những hoa tiêu và đội cận vệ dưới ca-nô nghe qua những lời đó thầm đoán vị khách này phải tầm cỡ thế nào mới được quan thống đốc trọng vọng đến như vậy.

Xuống ca-nô, vị khách lại chào từ biệt một lần nữa. Chiếc ca-nô cắm cờ lệnh của thống đốc quay mũi nhắm hướng con tàu thủy mới rời bến trước đó.

Vừa chạy, chiếc ca-nô vừa đánh tín hiệu cho chiếc tàu thủy còn đang trên hải phận Hương Cảng kia. Thuyền trưởng trên tàu thủy nhận được tín hiệu thì rất ngạc nhiên và quan sát qua ống nhòm thấy ca-nô treo cờ của quan thống đốc nên đã cho tàu dừng lại.

Chiếc ca-nô áp sát mạn tàu. Đội trưởng cận vệ truyền lệnh của thống đốc, viên thuyền trưởng đứng nghiêm chào và mời “vị khách quý” cùng viên thư ký lên tàu.

Vị khách chào từ biệt hoa tiêu và đội cận vệ và nhờ họ  gửi lời cám ơn tới quan thống đốc rồi sau đó, theo sự hướng dẫn của viên thuyền trưởng, vị khách và thư ký ung dung ngồi vào hai ghế hạng nhất, rút thuốc lá ra hút và đọc báo.

Vậy là, sau gần 20 tháng bị giam giữ, lùng sục gắt gao, trải qua bao gian nan hiểm nguy,  Tống Văn Sơ đã thoát khỏi âm mưu nham hiểm của kẻ thù bằng một cuộc vượt biển thần kỳ.

Vĩ Thanh

Sau khi Tống Văn Sơ thoát khỏi Hương Cảng, luật sư Lô-dơ-bi vẫn chưa cảm thấy yên tâm, ông liền nghĩ ra một “diệu kế” là tung tin Tống Văn Sơ tức lãnh tụ An Nam Nguyễn ái Quốc đã chết trong bệnh viện ở Hương  Cảng.

Báo chí bắt được tin đó đã  nhanh chóng cho đăng tải ngay. Chỉ mấy hôm sau  tờ báo của Đảng Cộng sản Liên Xô Pravda cũng đã đăng tin buồn và Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã tổ chức lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại trường Đại học Xta-lin.

Trong buổi lễ này, có một số chiến sĩ cách mạng của ta đang có mặt tại Mạc-tư-khoa cũng tới dự và khóc thương.

Mấy hôm sau nữa, tờ Nhân đạo, cơ quan Trung ương của Đảng  Cộng sản Pháp cũng đăng tin đồng chí Nguyễn ái Quốc đã mất tại Hương Cảng và TW ĐCS Pháp cũng làm lễ truy điệu trọng thể người đồng chí đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Trong tập hồ sơ của sở mật thám Đông Dương lập về Nguyễn ái Quốc, ở trang cuối cùng họ đã ghi: “Nguyễn ái  Quốc đã chết trong nhà tù tại Hương Cảng”.

“Diệu kế” của luật sư Lô-dơ-bi thật hữu hiệu, ngay đến cả tụi mật thám Pháp đã tin vào cái chết của Nguyễn Ái Quốc và thôi truy lùng.

Cho tới hơn chục năm sau, vào đầu năm 1945, một thám tử của thực dân Pháp hoạt động ở Cao Bằng đã dò la được một tin tối quan trọng  liền điện ngay về “mẫu quốc” rằng độ này có một người tên là Hồ Chí Minh về đây hoạt động và theo một số tin tức thu thập được cho rằng ông Hồ Chí  Minh chính là Nguyễn Ái Quốc  ngày trước.

Thám tử đó yêu cầu Pa-ri cho chỉ thị. Nhận được tin đó, tình báo Pháp tại Pa-ri đã điện trả lời  rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết tại Hương Cảng khoảng 1931- 1933 rồi, và coi tin kia là vô căn cứ.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng khai sinh nước Việt Nam – Dân chủ Cộng hòa.

Một số “cáo già” thực dân  ở Pháp, khi nhìn ảnh Hồ Chí Minh vẫn bán tín bán nghi. Họ liền đem ảnh cho tên trùm mật thám Đông Dương là Ac-nu (Arnoux) xem.

Ac-nu chính là kẻ lập hồ sơ về Nguyễn Ái Quốc, thuộc lòng về lai lịch và hình dạng Nguyễn Ái  Quốc. Vừa thoáng nhìn ảnh Hồ Chí Minh, viên trùm mật thám đó đã thốt lên:  - Đây chính là Nguyễn ái  Quốc!

Sau khi thoát khỏi Hương Cảng, phần vì bận hoạt động cách mạng, phần vì tránh cho những ân nhân của mình bị chính phủ sở tại làm rầy rà, mãi tới năm 1956, Hồ Chủ tịch mới có dịp nối lại mối quan hệ với “cố nhân”.

Dạo đó  có một đoàn nhà báo Anh trong đó có một đảng viên đảng Cộng sản Anh sang thăm nước ta và được Bác Hồ tiếp kiến.

Nhân dịp này, Bác đã nhờ người đảng viên đó gửi tận tay ông bà Lô-dơ-bi một bức thư mời ông bà và con gái sang thăm Việt Nam.

Người đảng viên đó trên đường về đã dừng lại Hương Cảng và trao cho ông bà Lô-dơ-bi bức thư ấy. Kèm theo bức thư, Bác đã gửi tặng ông bà Lô-dơ-bi một bức sơn mài chùa Một Cột và bức ảnh chân dung.

Ông bà đã treo bức chân dung Hồ Chủ tịch ngay trong phòng ngủ của mình. Bốn năm sau, dịp Tết Nguyên đán 1960, ông bà Lô-dơ-bi và con gái mới có điều kiện sang thăm Việt Nam và “vị khách hàng đặc biệt khi xưa”.

Gia đình Luật sư Lô-dơ-bi không chỉ là ân nhân, khách quý của Tống Văn Sơ - Hồ Chí  Minh mà của toàn thể dân tộc Việt Nam.

MỚI - NÓNG