Vụ án Hương Cảng - Kỳ 3: Tòa án và luật sư

Vụ án Hương Cảng - Kỳ 3: Tòa án và luật sư
Trước khi trình bày những diễn biến của phiên tòa, xin được giới thiệu sơ qua cách tổ chức Tòa án ở Hương Cảng và lòng nhiệt thành cùng tài năng của các vị luật sư tham gia bào chữa cho Tống Văn Sơ.
Vụ án Hương Cảng - Kỳ 3: Tòa án và luật sư ảnh 1
Đường phố Hương Cảng năm 1931

Tòa án này là Tòa án địa phương (Local court), tức Tòa án Hương Cảng của Anh quốc. Trong phòng xử án, trên cao là bàn của chánh án và phó chánh án.

Phía trước, một bên là bàn của các ủy viên công tố- đại diện cho chính quyền buộc tội bị cáo; phía đối diện là bàn các luật sư biện hộ cho bị cáo. Xa xa, trước mặt quan tòa là vành móng ngựa cho bị cáo.

Vành móng ngựa thấp hơn bàn của ủy viên công tố, nhưng cao hơn bàn của luật sư. Hai bên phải trái thì dành cho đại diện các báo xuất bản bằng tiếng Anh. (Những báo viết bằng tiếng Trung Quốc không được phép dự). ở giữa phòng là chỗ dành cho quần chúng tới tham dự phiên tòa.

Việc bảo vệ rất cẩn mật. Quanh phòng đều có chấn song sắt; các cửa ra vào đều có lính người Anh canh gác, vòng ngoài có lính người ấn Độ bố phòng (vì ấn Độ lúc đó vẫn còn là thuộc địa của Anh nên người ấn phải đi lính cho chính quyền đô hộ).

Trong các phiên tòa, quan chức, nhân viên của Tòa án lại nhiều hơn quần chúng tới dự. Có thể nói về phía quần chúng thì thực sự không có ai tới dự vì thân nhân của bị cáo (Tống Văn Sơ) không có ai, còn bạn bè, đồng chí trong tổ chức cách mạng thì chẳng ai dại gì mà đến ngồi trước Tòa cho bọn mật thám nhận diện.

Theo thủ tục của Tòa án Hương Cảng bấy giờ, trong các phiên tòa này, chỉ có 4 người được quyền phát biểu ý kiến: Chánh án, phó chánh án, ủy viên công tố và luật sư biện hộ.

Vụ án Hương Cảng - Kỳ 3: Tòa án và luật sư ảnh 2
Luật sư Po-rít, người đã cùng luật sư Lô-dơ-bi giúp đỡ đ/c Nguyễn ái Quốc trong vụ án Hương Cảng 1931-1933 (ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Còn bị cáo chính là người cần được phát biểu nhất cũng không có quyền nói. Nếu muốn có ý kiến, bị cáo phải ghi ý kiến của mình vào một tờ giấy nhỏ đưa cho luật sư, và luật sư căn cứ vào giấy đó mà phát biểu thay cho bị cáo.

Ngay cả luật sư Lô-dơ-bi là trưởng đoàn luật sư biện hộ trong vụ này muốn chỉ thị gì cho luật sư ủy nhiệm thì cũng phải ghi ra giấy đưa cho luật sư ủy nhiệm, chứ không được nói.

Về luật sư Lô-dơ-bi, ông là một người rất nổi tiếng tại Hương Cảng, làm chủ nhiệm công ty luật sư “Russ” quy tụ nhiều luật sư nổi tiếng giúp việc, nên ông có thế lực lớn trong giới luật gia.

Hơn nữa, ông đã tham gia dạy Luật học tại trường Đại học Hương Cảng. Nhiều người trong số các chánh án, phó chánh án, ủy viên công tố tại Tòa án Hương Cảng là học trò cũ của ông. Bởi thế uy tín của ông càng rộng lớn.

Ngay từ lần gặp đầu tiên vào ngày 25/6/1931, luật sư Lô-dơ-bi đã tỏ ra rất có thiện cảm và nói với Tống Văn Sơ rằng: “Bác sĩ Tôn Dật Tiên được một người Anh cứu thoát. Nay tôi cũng ra sức cứu ông, ông hãy tin ở tôi. Ông hãy nói cho tôi nghe những điều gì có thể giúp cho việc bênh vực ông. Tôi không hỏi ông nhiều, vì mỗi người cách mạng đều có bí mật riêng của họ”.

Ông Tống nói không có tiền để trả cho phí tổn biện hộ. Luật sư Lô-dơ-bi đáp rằng: “Tôi biết ông là một lãnh tụ cách mạng Việt Nam. Tôi cãi hộ ông là vì danh dự chứ không nhất thiết chỉ vì tiền”.

Tham gia tranh tụng tại phiên tòa còn có một số luật sư khác, trong đó có luật sư J.C Gien-kin là phó của luật sư Lô-dơ-bi. Vì trước Tòa, chỉ có một luật sư được phát biểu ý kiến nên luật sư Lô-dơ-bi đã chuẩn bị sẵn bài cãi rồi ủy nhiệm cho luật sư Gien-kin phát biểu.

Vụ án Hương Cảng - Kỳ 3: Tòa án và luật sư ảnh 3

Luật sư Lô-dơ-bi, người bênh vực Nguyễn Ái Quốc trong vụ án Hương Cảng 1931-1933 (ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Luật sư Gien-kin là một trí thức rất thông minh và hùng biện, đồng thời hết lòng bào chữa cho Tống Văn Sơ. Ngay trong phiên tòa thứ nhất mở ngày 31/7/1931, chính quyền Hương Cảng đã không đưa ông Tống ra Tòa.

Luật sư Lô-dơ-bi chỉ thị cho luật sư Gien-kin phản đối và đòi hỏi Tòa phải đưa Tống Văn Sơ ra trước Tòa. Quả nhiên đến phiên thứ hai, chính quyền buộc phải đưa ông Tống ra hiện diện tại Tòa nhưng hai tay lại bị xích.

Thoạt nhìn thấy bị cáo vào phòng xử án trong tư thế như vậy, luật sư Lô-dơ-bi rất tức giận nhưng vì không được quyền nói nên ông liếc nhìn sang luật sư Gien-kin ra hiệu.

Vốn thông minh, nhanh nhạy, luật sư Gien-kin liền đứng ngay dậy chỉ vào đôi tay của ông Tống đang bị xích rồi hướng về phía quan tòa, giọng rất gắt gao rằng: Khi bị cáo ra tòa là đứng trước công lý, thân thể phải hoàn toàn tự do. Nay chưa biết bị cáo can vào tội gì, tại sao chính quyền lại đã dùng đến nhục hình xích tay trong phòng xử án.

Ông nói rất mạnh mẽ, đanh thép, trong khi đó, Tống Văn Sơ đứng trước vành móng ngựa giơ cao hai tay trước mặt quan tòa, lắc mạnh. Tiếng xích kêu loảng xoảng hòa cùng lời lẽ hùng biện của luật sư tạo nên một bầu không khí náo động trong phòng xử án.

Quan tòa đuối lý, sượng sùng, bèn vẫy tay bảo lính đưa bị cáo ra ngoài để tháo xích ra. Trong lúc đó, luật sư Gien-kin vẫn tiếp tục hùng biện cho đến khi ông Tống trở lại vành móng ngựa, hai tay tự do, lúc đó luật sư mới ngồi xuống.

Có một lần, quan tòa tỏ thái độ khiếm nhã đối với luật sư Gien-kin, ông đã tìm cách trả thù một cách “hợp pháp” và độc đáo. Nhân trong lúc biện hộ cho bị cáo, ông đã hùng biện trong nhiều giờ liên tục không ngưng nghỉ.

Quan tòa ngồi nghe đã rất mệt mỏi nhưng không có lý do gì để ngắt lời ông vì lý lẽ của ông đưa ra luôn mới mẻ không hề trùng lặp với những điều đã nói. Các vị quan tòa đành phải ngồi nghe cho hết. Sau “vụ” đó, không vị nào còn tỏ thái độ bất nhã với luật sư Gien-kin nữa.

Thế nhưng, đối chọi với các vị luật sư danh tiếng trên lại là cả một hệ thống pháp lý được sự hậu thuẫn của cả chính quyền Anh-Pháp với ý đồ đưa Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam để hành hình! Cuộc chiến không cân sức này sẽ ra sao? Tống Văn Sơ liệu có thoát khỏi bàn tay của hai chính quyền thực dân đầu sỏ?

MỚI - NÓNG