Vụ 7.000 lít hóa chất siêu độc: Nếu chây ỳ phải cưỡng chế

TP - Ngày 12/8, trả lời Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Vịnh Hạ Long là di sản đặc biệt, hai lần được thế giới công nhận, không thể để di sản bị tàn phá, hủy hoại bởi chính chúng ta”.

Ông Lê Như Tiến lên tiếng:

Rác công nghiệp, phế thải nhập khẩu vào Việt Nam đã được cảnh báo từ lâu bởi nguy cơ hủy hoại môi trường khôn lường. Một thời gian chúng ta để nhập vỏ bình ắc quy cũ, túi ni lông, hóa chất thải độc hại về tái chế, gây ô nhiễm, biến nước ta thành bãi rác. Bây giờ đến lượt vịnh Hạ Long bị đe dọa bởi khoảng 7.000 lít dầu chứa hóa chất độc.

Vụ 7.000 lít hóa chất siêu độc: Nếu chây ỳ phải cưỡng chế ảnh 1

Đây là tiếng chuông cảnh báo, bởi nó không chỉ ảnh hưởng, hủy hoại môi trường, vùng biển, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn đe dọa sự an toàn của di sản thiên nhiên thế giới.

Hơn 7.000 lít dầu biến thế chứa hóa chất siêu độc hại PCB nhiều năm nằm tại cảng Cái Lân (cạnh vịnh Hạ Long -Quảng Ninh) có nguy cơ rò rỉ, điều kiện cất trữ không đảm bảo, nhưng Ban Quản lý vịnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)... cho biết vẫn đang chờ phương án xử lý, ông thấy sao?

Để một công ty nhập dầu chứa hóa chất độc hại, để bên bờ vịnh Hạ Long chừng ấy thời gian, trong điều kiện bảo quản sơ sài như vậy là không thể chấp nhận được. Vịnh Hạ Long là di sản đặc biệt trong khi quản lý di tích như vậy là chưa tương xứng, có phần còn lỏng lẻo về trách nhiệm.

Giải pháp cần phải làm ngay lúc này là chuyển số dầu đó ra khỏi khu vực vịnh. Thứ hai, tái xuất trở lại nước đã nhập. Nếu để di sản bị đe dọa như vậy, cơ quan quản lý di sản thế giới chắc chắn sẽ “thổi còi” chúng ta. Không nên để vịnh Hạ Long lặp lại bài học của những di sản bị xâm hại, làm xấu hình ảnh, giống như chúng ta chậm trễ đưa ra phương án bảo vệ Hoàng thành Thăng Long vừa qua.

Vậy việc quản lý, bảo vệ di sản vịnh Hạ Long cần được địa phương, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện ra sao?  

Trách nhiệm trước hết thuộc Ban Quản lý vịnh Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh và các Bộ ngành liên quan. Khi làm hồ sơ công nhận di sản thế giới, chúng ta đã cam kết bảo vệ di sản, không để tác động xấu làm biến đổi cảnh quan, môi trường. 

Môi trường cảnh quan thiên nhiên trong lành của vịnh phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Việc khai thác di sản phải gắn với công tác quản lý, bảo vệ những giá trị quý báu của di sản. 

Người dân và du khách trong và ngoài nước được thụ hưởng những giá trị đó. Nhưng chúng ta lại để một đơn vị nhập dầu chứa hóa chất độc hại về, lưu giữ ngay gần bờ vịnh, đó là hành vi gây nguy hại cho di sản.

Theo ông, qua vụ việc này cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ di sản vịnh Hạ Long như thế nào?

Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng phải vào cuộc, có biện pháp khẩn trương bảo vệ di sản. Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm của đơn vị nhập, sở hữu lô dầu hóa chất này cũng như trách nhiệm các bên liên quan. Nếu công ty chây ỳ, phải có biện pháp cưỡng chế. 

Vụ 7.000 lít hóa chất siêu độc: Nếu chây ỳ phải cưỡng chế ảnh 2 Vịnh Hạ Long bị đe dọa bơi khoảng 7.000 lít dầu chứa hóa chất độc. Ảnh: Hồng vĩnh

Chúng ta hoàn toàn có công cụ trong tay để bảo vệ di sản. Luật cũng nói rất rõ phải bảo vệ nghiêm ngặt di sản và bảo vệ các khu vực phụ cận. Mọi hành vi xâm hại phải bị xử lý. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh và Ban Quản lý vịnh Hạ Long phải vào cuộc thật quyết liệt.

Cảm ơn ông !

Quảng Ninh yêu cầu báo cáo xử lý dứt điểm trước ngày 20/8

Ngày 12/8, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản số 4398/UBND-MT chỉ đạo Sở TN&MT xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất PCB đang lưu giữ tại cảng Cái Lân, TP Hạ Long. 

Văn bản nêu: Báo Tiền Phong ngày 11/8/2014 có bài viết về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do lô hàng chứa hóa chất PCB đang được lưu giữ tại cảng Cái Lân và khó khăn trong việc vận chuyển, xử lý lô hàng. UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo giao cho Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý dứt điểm lô hàng chứa hóa chất PCB đang được lưu giữ tại cảng Cái Lân, đảm bảo không gây ô nhiễm đến môi trường khu vực, đặc biệt là vịnh Hạ Long. 

Trường hợp việc hướng dẫn, xử lý thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT thì khẩn trương dự thảo văn bản của UBND tỉnh để báo cáo, đề nghị bộ hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp thực hiện trước ngày 20/8/2014. 

Cần coi đây là tình trạng khẩn cấp

Trước thông tin hơn 7.000 lít hóa chất siêu độc nằm ngay bờ vịnh Hạ Long, nhiều độc giả gửi ý kiến phản hồi về báo Tiền Phong, bày tỏ sự lo ngại sâu sắc và yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải khẩn trương di dời khối hoạt chất độc hại này ra khỏi khu vực bờ vịnh.

Độc giả Phạm Bình Phương: 

“Cần phải coi đây là tình trạng khẩn cấp, nước sôi lửa bỏng. Rủi ro, tai nạn, phá hoại... có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chúng ta còn cố tình dây dưa, kéo dài. Nếu điều đó xảy ra thì kỳ quan thiên nhiên thế giới của chúng ta sẽ bị hủy diệt hoàn toàn!!!”

Độc giả Ngô Văn Toán: 

“Đề nghị doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc lập tức di dời sang vị trí khác có khoảng cách an toàn. Đây là việc khẩn cấp, đáng báo động. Hy vọng không phải nghe chữ “chờ” nữa”.

Độc giả Đinh Hùng: 

“Phải cử ngay lực lượng hùng hậu để bảo vệ nó khi chưa thực hiện được việc di dời, xử lý số hóa chất này. Hãy nhớ tấm gương về vụ cháy kho lưu trữ tại Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt”.

Đỗ Hoàng- Nguyễn Hoài

MỚI - NÓNG