LỢI NHỎ, NGUY HẠI LỚN
Năm 2016, sự việc 59 khách Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc trong chuyến du lịch tới đảo Jeju gây xôn xao. Năm 2013, cả đoàn 15 người du lịch Israel và bỏ trốn. Đó là những vụ lớn, chưa kể những vụ trốn nhỏ lẻ khác. Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ lao động bỏ trốn nhiều nhất, trong đó có hình thức lợi dụng kẽ hở du lịch.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL nhận định du khách bỏ trốn là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trong mắt quốc tế. “Bộ VHTTDL cho rằng đây là hình thức lợi dụng hoạt động du lịch và chính sách nới lỏng visa nhập cảnh cho khách du lịch của các quốc gia và vùng lãnh thổ để trốn ở lại lao động trái phép”, ông Bình nói.
Một trong những lỗ hổng của việc đưa người ra nước ngoài trái phép là các đường dây này bắt tay với một số Cty du lịch. Những kẻ đưa người trái phép thường không chọn Cty lớn có uy tín vì quy trình kiểm tra, xét duyệt hồ sơ rất kỹ. Vụ 152 người bỏ trốn do Cty du lịch nhỏ tham tiền, có thể biết hoặc không biết âm mưu trốn, nhưng rõ ràng không nghiêm túc trong quá trình kiểm tra hồ sơ khách hàng, vi phạm hàng loạt hoạt động kinh doanh du lịch khác trong việc đưa khách du lịch nước ngoài.
“Sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh dự Việt Nam trong hợp tác lao động quốc tế, đồng thời ảnh hưởng tới du khách chân chính”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Cty TransViet nói. Ảnh hưởng trước mắt chính là Đài Loan lập tức cắt chính sách visa Quan Hồng. Trước đó với chính sách nới lỏng này, đoàn khách 5 người trở lên được xin visa điện tử thông qua các Cty được du lịch Đài Loan cấp phép, không cần chứng minh tài chính.
Sau vụ 152 du khách bỏ trốn, khách du lịch Việt xin visa theo hai dạng visa điện tử tiên tiến dành cho du khách có visa đi các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc còn hạn hoặc hết hạn 10 năm. Tuy nhiên khách có visa tiên tiến nhưng hộ chiếu không thể hiện rõ ngày tháng năm sinh vẫn phải xin visa kiểu cũ, vừa phải mất phí visa vừa phải chứng minh tài chính và phải mất thời gian xem xét. “Hệ số tín nhiệm của khách Việt bị kéo xuống trầm trọng, cứ thế này người Việt ra nước ngoài càng không được tôn trọng”, ông Đạt nói.
NGĂN CHẶN CÁCH NÀO?
“Kiểm soát tình trạng lợi dụng đưa người đi nước ngoài trái phép nếu xét dưới góc độ quản lý nhà nước về du lịch không dễ dàng”, PGS. TS. Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch nói. Đường dây bắt tay với doanh nghiệp đưa người đi phải trả khoản tiền chênh lệch lớn, nhà quản lý du lịch không thể phát hiện được. “Câu chuyện tội phạm và mang tính xã hội chỉ có thể khắc phục được khi nhận thức xã hội nói chung, đường dây nói riêng vượt qua được cám dỗ, thực hiện đúng quy định pháp luật”, ông Lương nói.
“Cty du lịch nhận và tổ chức đưa người du lịch nước ngoài phải chịu trách nhiệm kiểm tra nhân thân, mục đích thực chất của chuyến đi. Phía Đài Loan tạo điều kiện cho chính sách visa Quan Hồng khi khách không phải chứng minh tài chính và thu nhập. Điều đó có nghĩa họ đặt trách nhiệm cho Cty du lịch được chỉ định. Những Cty này phải thay mặt cho phía Đài Loan kiểm tra tính xác thực, nhân thân và chuyến đi. Nếu Cty làm tròn trách nhiệm thì hoàn toàn có thể phát hiện sự việc”, ông Nguyễn Tiến Đạt phân tích.
Hỏi một số lãnh đạo doanh nghiệp du lịch uy tín về khả năng phát hiện người mua tour rồi bỏ trốn, họ khẳng định hoàn toàn có thể nhận biết. Những người này thường ở độ tuổi lao động, quê quán rơi vào những địa phương có nhiều lao động trốn lại như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Họ thường không có công ăn việc làm, chứng minh tài chính thu nhập kém, hơn hết gần như chưa bao giờ du lịch nước ngoài. Một lãnh đạo doanh nghiệp du lịch kể, dù quá trình kiểm tra phỏng vấn rất nghiêm ngặt nhưng đôi khi vẫn bỏ sót, có trường hợp lên sân bay mới phát hiện. Chẳng hạn du lịch nước ngoài sang trọng nhưng lại đi dép lê, mang rất nhiều đồ đạc và nhìn thấy ngay là người đi lao động.
Trả lời Tiền Phong về giải pháp ngăn chặn việc đưa người du lịch nước ngoài trái phép, ông Nguyễn Thái Bình nói: “Câu chuyện này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Để phát hiện và ngăn chặn là bài toán khó cho quản lý nhà nước về du lịch, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để phát hiện tội phạm, có hình thức xử lý nghiêm theo pháp luật. Dưới góc độ quản lý nhà nước về du lịch, Bộ sớm có văn bản của UBND nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý kinh doanh du lịch; chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi đưa khách Việt ra nước ngoài; triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn”.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng ký văn bản số 5897 ngày 28/12/2018 gửi các Sở VHTTDL, Sở Du lịch các tỉnh thành về việc tăng cường quản lý hoạt động tổ chức du khách Việt du lịch nước ngoài. Trong đó có một số nội dung như: Kiểm tra, rà soát, các đối tượng khách trước khi nhận khách, thực hiện thủ tục thị thực xuất cảnh và tổ chức chương trình đi du lịch nước ngoài. Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến du khách về các quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại, đồng thời cảnh báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của khách du lịch về hậu quả của việc xuất cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trước khi tổ chức chương trình du lịch cho khách. Thực hiện ký hợp đồng đầy đủ với khách và các đối tác cung cấp dịch vụ để đảm bảo quyền lợi của du khách và doanh nghiệp. Trong trường hợp nghi ngờ, phát hiện khách có dấu hiệu nhập cảnh trái phép phải báo ngay cho cơ quan chức năng nước sở tại và của Việt Nam để phối hợp giải quyết theo quy định.
CẦN XỬ LÝ NGHIÊM
Ngay sau vụ việc 152 khách Việt bỏ trốn, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. PGS.TS Phạm Trung Lương đề xuất rút giấy phép vĩnh viễn đối với công ty vi phạm để làm gương. Trước đó, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội xử phạt Cty Golden Travel 48,5 triệu đồng do các vi phạm hành chính khi thu gom khách cho Cty International Holidays Trading Travel. Thanh tra Sở cũng tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thời hạn 9 tháng đối với Golden Travel. Ngoài ra các cá nhân liên quan được chuyển hồ sơ sang Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra, xử lý. Sở Du lịch TPHCM xử phạt vi phạm hành chính 33 triệu đồng đối với công ty Du lịch Kỳ nghỉ quốc tế,thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế 12 tháng.