VP Chính phủ báo cáo UBTV Quốc hội về vụ VNA

VP Chính phủ báo cáo UBTV Quốc hội về vụ VNA
Hôm nay (13/6) VP Chính phủ đã ra Công văn số 3145/VPCP-CN do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao ký gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo một số nội dung liên quan đến vụ việc này.
VP Chính phủ báo cáo UBTV Quốc hội về vụ VNA ảnh 1

2 vấn đề chính được Văn phòng Chính phủ báo cáo trong Công văn này là việc mua động cơ máy bay Boeing B777 và vụ kiện tại Italia.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về việc mua 4 máy bay Boeing B777, Tổng công ty Hàng không Việt Nam thực hiện đàm phán lựa chọn 3 loại động cơ cho loại máy bay này là GE (General Electric), RR (Roll Royce) và PW (Pratt & Withney).

Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Cục Hàng không Việt Nam thì 3 loại động cơ này đều được Mỹ và Châu Âu phê chuẩn lắp đặt cho loại máy bay B777 và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam.

Trên cơ sở đề nghị của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (chọn loại động cơ PW có giá rẻ nhất: trên 1,8 triệu USD/1 động cơ), ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận. Nhưng ngay khi có ý kiến cho rằng việc lựa chọn loại động cơ này chưa thật chuẩn xác, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ kiểm tra lại sự việc.

Chủ trì cuộc họp ngày 3/4/2002, trên cơ sở giải trình và bảo vệ quan điểm về việc lựa chọn mua loại động cơ PW của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và sự đồng ý của đại diện các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng đã quyết định cho mua loại động cơ này.

Công văn 3145/VPCP-CN khẳng định việc mua loại động cơ PW được thực hiện theo đúng quy định, phù hợp với yêu cầu sử dụng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Đầu năm 2005, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam, trong đó cũng có nội dung chấp hành các quy định của Nhà nước về việc mua sắm động cơ, phụ tùng thay thế cho máy bay, việc thanh tra đang tiến hành, chưa có kết luận.

Về quá trình xử lý vụ kiện tại Italia, ngay sau khi nhận được báo cáo số 195/TCTHK - VPĐN ngày 1/3/2005 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam về vụ kiện này, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan họp bàn hướng xử lý.

Tại Công văn số 235/CPCP - V.I ngày 8/4/2005 của VPCP, Phó Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo và các cán bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam trực tiếp liên quan qua các thời kỳ và các bộ, ngành chức năng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra vụ kiện, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, tại Công văn số 306/VPCP - V.I ngày 5/5/2005 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam khẩn trương tìm hiểu ngay các quy định về tố tụng dân sự của Italy và nhanh chóng tiếp cận hồ sơ nắm đúng bản chất vụ kiện, quyết định việc theo kiện tại Toà án Roma và Paris để bảo vệ quyền lợi, uy tín của mình; đồng thời, lựa chọn thời điểm thích hợp đàm phán với Liberati để giảm bớt thiệt hại cho Tổng công ty.

Ngoài việc yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam thành lập Tổ công tác do đồng chí Chủ tịch Hội đồng Quản trị hoặc Tổng Giám đốc trực tiếp làm tổ trưởng để tập trung đầu mối chỉ đạo xử lý, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Toà án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao cử cán bộ, cung cấp thông tin cần thiết để hỗ trợ Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Ngày 10/4/2006, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan và kết luận (Thông báo số 72/TB-VPCP): Tại Paris, Tổng công ty Hàng không Việt Nam cần chủ động lựa chọn biện pháp thích hợp thi hành phán quyết của Toà phúc thẩm Paris; đồng thời cần tỏ rõ quan điểm bác bỏ bản án sai trái của Toà án Roma tại Italia để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Tại Roma, Tổng công ty cần cử cán bộ sang gặp trực tiếp luật sư, chủ động tham gia phiên toà ngày 18/4/2006; lựa chọn thời điểm thích hợp để đàm phán, thương lượng với các bên nước ngoài. Song song với các biện pháp trên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ Tổng công ty qua các thời kỳ có liên quan để xảy ra vụ kiện.

Ngày 20/4/2006, Tổng công ty Hàng không Việt Nam có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được thực hiện phán quyết của Toà án phúc thẩm Paris (nộp 5,2 triệu Euro vào tài khoản của người thứ 3), Phó Thủ tướng Vũ Khoan đồng ý với đề nghị này và yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 13/4/2006 của Văn phòng Chính phủ.

Đến ngày 8/6/2006, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Quản trị hoặc Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam có báo cáo đầy đủ, nghiêm túc về các vụ việc báo chí nêu và trực tiếp tổ chức họp báo thông báo rõ những nội dung liên quan đến việc Tổng công ty Hàng không Việt Nam mua động cơ cho 4 máy bay Boeing B777 thuộc Dự án đầu tư mua, thuê sử dụng máy bay B777 cho đường bay đi Đức/Pháp và nội dung liên quan đến vụ kiện tại Roma.

TTXVN

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.