Vòng 30 Ngoại hạng Anh: Norwich – Man City (19h45 thứ bảy, 12/3): Man City đặt mục tiêu dài hơi với viễn cảnh màu hồng khi Pep Guardiola đến, nhưng điều đó khiến mục tiêu ngắn hạn của họ mờ mịt. “Thật ngớ ngẩn khi còn bốn tháng nữa mùa giải mới kết thúc nhưng bạn đã biết HLV của mình sẽ ra đi”, Sergio Aguero ngán ngẩm nói. Ngay trước tuyên bố này, tiền đạo người Argentina còn thẳng thừng nói là anh từ chối gia hạn hợp đồng nhiều lần trong vài tháng qua và dự định rời CLB sau World Cup 2018.
Chuyện gì đã xảy ra tại Man City khi ngôi sao sáng nhất dội gáo nước lạnh vào họ? Tuy nhiên, tâm trạng của Aguero không phải là nỗi niềm riêng tại Etihad lúc này. Danh sách các cầu thủ tính chuyện ra đi không ít. Đơn giản, họ không nghĩ bản thân sẽ nằm trong cuộc cách mạng mà Guardiola và Man City sẽ tạo ra. Norwich đang nằm trong nhóm cầm đèn đỏ, thua tám trong chín trận gần nhất. Nhưng chớ nên coi thường đội chủ nhà. Lần gần nhất đá ở sân Carrow Road, Man City bị cầm hòa 0-0. Trong trận lượt đi tại Etihad, đội bóng của Manuel Pellegrini cũng phải nhờ đến pha sút phạt đền thành bàn của Yaya Toure vào phút chót để thắng nhọc Norwich.
Bournemouth – Swansea (22h thứ bảy, 12/3): Bournemouth và Swansea đang lần lượt có 35 và 33 điểm, thành tích đủ để họ an tâm sẽ ở lại Ngoại hạng Anh vào mùa sau. Swansea vừa có hai chiến thắng liên tiếp trước Arsenal và Norwich. Bournemouth cũng không kém, họ thắng Southampton và Newcastle. Cả hai đội bóng này có lẽ đã bắt đầu nghĩ về những mục tiêu ở mùa giải năm sau. Nghe thì có vẻ nhàm chán nhưng đây có thể là trận đấu cởi mở nhất cuối tuần này. Cả hai đội đều thoải mái và tự tin khi cởi bỏ áp lực từ tâm lý phải trụ hạng. Bournemouth và Swansea có thể sẽ hướng đến những thử nghiệm trong các trận còn lại của mùa giải. Đó là điều thú vị và hơn thế nữa, nó sẽ mang lại nhiều bàn thắng.
Stoke – Southampton (22h thứ bảy, 12/3): Stoke sở hữu tỷ lệ ghi bàn thấp, chỉ 1,06 bàn/trận ở Ngoại hạng Anh mùa này. Điều này khiến hàng thủ phải chơi tập trung hơn để giúp họ giữ vị trí thứ tám, một vị trí có thể cạnh tranh suất dự Cup châu Âu mùa sau. Những chiến thắng trước hai đội bóng thành Manchester, Chelsea và Everton khiến Stoke được tâng lên mây. Nhưng sự thật là Mark Hughes vẫn chưa thể tìm ra bộ khung ổn định cho đội chủ sân Britannia. Ông bất lực để định hình vị trí trung phong cho đội. Sau khởi đầu tốt, Bojan Krkic ngày càng mờ nhạt. Jonathan Walters và Peter Crouch đều được trao cơ hội, nhưng không chứng tỏ được nhiều. Bàn thắng trong trận hòa Chelsea 1-1 vòng trước là pha lập công đầu tiên của Mame Biram Diouf (phải) từ khi mẹ anh mất vào mùa thu năm ngoái. Sự trở lại của Diouf tuy chậm nhưng lại đúng lúc. Mark Hughes cần một sự cân bằng ở đội bóng của ông, không thể để gánh nặng mãi đặt lên hàng thủ. Nếu duy trì phong độ, Diouf sẽ là mũi nhọn của Stoke từ đây đến hết mùa.
Aston Villa – Tottenham (23h Chủ nhật, 13/3): Khi lá thăm đưa Tottenham đụng độ Dortmund ở vòng 1/8 Europa League, Remi Garde có lẽ đã mừng thầm vì đội bóng của ông sẽ hưởng lợi nhờ điều này. Tuy nhiên, với bảy sự thay đổi đội hình trong trận thua Dortmund 0-3, Mauricio Pochettino (thứ hai từ phải sang) khẳng định rõ đâu mới là mặt trận được Tottenham ưu tiên. ‘Gà trống’ không quan tâm đến danh hiệu Europa League, họ đang theo đuổi nghiêm túc chức vô địch Ngoại hạng Anh vì biết đây là cơ hội ‘ngàn năm có một’.
Pochettino nhận nhiều chỉ trích vì quyết định này. Nhiều người nói là Tottenham không cần cầu toàn đến thế vì họ chỉ phải đụng đội bét bảng Villa vào cuối tuần. Tuy nhiên, là một HLV gây ấn tượng mạnh mẽ và trên hết là người rất quyết đoán, Pochettino hiểu với những chấn thương và sự mệt mỏi mà các học trò đang chịu đựng, để những trụ cột nghỉ ngơi là quyết định hợp lý. Kết quả là Aston Villa sẽ phải tiếp đội hình gần như mạnh nhất của Tottenham cuối tuần này. Villa để lọt lưới 15 bàn trong bốn trận gần nhất. Họ có thể sẽ phải lãnh thất bại thứ năm liên tiếp và nhiều khả năng là một trận thua đậm, vì Tottenham đang cần chỗ để trút nỗi bực tức sau khi thua Dortmund.
Leicester – Newcastle (3h thứ ba, 15/3): Leicester được nghỉ chín ngày trước trận tiếp đón Newcastle và phong độ tệ hại của đội khách càng giúp lợi thế được nhân lên cho đoàn quân của Claudio Ranieri. Sáu trận sân khách gần nhất, Newcastle đều thất bại. Đội khách vừa sa thải Steve McClaren và bổ nhiệm Rafael Benitez (phải). Nhưng đây có phải là quyết định quá trễ của ban lãnh đạo đội bóng này? Đối mặt với đội đầu bảng chỉ vài ngày sau khi nhậm chức là khởi đầu không hề dễ dàng. Dù Benitez là một nhà cầm quân dày dạn kinh nghiệm, khó mà yêu cầu ông tạo ra một cú hích lớn cho Newcastle khi đụng Leicester ngay trận đầu cầm quân.
Hơn đội đứng nhì Tottenham năm điểm, nhưng Claudio Ranieri vẫn khăng khăng rằng đội bóng của ông chẳng phải ứng viên vô địch. HLV người Italy cũng bảo rằng Leicester không có mục tiêu về điểm số trong chín trận cuối. Sau trận hòa West Brom 2-2 ở vòng 28 Ngoại hạng Anh, Ranieri khích lệ các cầu thủ khi phát biểu rằng đội bóng của ông đã sẵn sàng tranh chức vô địch. Nhưng khi lợi thế ngày càng rõ ràng, nhà cầm quân này lại khiêm tốn. Ranieri muốn cách hành xử khôn khéo của ông giúp các học trò cởi bỏ áp lực và thi đấu “hồn nhiên” hết sức có thể, vì đó là điểm mạnh của Leicester.
Tứ kết Cup FA: Everton – Chelsea (0h30 Chủ nhật, 13/3): Đây là trận cầu cứu vãn mùa giải của cả Chelsea và Everton - hai đội được đánh giá cao nhưng đều thi đấu không thành công. Chelsea vừa bị PSG loại khỏi Champions League. Tại Ngoại hạng Anh, họ, với tư cách nhà vô địch mùa trước, đang đứng thứ 10, kém đầu bảng Leicester 20 điểm. Do đó, Cup FA là danh hiệu duy nhất họ có thể nhắm đến lúc này. Everton cũng vậy. Sau một mùa giải không thành công, Roberto Martinez sẽ tung hết lực lượng hòng đánh bại Chelsea.
Chấn thương của Diego Costa trong trận đấu với PSG khiến Chelsea lâm vào khủng hoảng hàng công. Việc Guus Hiddink đưa cầu thủ trẻ Bertrand Traore vào thay Costa ở trận đó cho thấy ông đang khó xử thế nào với vị trí trung phong. Trong khi Loic Remy bị lãng quên trên ghế dự bị, bản hợp đồng mới Alexander Pato vẫn chưa thể đáp ứng thể lực để ra sân. Với một đội bóng đang cho mượn đến 30 cầu thủ khắp châu Âu, không có nổi một chân sút là điều đáng xấu hổ. Hiddink có lẽ ước ông có một máy làm bàn như Romelu Lukaku (phải). Tiền đạo người Bỉ bị đẩy khỏi Stamford Bridge năm 2014. Từ khi đến Everton, Lukaku luôn là chân sút chủ lực. Anh đang đứng thứ hai trong danh sách vua phá lưới Ngoại hạng Anh với 18 bàn, chỉ kém Jamie Vardy một bàn.
Arsenal - Watford (20h30 Chủ nhật, 13/3): Sau trận gặp Watford vài ngày, Arsenal sẽ ra sân đá lượt về vòng 1/8 Champions League với Barca.
Nhưng ‘cố quá thì quá cố’, Arsene Wenger hiểu điều đó. Thua 0-2 trên sân nhà ở trận lượt đi, Arsenal không có nhiều cơ hội khi hành quân đến Tây Ban Nha. Trong tình cảnh này, nước đi sáng nhất của ông thầy người Pháp vẫn là hướng đến danh hiệu Cup FA thứ ba liên tiếp. Chỉ một chiến thắng nữa là Arsenal sẽ tái lập kỷ lục vượt qua 16 vòng đấu liên tiếp tại Cup FA mà họ đang nắm giữ.
Chấn thương của Aaron Ramsey (phải) gần như buộc Wenger phải sử dụng cặp tiền vệ trung tâm Francis Coquelin và Mohamed Elneny. Tuy nhiên, nhìn vào màn trình diễn của bộ đôi này trong trận hòa Totteham 2-2, người hâm mộ ‘Pháo thủ’ không khỏi lo lắng. Trong khi đó, điểm yếu nhất của Watford là hai vị trí trung vệ. Việc ai sẽ đá ở trung tâm hàng phòng ngự của họ vẫn là dấu hỏi. Đội khách vẫn trông chờ chân sút chủ lực Odion Ighalo dứt cơn hạn bàn thắng. Tuy nhiên, nỗi lo của họ phần nào vơi bớt nhờ phong độ ấn tượng của bản hợp đồng trong tháng một Nordin Amrabat.
Man Utd – West Ham (23h Chủ nhật, 13/3): Hai đội bóng cùng có chữ ‘United’ (có nghĩa là hợp nhất) trong tên nhưng chỉ một bên thể hiện được tinh thần này và đó không phải là Man Utd. Đội bóng của Van Gaal vừa trải qua hai thất bại liên tiếp trước West Brom và Liverpool. Một lần nữa, Man Utd lại thể hiện bộ mặt khó coi, chơi bóng rời rạc, thiếu tổ chức và thiếu sức sống. Không chắc Van Gaal biết cách để giúp đội nhà thoát tình cảnh này