Vốn xóa đói giảm nghèo “lạc” vào nhà cán bộ

Vốn xóa đói giảm nghèo “lạc” vào nhà cán bộ
TP - Tại xã Phú Bình, huyện Tân Phú (Đồng Nai), có mặt trong danh sách các hộ nghèo được vay vốn lại có hàng chục đối tượng… không nghèo, trong số đó có cán bộ xã, ấp và người thân của cán bộ.

Theo chuẩn hộ nghèo Nhà nước quy định, thì năm 2007 xã này còn hơn 400 hộ nghèo. Lần lượt trong năm 2007 và sáu tháng đầu năm 2008 hầu hết các hộ nghèo ở xã Phú Bình đều đã được xét vay vốn ưu đãi mỗi hộ vay từ 5 triệu đến 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, người dân phản ánh đã có nhiều hộ không phải diện đối tượng nghèo nhưng lại được vay vốn và có chuyện tiêu cực trong việc xét cho vay vốn. Kiểm tra sự việc, UBND xã Phú Bình thấy hộ nghèo trong xã đã tăng đột biến lên gần 500 hộ thể hiện qua danh sách hộ nghèo được vay vốn.

Rà soát lại, xã Phú Bình phát hiện hàng loạt hộ “chưa bao giờ nghèo” nhưng có mặt trong danh sách hộ nghèo. Tổng cộng trong năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 có tất cả 62 hộ không nghèo nhưng có tên trong danh sách hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng số vốn vay trên 700 triệu đồng.

Trong thành phần các hộ nghèo giả này có 23 trường hợp là cán bộ xã, cán bộ ấp; vợ hoặc chồng của trưởng, phó ấp, phó chủ tịch UBND xã, Mặt trận xã… có trường hợp là hai con của một cán bộ xã được vay 40 triệu đồng.

Ông Trần Phước Nguyên- Chủ tịch UBND xã Phú Bình cho rằng “nguyên nhân xảy ra việc cho vay không đúng đối tượng ở xã Phú Bình là do các đoàn thể nhận ủy thác đã không thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn của ngân hàng chính sách như không thực hiện quy trình xét cho vay theo quy định, không họp tổ bình xét đối tượng cho vay, không phối hợp với các tổ khi xét, lập hồ sơ đề nghị cho vay, buông lỏng công tác kiểm tra dẫn đến đề nghị cho vay không đúng đối tượng, không phải là hộ nghèo, để xảy ra tiêu cực khi lập hồ sơ đề nghị vay vốn”.

Trong khi đó, ông Phạm Duy Bình - Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Phú khẳng định việc làm sai này là trách nhiệm của xã Phú Bình vì ngân hàng đã ký hợp đồng ủy thác cho xã.

Được biết, việc cho vay vốn được thực hiện theo hình thức Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Phú thông qua UBND Phú Bình ủy thác cho Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã lập hồ sơ xét duyệt các đối tượng có nhu cầu vay vốn, trên cơ sở này UBND xã Phú Bình ký xác nhận và ngân hàng sẽ cho vay vốn.

Tuy nhiên quy trình được coi là chặt chẽ này lại dễ dàng phát sinh tiêu cực khi UBND xã không kiểm tra lại trước khi ký xác nhận, ngân hàng chính sách thì không giám sát chặt chẽ việc cho vay và sử dụng nguồn vốn, các đoàn thể nhận ủy thác lại giao phó cho các tổ trong địa bàn dân cư lập danh sách.

UBND huyện Tân Phú đã ra quyết định thu hồi vốn vay ngân hàng chính sách đối với những trường hợp không đúng đối tượng. Tuy nhiên, việc thu hồi ngay sẽ không dễ khi các hộ đều đã đầu tư tiền vay vào sản xuất và lỗi không phải do người vay mà là từ những người xét cho vay, UBND xã và ngân hàng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.