Song, tiếng vọng dội lại từ thực tiễn cuộc sống lại chưa thực sự như mong đợi. Các DN, xương sống của nền kinh tế đang rất khát vốn lại không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, dù là vốn lãi suất cao chứ đừng nói đến vốn lãi suất thấp.
Theo lý giải của PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thanh khoản của ngân hàng chưa được cải thiện, nợ xấu gia tăng nên buộc các NHTM phải tăng khả năng kiểm soát tín dụng bằng cách xem xét kỹ những hồ sơ và dự án của DN.
Đó là quyền của các ngân hàng, Nhà nước chưa thể can thiệp. Và đó cũng là lý do mặc dù ngân hàng công bố giảm lãi suất nhưng rất nhiều DN vẫn không tiếp cận được vốn vay.
Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, ông Huỳnh Văn Minh cho rằng, không loại trừ một số ngân hàng không có đủ nguồn tiền để cho vay nhưng vẫn công bố theo phong trào.
Theo một số nhà phân tích, có rất nhiều khả năng ngân hàng đứng trước sức ép của DN và xã hội buộc phải công bố hạ lãi suất nhằm giảm sự căng thẳng về mặt dư luận.
Còn thực tế, các ngân hàng vẫn tiếp tục hạn chế cho vay bằng cách nâng “hàng rào kỹ thuật” lên cao để khiến các DN không thể vượt qua. Tức là siết chặt các điều kiện cho vay nhằm mục đích hạn chế đến mức tối đa, thậm chí không phải đưa tiền ra khỏi két nhưng ngân hàng vẫn được tiếng thơm là hạ lãi suất hỗ trợ DN.
Thông qua đó, ngân hàng còn có thể gắng để người dân hiểu rằng khả năng thanh khoản của bản thân các ngân hàng đang rất tốt. Việc DN không vay được vốn là bởi “sức khỏe” của chính DN chứ không phải do ngân hàng không muốn cho vay hay khả năng thanh khoản của ngân hàng có vấn đề…
Việc có một số ngân hàng làm theo phong trào, bằng việc công bố giảm lãi suất, chẳng khác nào một động tác giả nhằm giảm sức ép dư luận, thậm chí để đánh bóng tên tuổi chứ chưa phải nhằm thay đổi về chất, để nhằm giúp các DN giải bài toán bế tắc về vốn.