Liên quan đến hoạt động tín dụng đen, trao đổi với Tiền Phong, TS Dương Thanh Biểu, nguyên Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng: Hoạt động tín dụng đen thường trưng dụng các đối tượng bất hảo, “sở hữu” nhiều tiền án tiền sự. Một hiện tượng nhức nhối liên quan đến “tín dụng đen” đã và đang diễn ra là các đối tượng điều “đàn em” đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình, châm tàn thuốc vào cơ thể “con nợ” đe dọa, buộc phải trả tiền. Có trường hợp đối tượng đem cả quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ.
Hoạt động tín dụng đen vươn vòi “bạch tuộc” khắp thành thị đến nông thôn, khiến không ít người dính bẫy, đặc biệt là học sinh, sinh viên và người dân nông thôn.
Có bảo kê tín dụng đen?
Hoạt động tín dụng đen nở rộ, khiến người dân nghi ngờ có thế lực bảo kê và việc này đã được nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa chất vấn Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa.
Trả lời các đại biểu, Thiếu tướng Trung khẳng định: “Dư luận nói có nhưng để chứng minh việc này là khó khăn... Nhưng tôi hứa sẽ siết chặt kỷ cương, khi phát hiện các cán bộ, chiến sĩ bảo kê sẽ xử lý theo đúng quy định”.
TS Dương Thanh Biểu phân tích, để các đối tượng hoành hành phải có thế lực bảo kê và các đối tượng này móc nối với các ngân hàng để đưa bị hại vào “tròng”.
TS Biểu từng chứng kiến doanh nghiệp phá sản vì vòng vây tín dụng đen. Cụ thể, các đối tượng biết rõ doanh nghiệp đến thời điểm đáo nợ ngân hàng, sau đó móc nối với cán bộ ngân hàng để không cho doanh nghiệp tiếp tục vay. Cán bộ ngân hàng và các đối tượng bất hảo sẽ ăn chia phần lãi suất cắt cổ từ hoạt động tín dụng đen đem lại, hoặc doanh nghiệp sẽ phải hối lộ khoản tiền lớn cho cán bộ ngân hàng… Bị rơi vào vòng vây đó, không ít doanh nghiệp đã phải phá sản, TS Biểu nói.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH luật Trường Lộc nhìn nhận, thời gian gần đây, khi xảy ra tranh chấp dân sự, thay bằng việc báo với cơ quan bảo vệ pháp luật, một số người đã sử dụng “xã hội đen” để giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật hiện hành để hoạt động phi pháp.
Theo Luật sư Tuấn, bản chất của tín dụng đen là cho vay với lãi suất “khủng” vượt quá nhiều lần mức lãi suất quy định của pháp luật cho phép. Theo quy định, lãi suất cho vay không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định, trên mức này là xếp vào diện vay nặng lãi. Theo luật sư Tuấn, hoạt động “tín dụng đen” là mầm mống phát sinh nhiều loại tội phạm, với nhiều hành vi vi phạm khác nhau.
Theo thống kê chưa đầy đủ mới đây của Bộ Công an, trong khoảng 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” trong đó có 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản, 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện tại lực lượng Cảnh sát hình sự đã rà soát và hiện đang quản lý hơn 200 băng nhóm, với gần 2.000 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.