Võ Vân Ánh đưa đàn tranh vào “thời đại mới”

Võ Vân Ánh đưa đàn tranh vào “thời đại mới”
TP - Võ Vân Ánh bắt đầu có thương hiệu quốc tế từ khi sáng tác và chơi nhạc cho bộ phim đoạt giải đặc biệt tại LHP Sundance 2002 và đề cử Oscar 2003: Người con gái Đà Nẵng- bộ phim nửa truyện nửa tài liệu kể về hoàn cảnh éo le của người mẹ Việt và đứa con lai.
Võ Vân Ánh đưa đàn tranh vào “thời đại mới” ảnh 1
Võ Vân Ánh

Hiện Vân Ánh là người chơi đàn tranh có chỗ đứng ở Mỹ. Mới đây, chị về Việt Nam tìm gặp Đỗ Bảo để cùng làm một bước đột phá: lần đầu tiên đàn tranh Việt chơi nhạc new age (nguyên nghĩa là “thời đại mới”).

Năm 1995, Vân Ánh có mặt trong đoàn múa rối nước Thăng Long sang Mỹ trình diễn. Trong số tình nguyện viên của tổ chức VNHELP (Vietnam Health, Education & Literature Projects) đến giúp đỡ đoàn có Huỳnh Lương, tên Mỹ là Steven - vừa tốt nghiệp loại ưu khoa Điện tử ĐH UC Berkeley.

“Bởi tôi là người trẻ nhất đoàn và cũng gần như là người con gái Hà Nội đầu tiên chính thức đặt chân lên đất Mỹ sau 20 năm cấm vận nên cũng có nhiều người để ý”, Vân Ánh cười. “Nhiều đến mức trưởng đoàn sợ tôi sẽ ở lại hoặc bị ai dụ dỗ!”.

Nhưng Steven thì vẫn làm ngơ. Cho đến một lần, sau một buổi diễn muộn, Vân Ánh được giao đi mua đồ ăn cùng Steven. Steven tâm sự, việc quan trọng nhất của anh lúc đó là đi làm để mua cho bố mẹ căn nhà riêng... Sau buổi đó, họ nhận nhau là anh em.

Từ đó, chuyện gì hai anh em cũng chia sẻ và hỏi ý kiến nhau, kể cả chuyện em có bạn trai và anh có bạn gái... Steven thường xuyên tặng Vân Ánh sách và đĩa nhạc- nhất là nhạc new age: Enya, Kitaro, Sarah Brightman, Loreena McKennit …

Sau khi thực hiện xong mục tiêu mua nhà cho bố mẹ, năm 2000, Steven về thăm Việt Nam. Sau 1 tuần gặp lại nhau, họ quyết định... làm đám cưới! “Điều này thật quá nhanh cho tôi vì trong suốt 5 năm trời, anh Steven không hề ngỏ ý gì, cũng như tôi không hề nghĩ đến việc sẽ kết hôn với anh kết nghĩa của mình.

Nhưng sau một buổi trò chuyện dài, cuối cùng cả hai người điều thú nhận là đã dành cho nhau một tình cảm rất đặc biệt từ ngày gặp ở San Francisco”.

Cuối tháng 10 này, nhạc sĩ Đỗ Bảo cùng các nghệ sĩ Hồ Nga, Thùy Anh, Thanh Hương sẽ tới Mỹ cùng ban nhạc Nhịp Thở Châu Á (Breath of Asia) của Vân Ánh tham gia chương trình biểu diễn gây quỹ cho trẻ em nghèo và người tàn tật do VNHELP tổ chức tại San Jose và Huntington, California.

Nhịp Thở Châu Á và các khách mời sẽ về Việt Nam biểu diễn trong thời gian tới. Và những gì tinh túy nhất trong các lần hòa nhạc cùng nhau sẽ được họ đưa vào đĩa nhạc new age đầu tiên dành cho đàn tranh và các nhạc cụ Việt Nam khác, dự kiến ra mắt cuối 2009.

Trong thời gian chờ visa đi Mỹ, Vân Ánh và nhóm nhạc Đồng Nội của chị cũng kịp làm một CD đàn tranh “kỷ niệm”. “Vốn đang được nhiều người biết đến, lại có một cuộc sống với cường độ làm việc cao, tôi tương đối hụt hẫng về tinh thần trong thời gian này.

Như cảm thấy được tâm trạng của tôi, Steven càng ủng hộ tôi nhiệt tình và chu đáo hơn. Anh đã bỏ mấy tháng trời đi cùng tôi tới các phòng thu trong Nam ngoài Bắc để hoàn thành đĩa nhạc. Tôi cứ lo anh sẽ bị cản trở trong công việc, nhưng ngược lại, về Mỹ, anh lại được công ty thăng cấp”, Vân Ánh cười.

Bây giờ họ đã có 2 nhóc. Steven là CEO của một công ty điện tử có cỡ. Quá bận rộn, nên anh “giao” cho vợ thay chồng làm từ thiện. Vân Ánh thường tham gia vào những buổi trình diễn gây quỹ học bổng cho các em nhỏ (Mỹ cũng như Việt Nam), gây quỹ cho người tàn tật do VNHelp tổ chức.

Buổi biểu diễn năm 2006 với sự tham gia của chị đã thu về 150.000 USD, và hơn 1.000 xe lăn đã được gửi cho người tàn tật Việt Nam. “Tôi tham gia trình diễn gây quỹ, là để trả lại cho cộng đồng cái mình hơn người khác, qua đó cũng quảng bá nhạc Việt Nam”, Vân Ánh nói. Chị thường xuyên trình diễn nhạc Việt Nam ở các thư viện, trường học.

Sau một thời gian làm việc cùng các nghệ sĩ ở Mỹ, Vân Ánh nhận thấy khả năng chơi jazz và new age của cây đàn Việt Nam. Cách chơi nhạc của Vân Ánh và nhóm trống taiko (Nhật Bản) Somei Yoshino mang nhiều tính ngẫu hứng- có nhiều điểm chung với lối chơi của nghệ nhân cổ nhạc Việt Nam.

Vân Ánh chia sẻ: “Tôi và các thành viên trong nhóm thảo luận với nhau về cấu trúc bản nhạc, hình ảnh mà mình muốn đưa tới khán giả... rồi nổi trống, nổi nhạc. Chúng tôi chơi đi chơi lại một cách tự phát để tìm được cái mà mình muốn. Cũng có nhiều khi, các ban nhạc mà tôi kết hợp nói cho tôi ý nghĩa, hình ảnh của bản nhạc, rồi tôi tự tìm cách dùng ngôn ngữ nhạc dân tộc Việt Nam để đi vào bản nhạc đó”.

Với phong cách world music và new age, Vân Ánh đem lại không ít bất ngờ cho người nghe. “Thưởng thức những buổi trình diễn của tôi, người Việt nói là hay và duyên dáng quá. Còn khán giả các nước thì tìm được màu sắc và âm hưởng quen thuộc của họ- nhưng lại qua âm thanh của cây đàn Việt Nam- nên thấy rất thú vị”.

“Sau nhiều năm lưu diễn và đặc biệt là sinh sống tại nước ngoài, tôi tin là một người chơi nhạc dân tộc phải giữ được cái hồn và ngón đàn dân tộc”, Vân Ánh nói. “Khi ở trong nước, ngoài Nhạc viện, tôi rất may mắn được học cùng một số nghệ nhân về cải lương và chèo. Con người ai cũng có gốc. Trong âm nhạc cũng thế. Phải có cái gốc, cái chất rồi anh mới xây dựng trên đó được”.

Lên 4 tuổi, Vân Ánh đã được bố- là một nhạc công ghi ta- hướng cho học cello. Nhưng chị thấy dáng ngồi chơi đàn tranh mới đẹp và chọn đàn tranh từ đó. Sau 24 năm chung thủy với cây đàn dân tộc, chị quyết đưa nó vào một “thời đại mới”.

Vân Ánh miêu tả đĩa nhạc new age- trong đó đàn tranh hòa cùng nhị, sáo, bầu, tam thập lục, t’rưng và piano với các sáng tác của Đỗ Bảo: “Là thứ âm nhạc không hạn chế người nghe, miễn ai quan tâm đến âm nhạc, tìm đến cái hay và vẻ đẹp của âm nhạc.

Hết sức màu sắc nhưng không màu sắc đến mức người nghe cảm thấy khó hiểu”. Lần này, Vân Ánh quyết làm âm nhạc sao cho: “Để cuối đời, quay lại mình thấy đã làm một cái gì đó không uổng phí thời gian đã sống”.

MỚI - NÓNG