Võ Thiện Thanh đi tìm 'bức xúc'

Võ Thiện Thanh đi tìm 'bức xúc'
TP - Sinh năm 1968, dù đang ở thời kỳ làm việc sung sức, nhưng thường thì mỗi năm Võ Thiện Thanh chỉ tập trung ra 1 album cho ca sĩ. Tuy nhiên, năm nay và năm sau anh phá lệ, ra thêm mỗi năm 1 album nhạc hòa tấu/năm.
Võ Thiện Thanh đi tìm 'bức xúc' ảnh 1
Ảnh: N.M.Hà

Tác giả Chuông gió (Bài hát của năm 2006 do HĐNT Bài hát Việt trao) làm việc tương đối âm thầm. Ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nhưng 2 năm liền vẫn nhận giải Cống Hiến do các nhà báo viết về âm nhạc bình chọn.

Trong một buổi cà phê tại TPHCM, Võ Thiện Thanh “bị” Tiền phong phỏng vấn mà không có sự chuẩn bị trước.

Đi tìm “bức xúc”

Anh khởi nghiệp với cách làm lời không giống ai. Như bài Bạn tôi: Thằng đi dạy thêm/Đứa làm tiếp thị/Thằng làm quán cơm/Tối về một gói mì tôm... Thời sinh viên của anh có giống như trong bài hát?

Đúng vậy. Mình sao thì bài hát vậy. Cũng ở nhà thuê. Cũng đạp xe. Cũng mì gói... Sao bịa được? Bịa không ra! Mình SV Nhạc viện thì ban đêm đi chơi nhạc nhà hàng, ngày đi học. Thực ra lời của một thằng bạn, học luật, cùng quê. Hai thằng thân nhau như anh em. Những lời nó kể giống như mình kể.

Hình như bây giờ những nội dung mà anh kể không gần với anh nữa?

Mỗi giai đoạn, cuộc sống khác nhau, cách cảm nhận khác nhau. Ca từ cũng vậy. Ca từ lúc đó là cảm xúc nguyên sơ. Giờ mình lại thích viết những đề tài xã hội đang bức xúc - không có gì lớn, chỉ là kẹt xe hay đào đường chẳng hạn.

Nói chung, xã hội thời nào cũng có những trăn trở. Quan trọng mình tìm ra thôi...

Mình rất ngán ngẩm cái kiểu viết anh anh em em. Xưa đến giờ chưa bao giờ viết kiểu đó. Tình ca đương nhiên hay rồi, nhưng cách viết hơi sáo rỗng kiểu quay mặt lại nhìn, đớn đau - cực kỳ ghét!

Nhưng nội dung xã hội có lẽ ít được ưa thích hơn tình ca?

Chuyện đó tự nhiên thôi. Mình phải làm cách nào thu hút được người ta. Bằng tiết tấu, giai điệu sao cho hấp dẫn. Những bài “cuộc sống” không lợi thế bằng tình ca là do người viết.

Hiện anh đang bức xúc những gì?

Là nghệ sĩ, mình đi tìm những bức xúc, trăn trở trong cuộc sống chứ không phải bản thân mình gặp. Chứ làm sao từ bản thân mình ra hết được! Đang tìm.

Cuối năm sẽ thể hiện bằng album (cho ca sĩ). Thực sự dùng chữ bức xúc hơi quá, tức là những gì người ta đang trải qua trong cuộc sống, có những niềm vui, những điều bực dọc. Mình tính toán sao cho hài hòa trong một album.

Có một mâu thuẫn: thường khi nghệ sĩ thành công rồi, đời sống sẽ ổn định ít ra về vật chất nên họ ít bức xúc hơn, và khó mà viết cho ra được bức xúc?

Bức xúc là sự nhạy cảm với cuộc sống. Nếu nhạc sĩ không còn bức xúc nữa, chắc anh ta chuyển nghề khác. Nếu đơn thuần chỉ là kỹ thuật không thì tác phẩm của anh sẽ bị khô cứng, không tới người nghe được.

Sự nhạy cảm không có kỹ thuật thì lại rơi vào nghiệp dư hóa. Mình phải chinh phục người nghe bằng cả kỹ thuật và cảm xúc.

Với đề tài xã hội, anh gặp khó khăn gì hơn so với tình ca?

Mỗi người có một cách viết, con đường khác nhau. Nếu sở trường của mình mạnh về mặt đó thì không có gì khó khăn hết. Quan trọng ở sự nhạy cảm của anh. Những điều diễn ra trước mắt- có người nhận ra, có người không.

Gia đình quan trọng hơn...

Có bản tình ca nào anh viết đặc biệt tặng bà xã?

Nói chung bài đó thuộc về... đã phát hành lâu rồi. Có 1 bài trong đĩa Lam Trường hồi Lam Trường mới nổi: Mãi cho tình lênh đênh.

Đa số mình viết về đời sống tình cảm của mình là chính, mà của mình thì không có nhiều. Chính vì thế mà mảng tình ca của mình chỉ độ vài bài.

Thường các nhạc sĩ, ca sĩ khi hợp tác hay có quan hệ tình cảm...

Thì đó. Vấn đề chỗ đó. Quan điểm của tôi: Chuyện đó diễn ra một cách tự nhiên, cũng có người không cưỡng lại được cảm xúc.

Tôi nghĩ quan trọng họ tạo ra được sản phẩm như thế nào cho xã hội thôi, còn cái chuyện họ quen biết nhau thế nào không quan trọng. Nếu sản phẩm họ tung ra không chất lượng thì chuyện quan hệ của họ không có ý nghĩa gì hết.

Thường những mối tình đó không bền?

Đương nhiên. Nó chỉ gây thêm cảm xúc để viết thôi. Không có gì ghê gớm hết.

Bản thân anh đã bao giờ...

Tôi quan niệm khác hẳn. Tôi làm việc với ca sĩ trên cơ sở cộng tác thật sự. Tôi không ủng hộ việc đó

Chẳng lẽ anh không có phút nào xao lòng trước người đẹp?

Tôi nghĩ là có, nhưng mình lại quan trọng gia đình hơn. Có những lúc mình phải biết nén lại. Chứ đương nhiên mình là đàn ông, sao không có cảm xúc với phụ nữ được...

Bà xã anh có khi nào hiểu lầm?

Không. Hoàn toàn tin tưởng. Nhạc sĩ bây giờ vừa làm phòng thu vừa phối âm phối khí. Với một số lượng công việc như vậy mà mình có đời sống tình cảm phóng khoáng quá, liệu mình có kham nổi không?!

Thế hệ trước chỉ sáng tác, không dính tới hòa âm phối khí, phòng thu - thì họ dễ dàng thả hồn theo cảm xúc hơn. Bây giờ nếu anh không có đời sống tình cảm ổn định thì dễ đứt gánh giữa đường.

Anh nổi tiếng là một nhạc sĩ cao giá...

Cao giá... (cười)

...Có trường hợp nào quý mến ca sĩ mà bớt tiền làm đĩa cho họ?

Chưa, chưa. Mà nghe thì có vẻ cao nhưng phân tích kỹ thì không cao. Ví dụ một nhạc sĩ nhận làm cho ca sĩ đó 1 album. Họ toàn tâm toàn ý, không làm gì khác. Vậy trong thời gian đó, họ phải có gì để đảm bảo cuộc sống ổn định để làm tốt công việc chứ.

Đầu tư một album cho ra trò thì không biết bao nhiêu tiền cho đủ. Theo kinh nghiệm của tôi, để ra 1 album bét nhất phải chừng 200 triệu mới hay được. Và làm trong 1 năm.

Một năm với số tiền đó thì làm sao mà cao được. Biết bao nhiêu trang trải: phòng thu, sáng tác, hòa âm, bè bối... Đôi khi mình phải đi chơi, du lịch để mình kiếm cảm xúc nữa... Chứ nếu làm một album trong vòng 5-60 triệu, nhưng làm chụp giựt trong vòng 1- 2 tháng có nên hay không?

Nhạc trúc trắc như đời

Anh đến với âm nhạc như thế nào?

Mình tự học, lớp 6 đã đàn ghi ta tốt, đệm cho người khác hát thoải mái. Mình ao ước vào nhạc viện. Tại xác định nếu dựa vào bản năng, không thể đi xa được.

Mình học 7 năm Nhạc viện TP.HCM, đến ĐH Sáng tác năm 3 thì nghỉ. Vì lúc đó đặt ra 2 sự chọn lựa: một là đi theo nhạc nhẹ, hai là đi theo cổ điển luôn.

Nghĩa là theo nhạc nhẹ thì không cần học nữa?

Không phải. Tại ngay thời điểm đó có những cơ hội rất tốt để theo nhạc nhẹ. Nếu mình không chọn, sau này sẽ khó. Sau này có điều kiện sẽ học tiếp.

Lúc đó, nếu tôi theo hướng cổ điển, giờ có thể là thầy giáo trong Nhạc viện. Tôi quan niệm, học nhạc viện là học kiến thức, chứ không phải để lấy cái bằng đi dạy. Rõ ràng kiến thức học nhạc viện rất bổ ích cho làm nhạc nhẹ.

Sự bỏ ngang đó có lý do gì về kinh tế?

Đơn giản khi mình dành nhiều thời gian quá cho hướng nhạc nhẹ thì sẽ không kịp tiến độ để làm bài thi tốt nghiệp.

Giờ đây anh có chút hối tiếc?

Không hề. Tôi quan niệm học có kiến thức để làm nghề. Mà kiến thức thì học lúc nào cũng được. Mọi lúc mọi nơi.

Nghe bài hát có anh cảm giác có sự trúc trắc về giai điệu. Nó có đúng như đồ thị của cuộc đời anh?

Cũng có phần đúng. Khởi đầu con đường âm nhạc của tôi rất trúc trắc. Tôi là người ở tỉnh (Bình Thuận). Học xong 12, nộp đơn thi trường nhạc liền. Vì một lý do tế nhị thời đó, người ta gạt hồ sơ ra, không cho thi nhạc viện. Tôi mới nộp đơn xin vô Đoàn Ca múa tỉnh, đúng 10 ngày cũng bị gạt tên đuổi về luôn.

Sau đó, tôi xuống Vũng Tàu học nhiếp ảnh 3 năm, thì mới quen bà xã bây giờ. Bà xã là con của thầy dạy nhiếp ảnh, ở chung nhà luôn. Về quê làm nhiếp ảnh 2 năm nữa. Sau đó bỏ tiệm nhiếp ảnh, thi Nhạc viện lại. Đậu, bỏ nghề nhiếp ảnh luôn. Lúc đó 26. Tuổi đó người ta đang học ĐH, mình mới vào Trung cấp.

Thứ hai, trong sáng tác, hầu như tôi bị nhiễm nhạc hòa tấu. Thành ra giai điệu lúc nào cũng có khó hát. Mấy bạn đi hát karaoke cũng nói lại: Sao bài của anh em hát không được, sao kỳ vậy! Âm vực rộng, quãng khó, như bài Xích lô - người bình thường hát không được.

Bà xã là mối tình đầu của anh?

Mối tình đầu là mối tình thoáng qua lúc học trung học ấy mà... Đúng là có số phận. Phải chi nếu tôi đậu thẳng Nhạc viện sẽ không gặp cô ấy đâu. Cho nên nhiều khi mình nghĩ xuôn sẻ quá, chưa chắc đã như ngày hôm nay.

Nhiều khi trong cái rủi có cái may. Nếu mình đậu Nhạc viện liền lúc học xong phổ thông chưa chắc đã hay. Thời gian lăn lộn ngoài đời cho mình thêm vốn sống.

MỚI - NÓNG