Vỏ Quý ruột Quỷ

TP - Tối 9/11, triển lãm “Chân dung cuộc sống” lần thứ 6 của Trần Đức Quỷ với chủ đề “Cái túi” vừa khai mạc ở L’espace. Sảnh chính của Trung tâm văn hóa Pháp bày đầy những “túi da còn lại” của những “hòn đá cố chấp” sau khi sự sống và linh hồn mất đi, gây ấn tượng thị giác mạnh tới người xem.
Vỏ Quý ruột Quỷ ảnh 1

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Xin miễn cho từ “nghệ sĩ tài năng”

Trong suốt cuộc phỏng vấn, không dưới mười lần Quỷ nhắc tôi: đừng gọi anh là “nghệ sĩ tài năng”, cắt từ “tài năng” đi, nghe nó nghiêm trọng lắm, ngượng lắm! Một đoạn, nói đến chuyện vẽ vời, anh lại nhắc: từ “năng khiếu” cũng đừng dùng. Ai khen anh thế, anh thấy căng thẳng lắm! “Mình có mét sáu, người ta bảo: thằng này mét sáu hoặc bảo thằng này mét tư cũng được. Nhưng người ta bảo mày mét tám cơ đấy! Thế là chết rồi. Nghe lời tán tụng mãi cũng sẽ có lúc tưởng thật là mình mét tám, rồi thì chả còn nhớ mình là ai, mình đứng ở đâu nữa. Thế là xong đời”!

Quỷ khăng khăng với lý thuyết “sứ mạng nghệ sĩ bé như hạt vừng”: “lên gồng xuống tấn gì chứ, chỉ là một cuộc chơi kể chuyện tâm hồn thôi! Như anh chơi chim ấy, có cái lồng chim đẹp thì đem khoe với những người cùng sở thích. Anh nghệ sĩ làm được tác phẩm mới, muốn nóng sốt khoe với đồng nghiệp, công chúng. Mua vui cũng được một vài trống canh. Không có củi gạo dầu mắm người ta mới chết. Chứ con chim không hót thì chả ai chết cả. Mà kể cả khi nó hót, chắc gì người ta đã vui”!

Một cố chấp nữa của Quỷ là không sa đà vào những chuyện tư tưởng, chủ đề, thông điệp v.v… sứ mạng càng là phạm trù ngoài tầm với. Tất cả các triển lãm của anh, đều đặt “cái đẹp” lên trên “cái nội dung”. Mỹ thuật mà không đẹp, chỉ lấy nội dung bù thẩm mỹ, thế thì thành văn học rồi. Quỷ nói. Mặc dù anh không ngại diễn giải. Nói thêm là Quỷ mới tốt nghiệp cấp hai nhưng vẫn đủ trình văn để thi đỗ Đại học Mỹ thuật. Cái đợt tác phẩm đàn vịt của Quỷ trong triển lãm “Chân dung cuộc sống” số hai từng bị nghi vấn là trùng lắp ý tưởng với một nghệ sĩ người Bỉ, anh đã viết cả một bài trả lời dài đến gần 5000 chữ đâu ra đấy.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng phát biểu sau khi triển lãm “Cái túi” khai mạc: “Oách! Nhìn phát là ra Quỷ”. Trần Nhật Thăng đánh giá cao những tạo hình phức tạp trên beton của “Cái túi”. Riêng chi tiết: cái đầu cũng bị lộn ra, vỡ toác như quả bóng bay là một bất ngờ với họa sĩ chuyên vẽ tranh trừu tượng.

Vỏ Quý ruột Quỷ ảnh 2 Cái túi - sắp đặt - 2017.

Một ca đặc biệt ở Đại học Mỹ thuật

Sinh năm 1973, gốc Hải Dương, Trần Đức Quỷ… ngày xưa tên là Trần Đức Quý.  Quỷ mất bố năm 13 tuổi. 14 tuổi anh khăn gói lên Hà Nội, lang thang qua nhiều làng nghề để kiếm sống, làm đủ việc liên quan đến tạo hình như: đục đẽo đá gỗ mỹ nghệ, khảm trai, khắc hình bia mộ, chép ảnh thuê… Đến nay, Quỷ vẫn sống nhờ vào những việc làm thuê khác, tay chân mặt mũi lúc nào cũng dính vụn đất. Nhưng nếu hỏi kỹ hơn, anh sẽ xua tay: ai chả phải đi làm kiếm ăn. Nhiều người còn khổ bằng mấy!

Gần mười năm sau, Quỷ thi đỗ vào khoa điêu khắc trường Mỹ thuật Hà Nội, nhưng  bị từ chối nhập học vì không có bằng cấp III. Lại mất thêm gần ba năm ngày đi làm, tối Quỷ đi học bổ túc để trám lỗ hổng phổ thông trung học. Thi Mỹ thuật lần hai, đỗ tiếp. Quỷ được nhiều người cùng thời hâm mộ bởi rất nhiều họa sĩ nổi tiếng trước đó có người phải thi hai ba lần, có người bốn năm lần mới đỗ.

Năm 2003, khi đang học năm thứ ba, Quỷ giành giải nhất cuộc thi “Ánh mắt trẻ” dành cho nghệ sĩ tạo hình với phần thưởng là một chuyến tham quan học tập hai tháng ở Pháp. Tác phẩm ấy có tên là “Nhìn” với một gọng kính bằng sắt uốn rất to. Một bên có hình ảnh một người phụ nữ, một bên có hình ảnh đứa bé con… Đến nay, “Nhìn” vẫn là tác phẩm Quỷ ưng ý nhất, bởi sự “đơn giản mà sâu sắc” của nó.

Tốt nghiệp khoa điêu khắc trường Mỹ thuật, không lâu sau Quỷ quay lại trường thi tiếp vào khoa Hội họa. Hiện tại anh vẫn là sinh viên, ở ký túc của trường, sáng sáng lè phè ngồi trà đá, thỉnh thoảng nghe bà bán nước chè quát: gọn gọn cái chân vào!

Tôi hỏi Quỷ có phải sinh viên già nhất trường không, anh bảo: nhất nước! Học mãi không muốn ra trường vì cứ càng học càng thấy mình dốt. Rồi lại phải nghĩ cách xin thầy cho đúp, để học lại, học thêm nữa. Quỷ bảo, phải học thêm Hội họa là để giải quyết khâu tự tin. Lý do khác là để về già vẫn có việc để làm. Để những lúc bế tắc trong điêu khắc thì còn có cây cọ làm bạn.

Vỏ Quý ruột Quỷ ảnh 3 Anh em song sinh Quyền – Quỷ

Người của trường phái hành động

Tôi hỏi Quỷ, cứ đều đặn hơn năm một lần nhắc lại ở L’espace, có phải anh sợ người ta quên mình không? Anh cười hì hì: Ừ nhỉ, sao cứ đúng cữ triển lãm thế nhỉ? Nhưng là trùng hợp thôi. Đúng ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, ý tưởng nó đến và nó chín, thế là làm. “Tôi thích những thứ nóng sốt, nghĩ ra là phải làm ngay, khoe ngay. Chứ ủ mưu, mài dũa mãi chán lắm. Cũng có khi nghĩ ra lâu rồi nhưng cảm thấy chưa ưng thì chưa làm. Như “Cái túi” lần này, tôi nghĩ đến từ tám năm trước, trong những lần giúp người thân đi bốc mộ. Khi trình bày lên L’espace lần đầu, được duyệt ngay, song về nghĩ lại, tôi thấy chưa ổn lắm, thế là xin phép dừng. Ba lần xin phép như thế mới ra sản phẩm cuối cùng”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trần Đức Quỷ đã có sáu triển lãm cá nhân, đều diễn ra ở L’espace. Một số tác phẩm sau đó được ưa chuộng, có gallery yêu cầu anh mô phỏng làm đồ để bán. Quỷ làm chừng hơn chục cái rồi thôi. “Sợ nhất là đi chỗ nào cũng thấy tác phẩm của mình. Cần tiền thì đi làm thuê. Tùng tiệm cũng sống được. Với lại, trong đời thực, tôi đeo đuổi sự tối giản, càng bớt được những ràng buộc về mặt vật chất, thì sống càng nhẹ nhõm”.

Không bị những ràng buộc cơm áo, vì may mắn Trần Đức Quỷ có một người vợ đảm, giúp anh quản lý nhà cửa, chăm sóc con cái. Anh bảo: “lấy vợ hơn mười năm, cho vợ được đúng 18 triệu”!

Trong triển lãm, nhiều người rất ngạc nhiên vì thấy một “Quỷ phẩy” giống hệt tác giả đứng tiếp khách. Hỏi ra mới biết, người đó là anh song sinh của Trần Đức Quỷ, tên Trần Đức Quyền, cũng là một họa sĩ. Câu chuyện song sinh, dính liền cũng từng là cảm hứng để Trần Đức Quỷ làm triển lãm “Hợp thể” trưng bày 36 cặp lợn song sinh bằng da thật, không đầu, với hai phần thân dưới dính liền nhau vào năm 2010.

PGS Bùi Quang Thắng, một nhà nghiên cứu hội họa cho rằng: “Trần Đức Quỷ là người hiếm hoi còn chất nghệ thuần tuý trong xã hội này: anh có thể làm cả lao động phổ thông để dành tiền làm nghệ thuật. Cái khốn khó của cuộc sống không thể ngăn cản anh tư duy, sáng tạo. Anh không làm thì thôi, nhưng khi đã làm là sáng tạo, là độc đáo”. Ông Thắng cũng cho rằng: “Cái túi” là một triển lãm “hay ho” của Trần Đức Quỷ.

Các triển lãm cá nhân của Trần Đức Quỷ

1. Nhìn - sắp đặt - 2003

2. Đàn vịt - sắp đặt - 2008

3. Hợp thể - sắp đặt - 2010

4. Những con mắt nguyên thủy - sắp đặt - 2013

5. Cái bóng nghiêng - sắp đặt - 2015

6. Cái túi - sắp đặt - 2017

Nghệ sĩ xởi lởi nhất nước

Ngồi uống nước trà vặt, ông đi qua bà đi lại Quỷ đều xởi lởi mời: anh uống nước, thầy uống nước, em uống nước!!! một cách thật thà, mến khách chỉ còn thấy ở những lão nông đời trước. Tôi đùa: anh xởi lởi với cả thế giới ấy nhỉ? Quỷ nghiêm túc đáp: mình trọng người, người mới trọng mình!

Tối trước hôm triển lãm, Quỷ còn lấm lem bùn đất đi làm thêm ở Quảng Ninh. Buổi sáng trời mưa tầm tã, anh mặc áo mưa, hớt ha hớt hải đi thử comple. Bình thường xuề xòa đến mức để Quỷ lẫn với một cơ số người làm nghề xe ôm, cửu vạn… cũng không ai nhận ra anh là nghệ sĩ điêu khắc có tiếng. Nhưng mỗi lần xuất hiện trang trọng trước công chúng, anh đều rất chú ý đến hình thức áo quần. Đồ đã mặc một lần sẽ không dùng lại. Ngày thường nhom nhem sao cũng được, nhưng đến ngày cưới, nhất định phải mặc áo cô dâu - đó là nguyên tắc của Trần Đức Quỷ.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.