Vợ ơi, đừng “tiểu thư” nữa nhé!

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
“Mở mày mở mặt” vì lấy vợ xinh đẹp giàu có chưa được bao lâu, tôi đã kịp “nếm trải” nhiều phen hoảng hồn vì vợ “tiểu thư quá đáng”…

Nhà có một “tiểu thư”

Tôi và em yêu nhau đúng kiểu “tiếng sét”. Kể ra thì như phim Hàn Quốc (dù tôi chẳng say mê gì thể loại phim ướt át ấy), nhưng quả thật, mới lần đầu chạm mặt nhau ở buổi ra mắt sản phẩm mới của công ty, tôi đã bị “đứng hình” bởi vẻ đẹp trong sáng nhưng không kém phần cá tính của em.

Nghe kể em là con nhà khuê các nhưng vẫn nhận làm PG để tự kiếm tiền trang trải cho bản thân tôi càng thêm yêu mến. Chiến dịch “đốn hạ” được tôi lên kế hoạch tỉ mỉ, đánh xa cho đến đánh gần, cuối cùng sau hai tháng, em đã nhận lời yêu. Ba tháng sau đó, một đám cưới ấm cúng và sang trọng đã đánh dấu mối quan hệ chúng tôi qua một trang mới. Những tưởng hạnh phúc sẽ từ đó thăng hoa…

Nhưng, sau khoảng trăng mật qua nhanh như gió thổi, trở về với cuộc sống đời thường, tôi bắt đầu đắm chìm trong mệt mỏi bởi tính tiểu thư của vợ. Mẹ tôi biết các con đi làm vất vả nên cũng chẳng bắt làm gì. Tuy nhiên, tôi thấy khó chịu bởi mỗi khi trở về nhà, vợ chỉ biết ngồi đó chờ cơm bưng ra là ăn. Ăn xong cũng không biết đường dọn cái bát để vào chậu rửa chứ đừng nói là rửa bát. Lúc nào em cũng sợ mùi thức ăn bám vào tóc tai thân thể, sợ hư gãy bộ móng mới sơn vẽ tỉ mẫn.

Buổi sáng, khi mọi người đã cùng ngồi vào bàn ăn thì em nằm ì trên giường, phải đợi chồng vào năn nỉ ỉ ôi mới chịu dậy. Vào bàn ăn, khi thì em tỏ ý chê bai món ăn, khi thì vùng vằng bỏ đi ra ngoài ăn. Bữa ăn nào em cũng hờn dỗi với chuyện thức ăn, thường xuyên bắt chồng đi mua phở, cháo... Cuối cùng tôi phải nhượng bộ không ăn sáng ở nhà cùng ông bà, sáng nào cũng chở em ra ngoài ăn.

Hầu như không ngày nào tôi cũng phải chịu những trận "nước mắt cá sấu", những cơn hờn dỗi, nhõng nhẽo vô cớ của vợ. Chỉ vì để nước ở mức quá nóng sau khi tắm khiến em “giật mình” tôi cũng bị tra tấn màng nhĩ suốt đêm không cho ngủ. Khi tôi quên đánh răng sau bữa ăn, thay vì nhắc nhở, em quay lưng vào tường không nói, báo hại tôi năn nỉ ỉ ôi, vò đầu bức tóc không biết vợ giận vì nguyên nhân gì.

Còn có lần cả nhà chúng tôi cùng về quê thăm ông bà ngoại. Mặc cho mẹ và chị dâu tôi hì hụi nấu nướng dưới bếp, em cứ thản nhiên thả bộ ngắm cảnh thiên nhiên. Tôi muốn chờ em tự giác nhưng vô ích. Khi tôi khuyên nhủ em nên vào bếp giúp đỡ mẹ và chị, cô ấy liền bày ra điệu bộ bị tổn thương sâu sắc. Hai mắt rưng rưng chỉ chực khóc, tay ôm tim như thể bất kỳ lúc nào cũng có thể ngã gục xuống. Thực tình, điệu bộ đó khiến tôi vô cùng nhức mắt chứ chẳng thương xót một chút nào. Nhưng có lẽ cũng có một chút tác dụng bởi tôi chẳng muốn nói gì với em nữa mà chỉ muốn bỏ đi cho đỡ bực.

Biết tôi bực bội, bố tôi cũng khuyên răn, chắc con bé mới làm dâu chưa quen, nên để thời gian cho em thích nghi dần. Tôi cũng hy vọng rồi em sẽ “quen dần” như lời bố nói. Nào ngờ, cả tháng sau, em vẫn không hề có chút nào biến chuyển. Nhiều đêm “đầu gối tay ấp”, tôi lựa lời khuyên nhủ, động viên em thay đổi, học cách làm một nàng dâu tốt. Nàng e thẹn vâng vâng dạ dạ, nói sẽ cố thay đổi vì tôi, vì hạnh phúc gia đình… Hai tháng sau, mọi chuyện vẫn nằm ở vạch xuất phát .

Bố mẹ tôi không khắt khe với con dâu, tuy nhiên nửa năm em về nhà, mẹ tôi không nói một lời trách móc con dâu nhưng cũng không thật sự thấy thoải mái vì cô ấy chẳng "mó tay" vào bất cứ công việc gì trong nhà.

Ngay cả khi hết giờ làm, em không về nhà ngay mà thường lang thang mua sắm, làm tóc, làm móng tay, móng chân, spa… cho đến tận tối mịt mới về. Quá đáng hơn vợ chồng có chuyện gì là em sang mách luôn với bố mẹ đẻ và ngay hôm đó tôi được mẹ vợ sang giáo huấn cho một bài học… Điều đó khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, stress.

“Tiểu thư” khác nữ tính

Các chuyên gia tâm lí cho rằng, một người phụ nữ dịu dàng, yếu đuối, nữ tính luôn có sức hấp dẫn đàn ông. Họ muốn chở che, chiều chuộng, nâng niu một người phụ nữ vốn rất cần họ. Song cũng cần hiểu sự yếu đuối, nhu mì của người vợ ở đây chính là sự nhường nhịn bao dung, sự đảm đang khéo léo trong thiên chức "xây tổ ấm" của mình. Sức hấp dẫn của người vợ với chồng chính là ở khả năng đảm đang với chuyện nhà cửa, chăm sóc chồng con. Một người vợ vụng về, một người vợ luôn là một "đứa trẻ" bên cạnh chồng là một nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Trong khi đó, những “tiểu thư” thường ít gặp khó khăn trong cuộc sống, nên sức chịu đựng không bền bỉ. Khi lập gia đình riêng với người chồng, chiếc “mặt nạ tình yêu” mơ mộng rơi xuống, hiển hiện trước mắt là đủ mọi khó khăn về mặt kinh tế, về việc thiết lập các mối quan hệ trong gia đình, nuôi dạy con cái… khiến nàng vốn chưa có “sức đề kháng với cái khổ”, dễ thấy trước mắt mình là “địa ngục” và nhanh chóng kết luận mình “lấy nhầm người”.

Yêu nhau và dẫn đến hôn nhân là một quá trình, thật ra nếu nói về tình cảnh của chàng trai trên thì một phần do người vợ, một phần do người chồng. Trước khi chọn vợ anh phải uốn nắn cô ấy ngay từ đầu thì hôm nay sẽ không có gì xảy ra. Thay vì dọa nạt, la mắng, bỏ bê, người chồng hãy dùng chính tình yêu của anh để thay đổi cô ấy.

Đừng quên rằng người vợ chính là nhân tố giữ cho ngọn lửa gia đình hạnh phúc.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG