Nhưng cao hơn thế, nhiều học giả trong và ngoài nước đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà chiến lược của cách mạng Việt Nam người góp phần kiến tạo nên một trật tự thế giới mới.
Báo Tiền Phong lược đăng những mốc son quan trọng trong chặng đường cách mạng của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà Nho. Năm 1930, khi mới 19 tuổi, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế).
Tháng 12/1944, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập với 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.
Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, đồng chí được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1945, Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 26/8/1945, Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu ở Hà Nội ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân.
Với tài thao lược xuất chúng của vị Bộ trưởng Quốc phòng 36 tuổi, dù lực lượng vũ trang còn non trẻ nhưng quân và dân ta đã giành được chiến thắng vang dội trong chiến dịch Việt Bắc 1947. Chiến dịch do Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng. Năm 1948, ở tuổi 37, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1950 trước sự bao vây cô lập của quân Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chủ động mở chiến dịch Biên giới với quy mô lớn và đã giành thắng lợi quan trọng: Phá thế cô lập của căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới Việt - Trung.
Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Chiến thắng cũng là minh chứng sinh động cho trí tuệ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân.
Trong chuyến kiểm tra vùng biển Quảng Ninh sau chiến dịch phá thủy lôi năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Quyết tâm bảo vệ toàn vẹn vùng biển, hải đảo của Tổ quốc”.
lTháng 12/1974-1/1975, Bộ Chính trị quyết định Tổng tiến công giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc tổ thường trực Bộ Tổng tham mưu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Trong bức điện mật ngày 7/4/1975 gửi các đoàn quân đang tiến về Sài Gòn, Đại tướng viết: “...Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa...”.
Ban Thời sự - Chính trị tổng hợp
Theo Báo giấy