Vô lý như Thiên thần hộ mệnh

0:00 / 0:00
0:00
Phòng trọ sinh viên cũng chật cứng đồ đạc
Phòng trọ sinh viên cũng chật cứng đồ đạc
TP - Thiên thần hộ mệnh được xem là bước lùi của Victor Vũ (nhà biên kịch, sản xuất phim người Mỹ gốc Việt) với cốt truyện dễ đoán, khiên cưỡng. Kịch bản đầy tình tiết vô lý góp phần biến phim thành một màn trình diễn thời trang, đồ nội thất và cả mì gói… hào nhoáng nhưng vô cảm.

Trailer khá hấp dẫn của Thiên thần hộ mệnh cho thấy phim nói về showbiz, chuyện bùa ngải trong giới ca sĩ qua công cụ búp bê kumanthong (thiên linh cái). Mà vô tình gần đây được nhiều người biết đến qua bê bối của một youtuber. Từ đó, hẳn có thêm nhiều khán giả tò mò về phim của Victor Vũ.

Vô lý như Thiên thần hộ mệnh ảnh 1

Mai Ly và hội bạn thân chỉ có mặt khi vui

Phim có một số cảnh phù chú, chăm nuôi, cúng bái kumanthong khá chi tiết, căn cứ theo một trào lưu có thật từ Thái Lan, lan ra các nước xung quanh. Tuy nhiên phim sẽ không bị mang tiếng là truyền bá cho niềm tin kumanthong (nuôi một linh hồn thai nhi trong hình hài búp bê để nhờ nó bảo vệ hoặc thực hiện những mong nguyện của chủ nhân). Vì ngoài con ma để làm màu, Thiên thần hộ mệnh vẫn thiên về trinh thám.

Dù lực lượng công an xuất hiện từ sớm nhưng chỉ mang tính hình thức. Cảnh sát mặc thường phục chẳng khác nào công chức bàn giấy, làm việc chẳng theo phép tắc nào, được cái hiền lành, nhẫn nhịn không ai bằng. Lạ lùng hơn, khó mà tìm thấy động cơ thuyết phục của những người báo thù. Lý do thì có, nhưng hành động kiểu đó chả khác nào tự sát theo nạn nhân. Trong khi với vị thế sẵn có, bọn họ hoàn toàn có thể dùng những biện pháp khác. Có ý kiến cho rằng ý tưởng kịch bản vẫn ảnh hưởng The invisible guest (Vị khách vô hình- 2016). Nhưng ở “bản gốc” Tây Ban Nha, vì cảnh sát bị mua chuộc nên gia đình nạn nhân mới phải tự giải quyết. Và giải quyết vô cùng khéo léo tinh vi, đúng luật.

Mặc dù Thiên thần hộ mệnh dành phần cuối giải mã nhiều sự kiện diễn ra trước đó nhưng vẫn còn vài thứ hay ho chưa được cắt nghĩa. Các con mồi toàn là thiếu gia thứ dữ đâu phải muốn “thịt” thế nào, khênh đi đâu cũng được… Phải cần một đội ngũ đủ đông, thật tinh nhuệ và phối hợp cực nhịp nhàng mới có thể thực hiện các hiện trường vụ án rình rang đầy tính “nghệ thuật sắp đặt”. Những cảnh “bếp núc” này nếu đưa được vào phim mới gọi là hay!

Toàn vụ án giết người ghê gớm với không ít manh mối và nhân chứng, thậm chí nghi can sờ sờ ra đấy nhưng cảnh sát vẫn hoàn toàn bó tay (hoặc có thể đã bị mua mà phim không tiện nói tới?!). Phải đến cuối cùng thì đội ngũ đặc nhiệm hùng hậu mới xuất hiện để áp tải những kẻ phạm tội không có ý chống cự. Vì bọn họ lúc đó đã hoàn thành “tâm nguyện”, đến mức phát chán không buồn động thủ nữa.

Vì phim có đối tác hoặc nhà tài trợ bán đồ nội thất nên hầu hết các cảnh nội đều lèn chặt các đồ vật rườm rà, màu mè. Khá nhiều sản phẩm tiêu dùng trong phòng ngủ hay bếp được quay cận và đủ lâu để khán giả thấy rõ nhãn hiệu. Đặc biệt ưu tiên một nhãn hiệu mì ăn liền không những cận nhiều lần mà còn được diễn viên xướng hẳn tên lên. Tất nhiên phải có cảnh Mai Ly- ca sĩ ngôi sao ở căn hộ hạng sang vẫn úp mì gói ăn đêm. Động tác được mô tả khá từ tốn. Mặc cho đó là lúc con ma bày trò hù dọa cô rõ lâu. Nếu có anh người yêu bên cạnh thể nào cô cũng hét toáng, nhảy dựng, ôm chầm… các kiểu. Có thể nói con ma chỉ đủ sức làm cho cô giật mình (khi nào muốn) chứ chả xi-nhê gì.

Mai Ly vốn là “con hát bè” (cô luôn tự xưng như thế) cho Lam Phương- ca sĩ nổi tiếng là “con gái duy nhất của tập đoàn bất động sản” cỡ bự, dẫn lời phát thanh viên truyền hình loan báo về vụ tự tử của cô này. Tất nhiên khán giả vẫn hiểu là con của ông chủ tịch. Chỉ khó hiểu tại sao đội ngũ biên kịch hùng hậu vẫn để lọt lỗi văn phạm này.

Lam Phương chuẩn bị cho cái chết của mình rất đẹp, rất công phu (chậm rãi hơn Mai Ly úp mì gói) nhưng quên béng việc để lại thư tuyệt mệnh, báo hại cả nhà phải hy sinh tất cả đi mò manh mối trả thù cho cô. Nếu đã “can đảm” đến mức vứt bỏ mạng sống của chính mình thì việc gì phải tha cho thủ phạm hại đời mình?! Phải chăng vì còn mải nghĩ đến việc mặc gì cho đẹp lúc chết. Hoặc có thể tự sát vì quá ngượng. Không phải vì bị sỉ nhục trước công chúng, mà vì mình… quá đần độn.

Ai đời đường đường ngôi sao đang nổi, con đại gia, có công ty quản lý, sắp cưới nhà sản xuất tài ba… số má đầy mình như vậy mà lại khơi khơi theo đuôi “con hát bè” đến một buổi tiệc ất ơ, trong khi còn không được mời trực tiếp. Tất nhiên đó không phải là tình tiết thiếu thuyết phục duy nhất trong phim. Liên tiếp những “hạt sạn” to nhỏ kiểu đó biến tổng thể Thiên thần hộ mệnh thành một màn diễn vụng về, lê thê.

Còn về Mai Ly, chỉ một câu nói của mẹ Lam Phương “tôi chỉ thấy một con điên trước mặt mình”- cũng đủ để tổng kết. Đây là một nhân vật đa diện, phức tạp, nhiều đất diễn. Và phải nói là Trúc Anh thể hiện tốt các trạng thái cảm xúc nhưng đáng tiếc chỉ dừng lại ở bề mặt. Cách thể hiện này tưởng như có thể giấu tính cách nhân vật để cuối cùng khán giả mới ồ lên, trông vậy mà không phải vậy. Nhưng thực ra nó làm cho nhân vật trở thành một thứ búp bê vô tri vô giác. Khóc cười đấy nhưng không có nội tâm, không biết suy luận, luôn tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm… Cũng phải, vì nhiều chỗ kịch bản phim tiến triển chính là nhờ vào sự đồng bóng của nhân vật này. Các tuyến nhân vật phụ hầu như đều không được khai thác khiến cho nhân vật chính chẳng biết bấu víu vào đâu, càng tiện cho đạo diễn “sai khiến”.

Phim mở đầu khá dễ thương với khung cảnh trường lớp, tình bạn học trò… nhưng càng về sau càng đuội dần. Và kết bằng một loạt diễn biến dồn dập, phi lý, lên tới đỉnh điểm của sự lãng xẹt. Chuyện sống chết mà làm như trò đùa… Một sự gắng gỏi đến tuyệt vọng để trình diễn nốt những cảnh quay đẹp khép lại một bộ phim đậm tính hình thức.

Dù sao, phim vẫn được kha khá nhãn hàng tin cậy gửi gắm làm quảng cáo, ra rạp vẫn thu bộn tiền vé (cho đến khi gặp lệnh ngừng chiếu vì COVID-19). Vậy nên, đạo diễn chắc còn lâu mới có động lực để làm phim khác đi.

Nhiều nhân vật trong phim mắc chứng “tâm thần phân liệt”. Chẳng hạn đang lịch sự nhảy phắt sang ghê gớm xong lại trở về mềm mỏng. Mai Ly chính là bệnh nhân nặng nhất. Cô này chuyển xoành xoạch từ hiền sang dữ, từ khôn sang dại... Nếu trong phim nhân vật tự nhận mình là “con rối” thì diễn viên chính xác là như vậy trong tay đạo diễn. Tiếc cho công sức diễn xuất bị uổng phí khi bị đặt vào những tình huống chẳng liên quan.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.