Vỡ đập thủy điện ở Lào: An toàn đập trên lưu vực Mekong đáng lo ngại

Người dân ở trên nóc nhà ẢNH: INTERNET
Người dân ở trên nóc nhà ẢNH: INTERNET
TPO - Vụ vỡ đập thủy điện ở  Lào một lần nữa cho thấy vấn đề an toàn đập trên lưu vực Mekong thực sự đáng lo ngại.

Chiều 25/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết: Vụ vỡ đập thủy điện Xepian Xe Nam Noy tỉnh Attapeu (Lào) ít có khả năng ảnh hưởng lớn đối với ĐBSCL vì hiện nay đang là mùa lũ, nước chảy tràn trên diện rộng.

Hơn nữa, đập này nằm ở dòng nhánh dù là cuối cùng đổ ra sông Mekong nhưng nằm cách chúng ta khá xa khoảng trên 600km. “Trong vài ngày tới khối nước này về sẽ gây gia tăng mực nước ở Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) vài cm, nên không đáng lo lắm”, ông Thiện nói.

Tuy nhiên, theo ông Thiện, với thảm họa này, một lần nữa cho thấy vấn đề an toàn đập trên lưu vực Mekong thực sự đáng lo ngại:  "Sự kiện vỡ đập Xepian Xe Nam No lần này không phải là lần đầu. Năm ngoái, đập Nam Ao ở tỉnh Xayxomboun vỡ đã làm ngập 7 làng. Như vậy, chuyện gì cũng có thể xảy ra".

Vỡ đập thủy điện ở Lào: An toàn đập trên lưu vực Mekong đáng lo ngại ảnh 1 Người dân bị cô lập sau sự cố vỡ đập. Ảnh: Internet
Ông Thiện cho rằng, đối với ĐBSCL, điều lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền. Đặc biệt là đối với đập dự kiến Sambor ở Campuchia trên dòng chính và gần ĐBSCL nhất. "Hình dung sông Mekong như một cái cây có nhiều nhánh lớn; từ nhánh lớn lại phân ra nhánh nhỏ. ĐBSCL nằm ở gốc cây và đập Sambor nằm ở thân cây. Đập Sambor sẽ gánh chịu rủi ro của tất cả các đập phía trên. Bất cứ đập nào phía trên vỡ đều cuối cùng ảnh hưởng đến Sambor. Nếu Sambor vỡ khi đó ĐBSCL sẽ cực kỳ nguy hiểm”, chuyên gia Thiện cảnh báo.
Vỡ đập thủy điện ở Lào: An toàn đập trên lưu vực Mekong đáng lo ngại ảnh 2 Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL
Cũng theo thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, một điều đáng lo ngại là vụ vỡ đập Xepian Xe Nam Noy cho thấy cách làm thủy điện trong lưu vực Mekong chưa đạt độ chuyên nghiệp, tin cậy, ứng phó bị động, thiệt hại lớn”, ông Thiện nói. Theo ông Thiện, lẽ ra khi thiết kế đập, người ta đã có mô phỏng các tình huống vỡ đập, đi kèm là các kế hoạch khẩn cấp để không có thiệt hại lớn. Thực tế vụ vỡ đập Xepian Xe Nam Noy không chứng minh được điều đó. “Các nhà môi trường đã luôn luôn cảnh báo rằng lợi ích của thủy điện Mekong là quá nhỏ so với rủi ro đối với con người và môi trường trong toàn vùng”, ông Thiện nói.
MỚI - NÓNG