Đi du lịch giải tỏa căng thẳng, giảm cảm giác "cuồng chân"
Thời điểm du lịch mở cửa trở lại sau hai năm "đóng băng" vì đại dịch COVID-19, chị Hương Hainy và chồng là anh Trần Đức (cùng 34 tuổi, sống ở Hà Nội) quyết định chọn châu Âu làm điểm đến xuất ngoại lần này.
Chị Hương cho hay, hai vợ chồng đam mê xê dịch nên cảm thấy "cuồng chân" sau thời gian dài tạm hoãn các kế hoạch vi vu vì dịch bệnh. Họ cũng ấp ủ dự định du lịch châu Âu từ lâu bởi cả hai thật sự mong muốn có chuyến đi "tự thưởng" cho bản thân sau những bộn bề, vất vả từ công việc, cuộc sống và con cái.
"Với chúng mình, du lịch không đơn thuần là khám phá nữa mà còn được xem như dịp để cả hai dành trọn thời gian cho nhau, làm mới lại mối quan hệ và hâm nóng tình cảm vợ chồng. Tiêu chí của chuyến đi chủ yếu để tận hưởng cuộc sống Châu Âu, kỉ niệm 5 năm kết hôn, dành thời gian vừa khám phá vừa hâm nóng quan hệ vợ chồng sau bao vất vả con cái, công việc", chị Hương chia sẻ.
Trước đây, chị Hương từng có thời gian dài du học ở Đức, nhiều lần đặt chân tới các nước khối Schengen nên việc di chuyển, ăn uống, lưu trú tại châu Âu với chị gần như "nắm trong lòng bàn tay".
Bởi vậy, chuyến xuất ngoại cùng chồng lần này, chị hào hứng đảm nhiệm lên kế hoạch, lịch trình di chuyển. Còn anh Đức nghiên cứu việc xin visa, đặt vé và phòng nghỉ… Anh cũng cảm thấy yên tâm, tự tin với hành trình du lịch xa nhà hàng chục nghìn cây số vì có người vợ đầy kinh nghiệm đồng hành.
Với tiêu chí du lịch để tận hưởng, anh chị lựa chọn đi "ít nhưng chất", thong thả trải nghiệm từng nơi thay vì nhồi nhét nhiều địa danh trong lịch trình khám phá (Ảnh: Huong Hainy). |
Chuyến đi của cặp đôi Hà Nội kéo dài 15 ngày, từ 31/10 - 14/11, đi qua 4 quốc gia gồm Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan, Đức và qua 12 thành phố: Karlsruhe, Dusseldorf, Koln, Siegen (Đức); Thun, Lauterbrunnen, Bern, Basel ( Thụy Sĩ); Colmar, Strasbourg, Paris (Pháp) và Amsterdam (Hà Lan).
"Bốn quốc gia này nằm gần nhau nên du khách dễ dàng di chuyển qua lại giữa các nước bằng phương tiện như xe bus, tàu điện ngầm… Nếu muốn tiết kiệm thời gian và chi phí, du khách nên đặt trước vé để chuyến đi thuận lợi hơn", chị chia sẻ.
Trong hành trình nửa tháng khám phá châu Âu, đôi vợ chồng tuổi 34 đặc biệt ấn tượng với Thụy Sĩ.
Một số điểm đến mà cả hai yêu thích khi ghé thăm Thụy Sĩ là thành phố Thun và Lauterbrunnen - thị trấn nằm ở một trong những thung lũng đẹp bậc nhất Thụy Sĩ với những con đường, ngôi nhà nhỏ xinh nằm cạnh thác nước, xa xa là đỉnh Jungfraujoch.
Khung cảnh bình yên ở thành phố Thun, Thụy Sĩ (Ảnh: Huong Hainy). |
Anh Đức cho biết, ban đầu "chiều vợ", muốn đưa vợ đến những địa điểm xuất hiện trong một bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng mà chị từng xem và yêu thích. Tuy nhiên, khi tận mắt ngắm nhìn cảnh sắc ở Thụy Sĩ, anh nhận thấy quyết định ghé thăm quốc gia này là hoàn toàn xứng đáng, "hơn cả mong đợi".
"Thụy Sĩ quá đẹp và được thiên nhiên ưu ái ban tặng mọi thứ. Ở đây có sông, hồ, núi non, núi tuyết, cây cối… Mọi thứ đều lãng mạn, nên thơ và được khai thác một cách hài hòa, không phá vỡ cảnh quan tự nhiên", anh Đức nhớ lại.
Hệ thống giao thông văn minh, hiện đại cũng là điểm cộng ở Thụy Sĩ khiến đôi vợ chồng Việt không khỏi trầm trồ.
Ở đây, du khách không mất nhiều công sức để di chuyển đến các địa điểm du lịch. Quãng đường đi bộ để chinh phục những nơi như Top of Europe - Jungfraujoch, cây cầu bắc qua hai thị trấn trên núi Sigrid Will hoặc đỉnh Harder Kulm - Top of Interlaken… đều rất thuận tiện. Du khách có thể đến tận nơi bằng xe buýt hoặc tàu, cáp treo.
Chị Hương khám phá lâu đài băng trên đỉnh Jungfraujoch (Thụy Sĩ) - đỉnh núi được mệnh danh "nóc nhà châu Âu" (Ảnh: Huong Hainy). |
Ở Đức, chị Hương và anh Đức đi qua 5 thành phố Frankfurt, Karlsruher, Dusseldorf, Koln và Siegen (Đức). Trong đó, Frankfurt, Karlsruhe chủ yếu là địa điểm trung chuyển để tới Thụy Sĩ nên cả hai chưa có nhiều thời gian trải nghiệm ở đây.
Cặp đôi dành ra 3 ngày cuối ở nhờ nhà một người bạn của chị Hương tại thành phố Siegen (Đức) để trải nghiệm cuộc sống của người bản địa. Đây cũng là nơi chị từng theo học thạc sĩ trong 2 năm.
Họ rong ruổi trên những con đường ngập lá vàng, dạo bộ trong rừng, thu hoạch táo dại bên đường hay ngắm những lâu đài cổ kính trên đồi… để cảm nhận nhịp sống chậm rãi và bình yên ở châu Âu.
Vợ chồng chị Hương may mắn đến Đức đúng dịp tổ chức lễ hội hóa trang lớn nhất của quốc gia này (Ảnh: Huong Hainy). |
Bên cạnh đó, cả hai còn được hòa mình vào không khí lễ hội hóa trang lớn nhất nước Đức - Karneval ở Dusseldorf và Koln ngay hôm khai mạc, ngắm nhìn đoàn người trong những màn hóa trang rất đa dạng và ngộ nghĩnh.
"Không khí lễ hội thật sự vui nhộn và sôi động. Chúng mình cảm thấy rất may mắn khi có cơ hội tham gia lễ hội ở Đức vì nếu đi tour sẽ rất khó có thể gặp được những lễ hội mang bản sắc riêng như vậy", chị Hương kể.
Cặp đôi chụp hình trước tháp Eiffel, Pháp (ảnh trái) và bảo tàng Van Gogh, Hà Lan (ảnh phải) (Ảnh: Huong Hainy). |
Nữ du khách Việt bày tỏ, mỗi quốc gia lại mang vẻ đẹp riêng, cho họ những cảm xúc rất khác. Ở Hà Lan, đôi vợ chồng có cơ hội tham quan bảo tàng Van Gogh, chiêm ngưỡng những bức tranh nổi tiếng của Van Gogh bằng mắt thật.
Hay những ngày ở Paris (Pháp), chị Hương, anh Đức đi ngắm tháp Eiffel; mua sắm ở khu phố thời trang xa xỉ bậc nhất thế giới; ăn hải sản xếp 2 tầng kiểu Pháp; ghé bảo tàng Louvre hay đi dạo ở vườn hoa Luxembourg, đạp xe dưới ánh trăng qua nhà thờ Notre Dame.
Vợ chồng chị Hương dành 2 ngày đi lại ở Amsterdam bằng xe đạp như người bản địa, ghé qua một số điểm check-in ở Thủ đô (Ảnh: Huong Hainy). |
Tối ưu chi phí nhờ kế hoạch quản lý tài chính khéo léo
Trước chuyến đi, chị Hương và anh Đức ước tính chi phí khoảng 60-70 triệu đồng/người, và thực tế, các khoản tiền phải bỏ ra không chênh lệch nhiều so với dự kiến.
Với các chi phí như đi lại, ăn uống, chỗ ở… anh Đức chị Hương cố gắng cân đối hài hòa để vừa có trải nghiệm chất lượng, vừa phù hợp túi tiền (Ảnh: Huong Hainy). |
Theo kinh nghiệm của chị Hương, không cần đặt vé máy bay từ trước mà đặt vé của hãng hàng không Vietnam Airlines, chọn thanh toán trả sau (pay later). Khi có visa rồi, du khách có thể đặt vé máy bay, vé tàu, phòng ở, vé bảo tàng, .. với giá rẻ nhất.
Ví dụ với chi phí di chuyển ở Thụy Sĩ, vợ chồng chị Hương đặt trước để có giá tốt nhất. May mắn, anh chị tới đây đúng đợt vé Swiss travel pass 4 days (thẻ du lịch đa năng, du khách có thể đi lại bằng nhiều phương tiện trong 4 ngày ở Thụy sĩ) trên website SBB được giảm giá vào dịp mùa thu từ 281 CHF (hơn 7,1 triệu đồng) xuống còn 199 CHF (5 triệu đồng) nên tiết kiệm được kha khá tiền đi lại tại quốc gia này.
"Đối với những chặng đi lại giữa các quốc gia như từ Paris đến Amsterdam; Karlsruhe đến Basel hay Amsterdam đến Dusseldorf, chúng mình cũng đều phải đặt trước qua ứng dụng Omio, vừa chủ động được lịch trình, vừa tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, có những chặng dài khoảng 5-6 tiếng đổ lại, hai vợ chồng chọn đi xe buýt liên tỉnh ở châu Âu để giảm chi phí mà cũng không bị mệt mỏi", người phụ nữ Hà Nội chia sẻ.
Chị Hương check-in tại Lauterbrunnen, Thụy Sĩ (Ảnh: Huong Hainy). |
Về dịch vụ lưu trú, cặp đôi chủ yếu thuê chung cư hoặc homestay mà có bếp ăn chung đối với những nơi đắt đỏ như Thụy Sĩ. Chi phí homestay ở đây có giá khoảng 1,1 - 1,2 triệu đồng/đêm, tương tự như ở Đức.
Chị Hương cho hay, hầu hết homestay ở châu Âu đều cung cấp đầy đủ tiện nghi như nồi, lò nướng, bếp điện, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy.. Du khách nếu không vội trả phòng để di chuyển đến thành phố khác thì nên chọn homestay.
Trường hợp những nơi có giá phòng hợp lý, vị trí gần trung tâm thì du khách nên thuê khách sạn.
Vợ chồng chị Hương từng đặt phòng trong khách sạn 4 sao ở Colmar (Pháp) với giá 1,7 triệu đồng/đêm hay nghỉ tại khách sạn 3 sao ở khu phố Vieux Colombier, Paris có giá 3,5 triệu đồng/đêm. Trong hình là Colmar, Pháp (Ảnh: Huong Hainy). |
Chị Hương thừa nhận, những món ăn như steak, pizza, mì ở châu Âu khá đắt đỏ, ăn nhiều nhanh ngấy nhưng thực phẩm trong siêu thị lại chất lượng, tươi ngon và chi phí phải chăng.
Kết thúc chuyến đi hơn nửa tháng ở châu Âu, đôi vợ chồng Hà Nội tiêu tốn chưa quá 70 triệu đồng/người. Trong đó, vé máy bay 22 triệu đồng/người/khứ hồi; phí visa khoảng 3 triệu đồng/người; tiền phòng nghỉ khoảng 13,5 triệu đồng/người.
Theo chị Hương, tiền đi lại là tốn kém nhất, khoảng 18 triệu đồng/người. Vì họ chủ yếu tự nấu nướng nên chi phí ăn uống tiết kiệm hơn, chỉ 8 triệu đồng/người.
Chị lưu ý thêm, nếu du lịch châu Âu, du khách nên mua sim từ Việt Nam để có mức giá rẻ. Chị mua trên sàn thương mại điện tử chưa tới 500.000 đồng, dùng được ở phạm vi toàn châu Âu trong 30 ngày.
Du khách cũng nên chuẩn bị trước cục cắm đổi nguồn quốc tế vì chân cắm dây điện bên châu Âu không giống ở Việt Nam nên mua trong nước vừa rẻ, vừa dễ tìm.
Link gốc: https://dantri.com.vn/du-lich/vo-chong-o-ha-noi-du-lich-chau-au-nua-thang-chi-ton-70-trieu-dongnguoi-20221215185458357.htm