Vợ chồng ly hôn vì dự án chung cư chậm tiến độ
> Người mua nhà vẫn chấp nhận tiền ‘chênh’
> Nhà ở xã hội lép vế trước căn hộ giá rẻ
Để mua căn hộ chung cư tại dự án Ngoại giao đoàn, chị Hương Tr. phải vay ngân hàng. Thế nhưng dự án không giao nhà đúng tiến độ, lại mâu thuẫn tiền bạc khiến vợ chồng chị ly hôn.
Ông Trần Hữu Nam - Phó tổng giám đốc Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp Hà Nội (người đứng). |
Trước áp lực từ khách hàng mua chung cư tại dự án Ngoại giao đoàn, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, chủ đầu tư dự án đã trả lời báo chí rằng "có việc chúng tôi chậm tiến độ, chúng tôi không bao giờ bán dự án, sẽ làm và bàn giao nhà cho khách".
Trả lời PV, ông Trần Hữu Nam - Phó tổng giám đốc Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp Hà Nội có trụ sở tại ngõ 85 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết, đến nay dự án không có chuyện bán cho chủ đầu tư khác. Ông Nam nhấn mạnh việc khách hàng bức xúc chủ đầu tư cũng dễ hiểu nhưng mong khách hàng thông cảm vì nguyên nhân chậm tiến độ là do khách quan chứ không phải do từ phía công ty.
“Thực sự nguồn vốn thời gian vừa rồi chúng tôi không thể lo được và ngoài sức kiểm soát. Vì nó mà chúng tôi rất trăn trở, khiến quan hệ lợi ích của chủ đầu tư và khách hàng có những xung đột. Hi vọng là trong thời gian tới, dự án tháo gỡ được nguồn vốn” - ông Nam bày tỏ.
Đã nhiều lần, công ty gửi đơn vay vốn từ các ngân hàng nhưng các ngân hàng xuống khảo sát rồi xem xét cả tháng trời họ mới hồi âm lại cho công ty. Khi đó, vốn chưa chắc chắn nên công ty không hồi âm lại cho khách hàng ngay được.
Ông Nam còn cho biết thêm, công ty sắp tiến hành thi công và hứa với khách hàng chậm nhất đến quý I hoặc quý II/2016 sẽ bàn giao nhà cho khách hàng.
Trước việc thực hiện bàn giao nhà muộn gần 3 năm so với hợp đồng để giải quyết việc bồi thường cho khách hàng ra sao, ông Nam cho biết sẽ xem xét từng khách hàng cụ thể để đưa ra được biện pháp tối ưu nhất cho khách hàng và cho công ty. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho biết trong hợp đồng chúng tôi cũng ghi rõ trong trường hợp bất khả kháng, khách quan tiến độ có thể chậm. Như thế trong thực tế kinh tế khó khăn nên công ty chưa có vốn xây dựng.
Trong khi đó, thực tế khách hàng đều đóng từ 700 đến 800 triệu đồng cho một căn hộ. Đến thời điểm này, số tiền công ty thu của khách lên đến vài chục tỷ. Nghi ngờ về khả năng tài chính của công ty, tại sao các dự án bên cạnh họ thi công được mà dự án Ngoại giao đoàn không thể xây dựng được?, ông Nam lý giải "chúng tôi đã chi cho dự án vài chục tỷ đồng nên vẫn cố cho dự án về đích. Số tiên tôi đã thu của khách thu chi ra sao khách hàng đòi minh bạch rõ thì không thể".
Tranh chấp về tiến độ của dự án có thực và công ty hứa đến năm 2016 sẽ bàn giao nhà. Sở dĩ, ông Nam tính đến năm 2016 bàn giao nhà vì ông tính toán cụ thể để xây dựng phần thô mất mỗi tầng 10 ngày tương đương với hơn 200 ngày. Nhưng phần hoàn thiện mất hơn 400 ngày. Cộng với ngày nghỉ lễ tết, mưa gió nữa thì chậm nhất đến quý II năm 2016 dự án mới xong.
Trước hứa hẹn của công ty đa số khách hàng đều nghi ngờ khả năng về đích của dự án. Nhiều khách hàng tỏ ra mệt mỏi muốn thanh lý hợp đồng.
Bức xúc trước những lời hứa viển vông của chủ đầu tư, chị Võ Hương Tr, một khách hàng mua chung cư tại đây chia sẻ: "Bao nhiêu năm nay, tôi phải vay tiền ngân hàng để nộp cho chủ đầu tư mong ngày nhận nhà nhưng càng mong càng thấy mất tăm. Nhiều lần đến công ty thì không gặp được ban lãnh đạo công ty. Đã thế, chị gửi đơn phản ánh cũng chẳng có hồi âm gì. Để gặp được lãnh đạo công ty tìm hiểu tiến độ ra sao cũng không được. Năm, bẩy lần tôi đến rồi lại đi về trong vô vọng. Đến nay, tôi không còn niềm tin dự án sẽ hoàn thành".
Trong cuộc gặp đối chất với khách hàng vào cuối tuần qua, chị Tr. mệt mỏi cho biết: "Tôi không theo được nữa. Vợ chồng tôi ly hôn cũng vì nhà cửa, vì các vị". Theo như lời chị Tr. vợ chồng chị muốn mua được căn chung cư nên gom góp vốn và vay thêm ngân hàng để mua nhà. Nào ngờ, tiền đóng vào dự án, lãi suất trả hàng tháng đều như vắt chanh nhưng không nhận được hồi âm gì của chủ đầu tư của dự án.
Hiện tại, chị Tr. phải đi thuê nhà mỗi tháng mất 5 triệu đồng. Vì chuyện nhà cửa nợ nần mà vợ chồng chị phải ly hôn. Nói trong tuyệt vọng, chị Tr. chỉ mong công ty trả lại tiền cho chị "tôi không đủ sức. Tôi làm sao có thể trả lãi thêm vài năm nữa để chờ dự án hoàn thành".
Cùng cảnh ngộ với chị Tr. bác Vũ Thị H. cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hiện tại, bác và cả gia đình phải đi thuê nhà chờ ngày bàn giao dự án. Ngày đầu, dự án quảng cáo rầm rộ, lời hứa tiến độ nhanh, lại là công ty nhà nước nên mọi người yên tâm mua ở đây. Có căn nhà cũ, bác bán đi góp vốn cùng công ty nhưng đến nay dự án cứ đắp chiếu nằm đó trong sự chờ đơi mòn mỏi của gia đình bác.
Theo Đời sống pháp luật