Hai chục năm trung thành với đề tài phố Hà Nội theo phong cách trừu tượng và mô-típ “ô vuông”, Nguyễn Bảo Hà (sinh 1971) đã thành một thương hiệu gì đó, khiến cho tranh của anh bị chép và bày bán công khai trên mạng, với giá trên dưới 200.000 đồng/bức.
Hà cười hiền lành: “Tôi chỉ biết dành thời gian để sáng tác. Bức xúc đấy nhưng chỉ biết nhờ cậy cơ quan quản lý văn hóa. Mình được đào tạo, nhiều năm gắn bó với nghệ thuật mới sáng tạo ra tác phẩm, để rồi những người không có chút tư duy nghệ thuật, không trăn trở làm việc hưởng thành quả. Giá trị tranh chép theo thời gian, ai trót mua sẽ thấm thía”. Bảo Hà hy vọng việc thực thi quyền tác giả trong lĩnh vực hội họa cũng được quan tâm như âm nhạc. Tất nhiên tranh nhái Nguyễn Bảo Hà chỉ có ở các cửa hàng chuyên chép tranh để bán như đồ lưu niệm.
Về sự khác nhau giữa tranh nhái và tranh thật, tác giả cho hay: “Trông có vẻ giống nhưng khác nhau rất nhiều. Như kiểu con công đứng cạnh con cuốc. Tôi sử dụng nhiều kỹ thuật tổng hợp để vẽ được mặt tranh như thế này. Chép lại chỉ có thể hơi giông giống”. Tuy mô-típ hình khối trong tranh Nguyễn Bảo Hà khá đồng nhất nhưng tác giả cho hay mỗi bức có đời sống riêng. Mỗi khi ra phố, anh thường lưu lại trong đầu hình ảnh về những góc phố ưa thích, để lần sau quay lại ký họa. Như vậy sau mỗi hình ảnh trừu tượng là một góc phố thật, chứ không phải họa sĩ ngồi ở nhà sản xuất hết bức này đến bức khác.
Cũng có một số thử nghiệm theo phong cách khác, nhưng rút cuộc Bảo Hà vẫn trung thành với phố trừu tượng, ô vuông. Phải chăng vẽ kiểu này bán tốt, nên anh cứ thế vẽ suốt 20 năm? “Đây là ý thích. Khi đã thích thì gửi gắm tâm huyết vào đấy chứ không phải vì bán được. Nó là cuộc dạo chơi, mình cứ đi thử xem được bao xa”, Hà nói.
Không phải tình cờ mà tên của triển lãm của Nguyễn Bảo Hà và Vũ Minh Huệ là Bản giao hưởng màu sắc. Nhịp điệu và màu sắc chính là đặc điểm chung nổi bật trong tranh của hai vợ chồng. Nếu trong tranh phố của chồng, hai yếu tố này còn có sự tách biệt thì ở các cánh đồng hoa của vợ, nhịp điệu và màu sắc hòa làm một. Tranh của chồng còn có tên, của vợ thì không.
“Tranh thể hiện tâm hồn”, chị Huệ nói. “Khi đã thành vợ chồng, sở thích mọi cái dễ giống nhau. Có thể tranh cũng sẽ giống”. Theo Huệ, vợ chồng chị cùng thích màu sắc tươi sáng và điều đó thể hiện khá rõ trong tranh.
Nếu tranh của anh đầy những phố, thì tranh của chị bạt ngàn hoa. Hình như cùng một giống hoa nhưng được trình bày ở nhiều trạng thái, sắc độ, kích cỡ khác nhau. Nguyễn Bảo Hà và Vũ Minh Huệ từng cùng triển lãm tại Singapore. Bản giao hưởng màu sắc đánh dấu lần đầu tiên họ triển lãm chung tại Hà Nội.