Vở cải lương lý giải huyền tích vua Lý Công Uẩn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vở cải lương "Huyền thoại gò Rồng ấp" lý giải huyền tích hấp dẫn về vua Lý Công Uẩn, do NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng.

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - dàn dựng tác phẩm trên sân khấu cải lương từ kịch bản của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ.

Câu chuyện lấy bối cảnh gò Rồng ấp - nơi được tiên đoán phát mệnh đế vương, nơi chôn cất cha mẹ người con gái tên Phạm Thị Ngà. Người con gái này gặp chuyện kỳ bí thụ thai trong lễ hội phồn thực của địa phương, sau này sinh ra vua Lý Công Uẩn.

Vở cải lương lý giải huyền tích vua Lý Công Uẩn ảnh 1

Vở cải lương “Huyền thoại gò rồng ấp” lý giải huyền tích vua Lý Công Uẩn

Ảnh: KỲ SƠN

Từng dàn dựng trên sân khấu kịch nói, NSND đạo diễn Triệu Trung Kiên một lần nữa chuyển thể sang cải lương. Huyền thoại gò rồng ấp không chỉ lý giải về sự ra đời của vị vua khai quốc thời Lý, tác phẩm còn dựng lại bức tranh xã hội Việt Nam vừa qua thời loạn 12 sứ quân. Câu chuyện còn có nhiều lớp lang với các nhân vật như Thiền sư Vạn Hạnh - người hiểu rõ chân mệnh thiên tử và luôn bảo vệ che chở cho mẹ con Thị Ngà trước mọi âm mưu của gia đình Phú hộ.

NSƯT Lê Chức - thành viên Hội đồng nghệ thuật của Bộ VHTTDL - nhận định câu chuyện về vua Lý Thái Tổ mang tính huyền thoại, nhưng nhiều khi cái không thực lại được người ta tin thậm chí còn hơn cả cái thực. “Lý giải cái không thực để làm sáng đẹp hơn cho nhân vật chính là sự thành công với văn học nghệ thuật. Vở cải lương Huyền thoại gò rồng ấp đã làm được điều này. Nó đặt ra một vấn đề thời sự mang giá trị tư tưởng của thời đại, của đất nước”, ông nói.

Với sở trường dàn dựng các vở diễn đề tài lịch sử, NSND Triệu Trung Kiên quy tụ được các nghệ sĩ giỏi nghề như Minh Nguyệt, NSƯT Quang Khải, hay các gương mặt như Ngọc Linh, Lệ Hằng, Thiên Kiều, Xuân Thông…

Từng gây ấn tượng với sân khấu hoành tráng và đầy thẩm mỹ với vở Vua Phật (đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên), NSƯT Doãn Bằng tiếp tục hiện thực hóa ý tưởng sân khấu Huyền thoại gò rồng ấp. Điểm nhấn là mô hình gò rồng ấp giữa sân khấu có thể xoay chuyển linh hoạt. Đạo diễn đưa vào nhiều nét văn hóa của người Việt cổ như sinh hoạt tín ngưỡng phồn thực, mộ táng...

NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ ở bản dựng kịch nói anh thiên về tả ý còn với phiên bản cải lương này đạo diễn khai thác diễn biến tâm lý của nhân vật. Vì thế các nghệ sĩ có thêm đất diễn để tung tẩy hơn, trong đó không thể không nhắc tới diễn xuất nhập vai và giọng ca ấm của NSƯT Quang Khải - trong vai Thiền sư Vạn Hạnh. Với mong muốn đưa cải lương tới gần với công chúng, vở diễn có sự kết hợp giữa các loại từ ca, kịch đến hình thể để tạo nên phiên bản có giá trị nghệ thuật mà vẫn hấp dẫn ở khía cạnh giải trí.

Lý giải huyền thoại về vua Lý Công Uẩn, tác giả kịch bản và đạo diễn chung mục đích chuyển tải thông điệp về cõi đất, trời Nam là nơi địa linh nhân kiệt đã hun đúc và sinh ra những người con làm rạng danh đất nước.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.