VNPT năm thứ 5 đạt mức tăng trưởng trên 20%

VNPT năm thứ 5 đạt mức tăng trưởng trên 20%
Vượt qua nhiều sóng gió của thị trường viễn thông, VNPT cán đích 2018 với lợi nhuận 6445 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017, tiếp tục là thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong các bảng xếp hạng uy tín thế giới.

Lợi nhuận vượt 9,4% kế hoạch

Năm 2018 ghi nhận sự biến động của thị trường viễn thông với hàng loạt chính sách mới được ban hành như áp dụng mức trần khuyến mãi với thuê bao trả trước 20%, thực hiện chuyển mã vùng thuê bao cố định, chuyển thuê bao di động 11 số về 10 số, dừng dịch vụ thanh toán thẻ cào di động hay thực hiện chủ trương cập nhật thông tin thuê bao. Những chính sách trên tạo ra nhiều thách thức cho các nhà mạng ở Việt Nam, trong đó có VNPT. Dù vậy, với quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra, VNPT đã triển khai nhiều giải pháp kinh doanh để cán đích năm 2018 với những con số rất ấn tượng.

Lợi nhuận của VNPT đạt 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so thực hiện năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Tổng nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 4.476 tỷ đồng, đạt 117,5% kế hoạch, tăng 18% so với thực hiện năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,2%, đạt 109,6% kế hoạch, tăng 23% so với thực hiện năm 2017. Nếu loại trừ ảnh hưởng của dịch vụ Vinasat, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 12,2%, tăng 22,3% so với thực hiện năm 2017.

Quy mô mạng lưới, dịch vụ viễn thông, CNTT của Tập đoàn tiếp tục được mở rộng và duy trì an toàn. Công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng mạng lưới của VNPT được thực hiện có trọng điểm, tổ chức thực hiện các chương trình riêng với từng địa bàn. Kết quả đo kiểm so sánh chất lượng 3 nhà mạng di động cho thấy mạng Vinaphone đứng thứ nhất với 4/9 chỉ tiêu KPI quan trọng tại phần lớn các tỉnh/Tp. Hiện tại, các chỉ tiêu chất lượng mạng và dịch vụ đều duy trì ở mức cao hơn so với quy định của Bộ TT&TT và của chính Tập đoàn.

Năm qua, VNPT đã tối ưu hóa, mở rộng thuê kênh quốc tế trực tiếp đến các vùng lãnh thổ để giảm độ trễ, nâng cao chất lượng dịch vụ; hoàn thành đàm phán IoT với 159 nhà mạng tại 89 quốc gia trên tổng 454 mạng di động đã khai thác dịch vụ chuyển vùng quốc tế.

Với những thành tựu đạt được trong năm qua, VNPT tiếp tục ở Top đầu bảng xếp hạng các thương hiệu hàng đầu Việt Nam. VNPT nằm trong Top 3 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam 2018 do Brand Finance, nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới công bố. Giá trị thương hiệu của VNPT năm 2018 được định giá là 1.339 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017. Cùng với thương hiệu VNPT, thương hiệu VinaPhone trực thuộc Tập đoàn cũng đứng thứ 7 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam 2018, tăng 15% so với năm 2017. Trước đó, VNPT được xếp ở vị trí thứ 3 và VinaPhone xếp ở vị trí thứ 6 trong Top 40 thương hiệu công ty Việt Nam giá trị nhất 2018 do Forbes Việt Nam công bố.

Tham gia mạnh mẽ vào chuyển đổi số

Nhận định về năm 2018, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT nhận định, điểm sáng nhất trong bức tranh kinh doanh của tập đoàn là việc tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số. Trước đó, cuối năm 2017, VNPT đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Chiến lược VNPT4.0) với định hướng chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực Châu Á.

Thực hiện mục tiêu trên, VNPT đã định hướng xây dựng các giải pháp, dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái dựa trên các nền tảng dịch vụ số mà VNPT đang xây dựng như nền tảng media và dịch vụ truyền hình, nền tảng Chính phủ điện tử, nền tảng tích hợp Đô thị thông minh, nền tảng IoT…

Hệ sinh thái giải pháp của VNPT đang ngày càng phong phú và hoàn thiện với các giải pháp ở nhiều lĩnh vực như xây dựng Chính phủ điện tử, Y tế, Nông nghiệp, Giáo dục, các giải pháp xây dựng đô thị thông minh khác. Một số thành quả có thể kể đến như bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 51 tỉnh/thành phố. Giải pháp giáo dục VnEdu đã có 12.000 trường học sử dụng. Dịch vụ hóa đơn điện tử VNPT hiện có 6500 khách hàng sử dụng với tổng số 740 nghìn hóa đơn. 20 Tỉnh/tp đã tham gia khảo sát, xây dựng đề án Đô thị thông minh. Giải pháp Du lịch thông minh đã triển khai gần 30 tỉnh/thành phố.

VNPT năm thứ 5 đạt mức tăng trưởng trên 20% ảnh 1
 

VNPT cũng sớm bắt kịp và đón đầu làn sóng  CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Tập đoàn đã bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng này. VNPT đã tự thiết lập/hợp tác với các công ty công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng các Lab nghiên cứu về AI, Blockchain, IoT, Cyber Security, điện toán đám mây. Hiện VNPT đã làm chủ được công nghệ và đang tập trung phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam cũng như đưa các công nghệ đó vào các giải pháp sẵn có của mình để đáp ứng một cách thông minh nhât nhu cầu của khách hàng.

Ông Phạm Đức Long nhận định, năm 2018 VNPT đã chuyển mình mạnh mẽ, tạo đà thuận lợi cho một giai đoạn phát triển mới trong các năm tiếp theo. Những kết quả đã đạt được sẽ tạo tiền đề vững chắc để VNPT hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019 cũng như các mục tiêu phát triển trong Chiến lược VNPT4.0

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.